Tóm tắt
- Vàng có xu hướng tiếp cận lại mức hỗ trợ (giờ đã thành kháng cự) là trung bình động 100 ngày tại $1963.
- Đô la Mỹ ngừng tăng trong bối cảnh lạc quan về kích thích kinh tế của Trung Quốc, trước dữ liệu Niềm tin của người tiêu dùng Hoa Kỳ.
- Nhà đầu tư cần thấy vàng đóng phiên trên 100 DMA để mở rộng đà tăng, RSI vẫn ủng hộ phe mua.
Phân tích
Cho tới thời điểm hiện tại, vàng vẫn giữ được mốc $1950 và có dấu hiệu hồi phục từ mức đáy 6 ngày vào sớm nay. Xu hướng tăng của Đô la Mỹ (USD) đã mất đi động lực khi nhà đầu tư tìm tới tài sản rủi ro trong bối cảnh hy vọng về gói kích thích của Trung Quốc.
Cam kết kích thích của Trung Quốc hỗ trợ thị trường chứng khoán, vàng
Hôm thứ Hai, các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đã cam kết tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế trong bối cảnh đà phục hồi sau COVID đang chững lại, với việc truyền thông nhà nước Trung Quốc đồn đoán chính quyền sẽ cắt giảm lãi suất, cắt giảm thuế và giảm phí. Thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hồng Kông tăng mạnh nhờ sự lạc quan về kích thích, kìm hãm đợt tăng giá mới nhất của Đô la Mỹ so với các đồng tiền chủ chốt.
Sự thay đổi tích cực trong tâm lý rủi ro đang kéo đồng Đô la Mỹ đi xuống, hỗ trợ các tài sản định giá bằng đồng USD như vàng. Sự suy yếu của lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ cũng hỗ trợ vàng – tài sản không đem lại bất kì khoản lãi nào.
Trong thời gian tới, nếu chính quyền Trung Quốc công bố nhiều biện pháp kích thích hơn để kích thích tăng trưởng, Đô la Mỹ có thể sẽ mở rộng động thái điều chỉnh xuống thấp hơn vì dòng tiền sẽ ngày càng chảy vào chứng khoán.
Riêng phiên hôm nay, nhà đầu tư cần chú ý các dữ liệu như Niềm tin tiêu dùng của Hội đồng Hội nghị Mỹ hay Chỉ số giá nhà. Nếu các dữ liệu thấp hơn kì vọng, đồng USD dễ giảm thêm vì dữ liệu này sẽ củng cố kỳ vọng ôn hòa của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed). Các thị trường đang định giá đợt tăng lãi suất dự kiến vào tháng 7 của Fed là đợt cuối cùng trong năm nay.
Trong ngày hôm qua, vàng biến động khá giằng co theo hai chiều và quay trở lại sắc đỏ sau khi đồng Đô la Mỹ tăng giá liên tục do lo ngại gia tăng về khả năng suy thoái trên toàn cầu sau khi báo cáo PMI kinh doanh sơ bộ của Khu vực đồng tiền chung châu Âu và Đức chỉ ra một đợt suy thoái kéo dài. Đồng thời, PMI dịch vụ và hỗn hợp của Mỹ cũng không như kì vọng.
Phân tích kỹ thuật
Vàng: Biểu đồ hàng ngày
Có thể thấy rằng vàng đã được mua vào khi nhà đầu tư đánh giá nhịp nhúng xuống vùng hỗ trợ quan trọng $1950 là cơ hội chứ không phải rủi ro.
Thị trường cần phải thấy vàng đóng phiên 25/7 trên mức hỗ trợ trước đó, giờ chuyển thành kháng cự là Đường trung bình động 100 ngày (DMA) ở mức $1963 thì mới khẳng định được giá bật lên rõ rệt từ đáy 6 ngày.
Rào cản tăng giá tiếp theo của vàng là ngưỡng $1970. Ngay phía trên, mức đỉnh phiên 24/5 tại $1985 sẽ khiến phe mua chùn bước. Ở kịch bản tích cực nhất, chúng ta mong đợi vàng sẽ thử thách mốc $2000.
Nhìn chung, nhà đầu tư vẫn có thể kì vọng vào xu hướng hồi phục của vàng vì Chỉ số sức mạnh tương đối (RSI)14 ngày tăng cao hơn khi ở trên đường giữa, hướng về vùng quá mua.
Đối với kịch bản giảm, hỗ trợ mạnh của vàng nằm ở DMA 50 ngày dốc xuống tại $1947. Thủng mức này thì DMA 21 ngày dốc lên ở $1940 sẽ là điểm dừng chân của phe bán. Nếu áp lực điều chỉnh quá mạnh, hãy theo dõi sát hỗ trợ $1930.
Kết luận
Thị trường vàng ghi nhận lực mua vào khi giá rẻ nhất 6 ngày qua. Tuy nhiên, trước các số liệu kinh tế, đặc biệt là cuộc họp tháng 7 của Fed, tâm lí thận trọng vẫn chiếm chủ đạo. Nếu cuộc họp Fed tháng 7 đi theo hướng ôn hòa, rất có thể vàng sẽ chinh phục các mức cản phía trên. Ngược lại, nếu quan chức Fed thể hiện sự diều hâu, hãy cẩn trọng xác nhận áp lực bán về các vùng hỗ trợ.
Các nhà đầu tư cần chú ý các vùng hỗ trợ mạnh của vàng $1950 – $1940 và các vùng kháng cự $1970 – $1985 để xác định hướng giao dịch cho mình.
Giavang.net