21 C
Hanoi
06/10/2024
Image default
Phân tích chuyên sâu thị trường

VIP Chuyên sâu: Quá ít rào cản Fed hạ lãi suất, vàng sẽ phá mốc $2400 hay thậm chí cao hơn nữa?

(GVNET) Thị trường vàng đang kết thúc tuần giao dịch ngắn hơn thông lệ bằng đà tăng mạnh, giá đóng cửa phiên thứ Sáu tại mức gần cao nhất 2 tháng…

Loạt dữ liệu kinh tế đáng thất vọng, bao gồm cả đà tăng trưởng chậm lại của thị trường lao động Mỹ, đang làm tăng kỳ vọng của thị trường rằng Cục Dự trữ Liên bang sẽ hạ lãi suất vào tháng 9. Theo CME FedWatch Tool, thị trường hiện thấy gần 80% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất sau kỳ nghỉ hè.

Kỳ vọng ngày càng tăng về việc Ngân hàng trung ương Mỹ bắt đầu một chu kỳ nới lỏng mới đã đẩy chỉ số đồng đô la Mỹ xuống mức thấp nhất trong 3 tuần và Lợi suất trái phiếu về đáy 4 tuần. Điều này đang tạo đà cho vàng khi giá giao dịch ở mức cao nhất trong 4 tuần gần đây.

Đồng thời, giá bạc đã tăng lên trên 31 USD/ounce và cũng đang giao dịch ở mức cao nhất trong 4 tuần qua.

Hợp đồng vàng tương lai tháng 8 đóng tuần đầu tháng 7 ở mức $2399,60/oz, tăng hơn 1% trong ngày và tăng hơn 2,5% kể từ thứ Sáu tuần trước.

Hợp đồng bạc tương lai tháng 9 chốt tuần tại 31,685 USD/ounce, tăng 2,7% trong ngày và tăng hơn 7% trong tuần.

Dữ liệu việc làm Mỹ là bệ phóng cho vàng – bạc

Động lực mới nhất của kim loại quý xuất hiện sau dữ liệu việc làm tháng 6 đáng thất vọng. Hôm qua 5/7, Cục Thống kê Lao động cho biết nền kinh tế Mỹ đã tạo ra 206.000 việc làm trong tháng trước, vượt kỳ vọng chung là 190 nghìn.

Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên 4,1%, từ mức 4,0% của tháng 5; các nhà kinh tế đã mong đợi sẽ thấy kết quả không thay đổi.

Báo cáo cũng điều chỉnh số lượng việc làm trong tháng 4 và tháng 5 thấp hơn số liệu cũ tới 100.000 việc làm.

Ricardo Evangelista, Nhà phân tích kỹ thuật tại ActivTrades, chia sẻ ông không hề ngạc nhiên nếu vàng vượt mốc $2400 vào tuần tới. Trao đổi với hãng tin Kitco, ông khá hào hứng:

Đúng như dự đoán, việc công bố dữ liệu việc làm của Hoa Kỳ ngày hôm thứ Sáu đã xác nhận rằng thị trường lao động Mỹ tiếp tục hạ nhiệt, mặc dù không theo cách rõ rệt, nhưng vẫn đủ để ủng hộ cách nhìn ôn hòa của Fed. Trong nửa đầu năm, khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ đã tạo cơ hội cho Cục Dự trữ Liên bang giữ lãi suất ở mức cao lâu hơn, do đó, các dấu hiệu hạ nhiệt có thể khiến đồng đô la Mỹ yếu hơn, cũng như lãi suất trái phiếu kho bạc thấp hơn, tạo động lực hỗ trợ giá vàng.

Ole Hansen, Giám đốc Chiến lược Hàng hóa tại Ngân hàng Saxo, cho biết có thể hơi sớm để nói rằng giai đoạn tích lũy của vàng đã kết thúc, nhưng ông vẫn lạc quan rằng thị trường cuối cùng sẽ tăng cao hơn.

Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy thị trường đã tăng cao hơn, nhưng một lần nữa, sự điều chỉnh gần đây rất nông, cho thấy nhu cầu cơ bản mạnh mẽ ở mức giá thấp hơn hoặc đơn giản là các lệnh mua đã được thiết lập không có lý do gì để giảm mức độ đầu tư của họ.

Lạm phát vẫn là yếu tố then chốt quyết định vàng

Với việc nền kinh tế Mỹ đang chậm lại, rủi ro lớn nhất đối với thị trường vàng vẫn là lạm phát, đây sẽ là dữ liệu quan trọng trong lịch kinh tế tuần tới. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích lưu ý rằng ngay cả rủi ro này cũng bị hạn chế vì tăng trưởng chậm hơn sẽ giúp giảm bớt áp lực giá cả.

Jonathan Petersen, Chuyên gia kinh tế thị trường cao cấp tại Capital Economics, cho biết trong một báo cáo hôm thứ Sáu rằng ông kỳ vọng đồng đô la Mỹ sẽ tiếp tục yếu đi khi áp lực lạm phát bắt đầu giảm bớt. Môi trường này có thể tiếp tục hỗ trợ giá vàng. Ông viết:

Dữ liệu lạm phát vào tuần tới của Mỹ có thể củng cố rằng việc Fed hạ lãi suất là điều không thể bàn cãi và không còn là động lực tăng giá đối với đồng đô la. Thay vào đó, rủi ro chính mới nổi đối với đồng đô la hiện nay dường như là nền kinh tế đang suy yếu đẩy lãi suất trái phiếu kho bạc thậm chí còn thấp hơn chúng ta mong đợi, ngay cả khi nó có thể được hưởng lợi từ vị thế là đồng tiền “trú ẩn an toàn” trong thời gian ngắn nếu tài sản “rủi ro” chùn bước.

Các nhà kinh tế tại TD Securities cũng không nhận thấy lạm phát có thể cản trở Cục Dự trữ Liên bang cắt giảm lãi suất trong tháng 9. Trong báo cáo hôm 5/7, họ viết:

Mặc dù chúng tôi vẫn nghĩ rằng quyết định nới lỏng trước tiên của Fed chủ yếu phụ thuộc vào kết quả lạm phát, nhưng những tín hiệu yếu đi đang diễn ra xuất phát từ điều kiện thị trường lao động và chi tiêu của người tiêu dùng cho thấy Fed có thể sẽ bắt đầu xem xét nhiệm vụ việc làm của mình một cách nghiêm túc hơn trong những tháng tới. Chúng tôi vẫn lạc quan rằng Fed sẽ lần đầu tiên giảm lãi suất tại cuộc họp FOMC tháng 9 khi chúng tôi mong đợi lạm phát PCE cốt lõi sẽ giảm dần sau đó đến tốc độ hàng tháng phù hợp với việc quay trở lại mục tiêu lạm phát.

Cùng với Chỉ số giá tiêu dùng hôm thứ Năm, các thị trường sẽ quan tâm muốn biết Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell sẽ nói gì trong hai ngày điều trần trước Quốc hội vào tuần tới.

Lịch kinh tế tuần thứ hai của tháng 7

Dữ liệu kinh tế cần theo dõi vào tuần 8 – 12/7:

  • Thứ Ba: Chủ tịch Powell điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện
  • Thứ Tư: Chủ tịch Powell điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện
  • Thứ Năm: CPI của Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần.
  • Thứ Sáu: PPI Hoa Kỳ, Tâm lý người tiêu dùng sơ bộ của Đại học Michigan

Kết luận

Thị trường vàng khởi động quý III bằng đà tăng khá tích cực và tạo nền tảng cho xu hướng đi lên trong nửa cuối năm. Sau báo cáo việc làm tháng 6, nhà đầu tư chỉ còn chờ đợi thêm số liệu lạm phát Mỹ được công bố tuần tới để có thể khẳng định đặt cược Fed hạ lãi suất trong tháng 9. Ngoài ra, phiên điều trần trước Quốc hội của Chủ tịch Powell cũng là một sự kiện mà giới đầu tư vàng không được bỏ lỡ.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....