(GVNET) Sau những biến động mạnh hậu cuộc họp FOMC tháng 9, vàng đã vào pha tăng rất mạnh lên đỉnh kỉ lục mới. Câu hỏi đặt ra bây giờ là yếu tố nào sẽ tiếp tục bơm nhiên liệu cho đà tăng giá?
Xét bối cảnh thị trường hiện tại, xu hướng của vàng thế giới sẽ là tiếp tục tăng, thiết lập các mức đỉnh kỉ lục mới. Thị trường kim loại quý đang nhận được quá nhiều yếu tố hỗ trợ về mặt vĩ mô, đầu tiên và quan trọng nhất phải kể tới việc Ngân hàng Trung ương Mỹ mạnh tay hạ lãi suất 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 9 và biểu đồ dotplot ngụ ý Fed sẽ hạ lãi suất khoảng 100 điểm trong năm nay. Đây là yếu tố then chốt, chất xúc tác mạnh nhất cho vàng trong thời gian tới. Trong khi Ngân hàng trung ương châu Âu ECB và BOE đều giữ nguyên lãi suất, việc nới lỏng tiền tệ của Fed khiến USD giảm nhiệt, tạo động lực rõ ràng cho vàng
Các yếu tố vĩ mô khác tiếp tục hỗ trợ thị trường kim loại quý: Ngân hàng trung ương gom mua kỉ lục, các quỹ đầu tư phương Tây quay lại gia tăng tiếp xúc với kim loại quý, điển hình là SPDR tuần này gom 4,88 tấn sau khi mua 7,7 tấn trong tuần trước. Ngoài ra, bất ổn địa chính trị ở Trung Đông, cuộc chiến kéo dài giữa Nga – Ukraine càng nâng cao vai trò trú ẩn an toàn của vàng. Chứng khoán Mỹ ở vùng đỉnh kỉ lục cũng là nhân tố hỗ trợ vàng bởi lẽ dòng tiền đang có xu hướng tìm tới những tài sản có độ nhạy cảm với lãi suất. Chứng khoán và vàng biến động cùng chiều.
Các tin tức đáng chú ý trong tuần 23 – 27/9
Lịch kinh tế Hoa Kỳ tuần 23-27/9 bắt đầu bằng Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) sản xuất và dịch vụ tháng 9 vào thứ Hai. Trong trường hợp PMI sản xuất phục hồi trên 50 và PMI dịch vụ duy trì ổn định trên 50, giới đầu tư có thể đánh giá triển vọng kinh tế Mỹ vẫn tốt. Trong kịch bản đó, USD có thể duy trì khả năng phục hồi so với các đối thủ chính của mình và khiến vàng (XAU/USD) điều chỉnh giảm từ đỉnh kỉ lục. Mặt khác, các chỉ số PMI yếu hơn dự báo có thể có tác động tiêu cực tới đồng bạc xanh, hỗ trợ vàng tăng giá.
Vào thứ Năm, Cục Phân tích Kinh tế Hoa Kỳ (BEA) sẽ công bố bản sửa đổi cuối cùng đối với dữ liệu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II. Dữ liệu này ít có khả năng gây ra phản ứng của thị trường. Bên cạnh đó, dữ liệu số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần rất đáng được chú ý. Nếu dữ liệu tăng cao hơn dự báo, vàng sẽ tiếp đà đi lên, mở rộng xu hướng phá đỉnh kỉ lục. Nếu số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần thấp hơn dự báo, vàng sẽ giảm.
Phiên thứ Năm cũng có bài phát biểu của Chủ tịch Powell. Dù khả năng ông sẽ không có sự thay đổi giọng điệu so với cuộc họp báo vào thứ Tư tuần này, bất kì tín hiệu nào từ nhà lãnh đạo Fed cũng đều được nhà đầu tư chú ý.
Vào thứ Sáu, BEA sẽ công bố số liệu Chỉ số giá PCE cho tháng 8, thước đo lạm phát ưa thích của Fed. Các nhà đầu tư dường như đang ít lo ngại về lạm phát hơn so với đầu năm. Tuy nhiên, mức tăng mạnh 0,3% hoặc lớn hơn trong Chỉ số giá PCE lõi hàng tháng có thể thúc đẩy USD. Ngược lại, một chỉ số yếu có thể gây áp lực lên USD với phản ứng tức thời.
Khi mà giai đoạn ‘yên lặng’ của các quan Fed sắp kết thúc, các nhà đầu tư sẽ chú ý đến các bình luận từ các nhà hoạch định chính sách Ngân hàng trung ương Mỹ. Theo Công cụ FedWatch của CME, thị trường đang định giá gần 70% khả năng Fed sẽ hạ lãi suất chính sách ít nhất 75 điểm cơ bản nữa vào năm 2024. Nếu các quan chức Fed phản đối khả năng cắt giảm lãi suất sâu hơn trong năm nay, USD sẽ phục hồi, đẩy vàng (XAU/USD) xuống thấp hơn. Trong trường hợp các nhà hoạch định chính sách cân nhắc ý tưởng cắt giảm thêm 50 điểm cơ bản nữa trong một trong những cuộc họp sắp tới, vàng sẽ tăng khi lực cầu USD giảm mạnh.
LỊCH KINH TẾ tuần 23 – 27/9‘
Góc nhìn kĩ thuật
Xu hướng kĩ thuật của vàng vẫn là tăng, giá vẫn đang giao dịch trên tất cả các đường trung bình động quan trọng MA 20 – 50 – 100 và 200 ngày. Các dường trung bình động dốc lên tiếp tục khẳng định triển vọng tăng giá trong ngắn – trung – dài hạn.
Chỉ báo Chỉ số sức mạnh tương đối (Relative Strength Index RSI) trên biểu đồ hàng ngày đã tăng lên 70 trong tuần này. Vàng vẫn nằm trong nửa trên của kênh hồi quy tăng dần bắt đầu từ cuối tháng 6. Giới hạn trên của kênh này trùng với mức kháng cự chính là $2630/oz. Lần cuối cùng RSI hàng ngày chạm mức 70 và Vàng đã tăng lên trên giới hạn trên của kênh tăng dần vào giữa tháng 7, thị trường đã có một đợt điều chỉnh mạnh. Do đó, lúc này, phe mua có thể kiềm chế không đẩy giá lên cao hơn trong thời gian tới và cho phép vàng điều chỉnh giảm nếu nó chuyển sang trạng thái quá mua bằng cách tăng trên $2630/oz.
Đối với kịch bản giá vàng quay đầu điều chỉnh, $2600 (mức tâm lí) sẽ là vùng hỗ trợ tạm thời. Sau đó, các mức giá $2570 (điểm giữa của kênh tăng dần) và $2530 – Đường trung bình động đơn giản (SMA) 20 ngày sẽ là các vùng sàn tiếp theo của thị trường.
Lúc này, sẽ rất rất khó để đặt mục tiêu ngắn hạn cho đà tăng của vàng vì thị trường đang ở vùng đỉnh kỉ lục mọi thời đại. Vùng tâm lí $2700/oz có thể được coi là mức kháng cự tiếp theo nếu các nhà đầu tư bỏ qua các điều kiện mua quá mức.
Giavang.net