23 C
Hanoi
23/11/2024
GiaVang.Net
Image default
Phân tích chuyên sâu thị trường

VIP Chuyên sâu: Lục địa già đứng trước nguy cơ ‘đột quỵ’ vì quyết sách của ECB ngày mai

Tóm tắt

  • ECB dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 50 bps trong cuộc họp vào tháng 9.
  • Các thị trường đang đặt cược việc tăng lãi suất 75 bps trong bối cảnh chi phí năng lượng tăng mạnh.
  • Đồng EUR phản ứng với các dự báo từ các quan chức Ngân hàng trung ương.

Phân tích

Sau khi tăng lãi suất lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ vào tháng 7, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) chắc chắn sẽ tăng lãi suất một lần nữa vào thứ Năm tuần này. Tuy nhiên, câu hỏi lớn bây giờ là liệu ngân hàng trung ương sẽ chọn 50 điểm cơ bản (bps) hay 75 bps trong bối cảnh lạm phát cao kỷ lục và rủi ro suy thoái quá lớn.

ECB sẽ công bố quyết định lãi suất vào lúc 12 giờ 15 GMT, sau đó sẽ là cuộc họp báo của Chủ tịch Christine Lagarde vào lúc 12 giờ 45 GMT.

ECB đang ở một vị thế cực kì khó khăn

ECB đã tự thừa nhận rằng họ ở trong một tình thế khó khăn vào những ngày cuối hè châu Âu. Lục địa già đang trong thời điểm khá tuyệt vọng, khi phải đối mặt với lạm phát gia tăng và suy thoái sắp xảy ra. Ngân hàng trung ương duy trì quyết tâm ưu tiên kiềm chế lạm phát ngay cả khi nó có thể gây ra một số đau đớn cho nền kinh tế. ECB dự kiến sẽ tăng lãi suất 50 bps tại cuộc họp chính sách tiền tệ tháng này.

Sau Hội nghị chuyên đề Jackson Hole, Fed đã thể hiện thái độ cực kì diều hâu trong thắt chặt chính sách tiền tệ. Điều này đã tiếp thêm tinh thần cho ECB khi mà lạm phát hàng năm cao kỷ lục 9,1% trong tháng 8. Vì vậy, các thị trường đang định giá xác suất 80% là ECB sẽ tăng 75 bps vào tháng 9. Các nhà hoạch định chính sách hàng đầu của ECB cũng có chung chí hướng với Fed về việc tăng lãi suất quá mức để kiểm soát lạm phát đang tràn ngập nền kinh tế.

Tuy nhiên, trong tuần qua, tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga cắt đứt đường ống dẫn khí Nord Stream 1 đến châu Âu đã khiến tình hình của ECB trở nên phức tạp. Giá xăng đã tăng 255% vào năm 2022 và chỉ riêng thứ Hai đã tăng khoảng 30% sau tin tức đóng cửa Nord Stream 1. Khu vực đồng euro đang chịu gánh nặng của cuộc chiến Nga-Ukraine kéo dài và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow. Nền kinh tế Đức bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với một cuộc suy thoái đang rất cận kề.

Nguồn: Reuters

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu ngày càng sâu sắc và lo ngại suy thoái gia tăng, đồng euro từng rớt xuống mức thấp nhất trong 2 thập kỷ dưới 0,9900 so với đô la Mỹ. Đồng EUR đã mất giá 13% từ đầu năm tới nay. Sự sụt giá nhanh chóng của đồng tiền chung đang làm tăng tác động của việc chi phí năng lượng tăng cao, dấy lên lo ngại về lạm phát vốn đã cao kỷ lục.

Mặc dù tình hình cực kì nguy cấp, các thị trường vẫn ủng hộ việc tăng lãi suất quá mức. Việc giảm lạm phát có thể là ưu tiên hàng đầu của ECB mặc dù việc kiểm soát chi phí năng lượng nằm ngoài tầm ngắm của ngân hàng trung ương. Cũng có dự báo rằng ECB sẽ nâng lãi suất 68 bps vào thứ Năm, do lợi suất ngoại vi đã tăng trong tuần này sau khi các nền kinh tế khu vực đồng euro phát hành một lượng lớn trái phiếu.

Trong những ngày đầu tháng 9, chúng ta thấy được khái niệm “giai đoạn mất điện” đối với ECB, khi một loạt các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương đã nói về quá trình ‘bình thường hóa chậm’. Thành viên Hội đồng Thống đốc Mario Centeno nói rằng “ECB có thể đạt được mục tiêu lạm phát với quá trình bình thường hóa chậm”. Đồng nghiệp của ông, Martins Kazaks, cho biết một cuộc suy thoái kéo dài và rộng có thể làm chậm việc tăng lãi suất. Trong khi đó, nhà hoạch định chính sách Yannis Stournaras lưu ý rằng “lạm phát ở khu vực đồng tiền chung châu Âu đã gần đạt đến đỉnh”, ám chỉ sự chậm lại trong lộ trình thắt chặt của ngân hàng.

Các bình luận của quan chức châu Âu có thể được coi là một nỗ lực có chủ ý nhằm xoa dịu những kỳ vọng thắt chặt mạnh mẽ của ECB. Các quan chức đã phát biểu chỉ vài ngày trước khi công bố chính sách, ngụ ý mức tăng 50 bps.

Giới đầu tư tiếp tục theo sát các dự báo của quan chức Ngân hàng trung ương châu Âu bởi ECB cho biết rằng hành động nâng lãi suất của họ vẫn phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế trong tương lai. Dự báo của ngân hàng trung ương về triển vọng tăng trưởng và lạm phát sẽ có tác động đáng kể đến đồng tiền chung.

Đầu tư cặp EUR/USD theo sát hành động của ECB

Các nhà giao dịch EUR đang chuẩn bị cho sự biến động cao và tác động lớn từ các thông báo chính sách sắp tới của ECB, với tỷ giá EUR/USD quanh co gần mức đáy 20 năm ở mức 0,9800.

Kịch bản tăng lãi suất 75 điểm

Việc ECB tăng lãi suất 75 bps có thể gây bất ngờ và tạo động lực tăng cho EUR/USD vì một động thái như vậy vẫn chưa được định giá đầy đủ. Cặp tiền này có thể phục hồi về mức 1 nếu lãi suất tăng quá sốc. Mặc dù vậy, xu hướng tăng mới của đồng euro có thể sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn trong bối cảnh triển vọng kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu tồi tệ.

Tuy nhiên, nếu ECB dự báo suy thoái vào đầu năm 2023, thì nó có thể đập tan sự phục hồi của cặp EUR/USD, đẩy EUR trở lại mức thấp nhất trong hai thập kỷ. Các dự báo trước đây cho thấy ngân hàng kỳ vọng tăng trưởng 2,1% cho năm nay nhưng có khả năng sẽ được điều chỉnh giảm trong cuộc họp ngày mai.

Kịch bản tăng lãi suất 50 điểm

Trong khi đó, việc tăng lãi suất 50 bps có thể đặt ra câu hỏi về cam kết chống lạm phát của ngân hàng trung ương. Nó cũng có thể làm nổi bật những lo ngại của ECB về rủi ro của một cuộc suy thoái sâu. Trong trường hợp như vậy, cặp tiền này có thể kéo dài xu hướng giảm về 0,9700. Việc ECB nâng lãi suất 50 điểm sẽ càng mở rộng sự phân kỳ chính sách tiền tệ của Fed-ECB. Hiện tại, hợp đồng tương lai của Quỹ Fed ngụ ý 75% khả năng Fed tăng 75 bps vào tháng 9.

Kết luận

Thị trường nhìn chung dự báo Ngân hàng trung ương châu Âu sẽ nâng lãi suất khá mạnh trong cuộc họp ngày mai, tuy nhiên, biên độ 50 hay 75 điểm sẽ quyết định số phận đồng EUR. Lục địa già chắc chắn đang trong giai đoạn cực kì khó khăn và ECB hành động ra sao cũng sẽ đối diện với nguy cơ suy thoái sâu.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....