30.6 C
Hanoi
23/07/2025
GiaVang.Net
Image default
Phân tích chuyên sâu thị trường

VIP Chuyên sâu: De-dollarization ngay tại Mỹ: vì sao các bang đua nhau mua vàng dự trữ?

(GVNET) Khi đồng USD tiếp tục trượt dài và niềm tin vào hệ thống tiền tệ pháp định lung lay, làn sóng ủng hộ chính sách “tiền tệ vững chắc” (sound money) đang lan rộng khắp nước Mỹ. Thay vì chỉ trích chính phủ liên bang, ngày càng nhiều bang tại Mỹ đang tự hành động để bảo vệ tài chính địa phương bằng cách chuyển hướng sang các tài sản hữu hình như vàng và bạc.

USD suy yếu kéo theo cải cách tiền tệ

Trong bối cảnh chỉ số USD liên tục giảm từ đầu năm 2025 và hiện giao dịch gần mức thấp nhất nhiều năm, nhiều bang tại Mỹ đang chủ động tìm kiếm giải pháp bảo vệ nền tài chính địa phương. Sự mất giá của đồng bạc xanh không còn là hiện tượng ngắn hạn, mà phản ánh xu thế dài hạn về sự suy yếu của tiền pháp định.

Theo Cục Dự trữ Liên bang St. Louis, sức mua của USD đã mất gần 27% chỉ trong một thập kỷ qua. Xu hướng này bắt đầu từ năm 1933 khi Mỹ chính thức chấm dứt liên kết giữa USD và vàng, khiến đồng tiền mất đi giá trị nội tại theo thời gian.

Các bang dẫn đầu: Từ bãi bỏ thuế đến tăng dự trữ vàng

Phong trào “tiền tệ vững chắc” (sound money) đang lan rộng tại cấp bang. Theo ông JP Cortez – Giám đốc Liên minh Sound Money Defense League – ít nhất 10 bang đã ban hành luật mới liên quan đến vàng bạc, trong khi 20 bang khác đang xem xét các dự luật tương tự.

Phần lớn các bang hiện đã miễn thuế bán hàng đối với vàng và bạc vật chất, nhằm khuyến khích người dân nắm giữ tài sản bảo toàn giá trị. Chỉ còn Maine và Hawaii vẫn duy trì sắc thuế này.

Một số bang đã tiến thêm bước nữa. Utah cho phép đầu tư 10% quỹ dự phòng bang vào vàng – danh mục hiện trị giá khoảng 180 triệu USD. Wyoming gần đây cũng bổ sung thêm 10 triệu USD vàng bạc vào danh mục đầu tư chính phủ.

Ngược lại, Idaho trở thành ví dụ điển hình cho cơ hội bị bỏ lỡ: năm 2024, dự luật cho phép Kho bạc bang đầu tư vào vàng đã bị Thống đốc Brad Little phủ quyết. Kể từ đó, giá vàng đã tăng 42%, trong khi chỉ số USD giảm 5%.

De-dollarization không còn là câu chuyện toàn cầu

Phi đô-la hóa (de-dollarization) từ lâu được xem là nỗ lực của các cường quốc như Trung Quốc và Nga nhằm giảm phụ thuộc vào USD. Tuy nhiên, theo ông Cortez, quá trình này hiện đang diễn ra ngay trên chính đất Mỹ.

Các bang đang tìm cách giảm tiếp xúc với tài sản định giá bằng USD – vốn đang mang lại lợi suất âm khi điều chỉnh theo lạm phát. Giải pháp thay thế? Vàng – tài sản hữu hình, trung lập chính trị và không thể in thêm tùy tiện.

Từ vấn đề đảng phái thành đồng thuận quốc gia

Trước đây, cải cách tiền tệ chủ yếu được thúc đẩy bởi các chính trị gia cánh hữu. Nhưng hiện tại, phong trào này đã trở thành đồng thuận lưỡng đảng. Tại New Jersey – bang có quốc hội thiên tả và mức thuế cao – cả 150 nghị sĩ đã nhất trí bỏ thuế bán hàng trên vàng bạc, không một phiếu chống.

Ông Cortez nhấn mạnh: “Chúng tôi không muốn thay thế USD mà chỉ muốn cung cấp một lựa chọn lành mạnh – loại tiền giữ giá trị và không bị vũ khí hóa.”

Đích nhắm tiếp theo: Washington và kho vàng quốc gia

Với làn sóng lan rộng ở cấp bang, các nhà vận động đã chuyển hướng sang thủ đô. Bốn hạ nghị sĩ Mỹ gần đây đã trình Dự luật H.R. 3795 – “Minh bạch Dự trữ Vàng”, yêu cầu:

  • Kiểm kê toàn bộ kho vàng quốc gia lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ
  • Công khai mọi giao dịch vàng trong 50 năm qua: từ mua bán, vay mượn đến hoán đổi

“Kho vàng của Mỹ là tài sản của người dân và người nộp thuế. Họ có quyền biết chúng đang ở đâu và đã được sử dụng ra sao,” ông Cortez khẳng định.

Trung Quốc mua vàng: Tín hiệu cảnh báo cho phương Tây

Khi phương Tây vẫn duy trì chi tiêu thâm hụt, các ngân hàng trung ương – đặc biệt là Trung Quốc – đã tích cực gom vàng. Trong ba năm liên tiếp, họ mua hơn 1.000 tấn vàng mỗi năm, xu hướng được dự đoán sẽ tiếp diễn trong năm 2025.

“Niềm tin vào vai trò dự trữ của USD đang bị xói mòn,” ông Cortez cảnh báo. “Muốn lấy lại uy tín, Mỹ cần chứng minh mình vẫn sở hữu kho vàng lớn nhất thế giới.”

Kết luận: Sự trở lại của “tiền thật”

Từ những cải cách thầm lặng tại các bang cho đến các nỗ lực minh bạch hóa ở cấp liên bang, nước Mỹ đang chứng kiến một cuộc “hồi sinh vàng” giữa lòng khủng hoảng niềm tin tiền tệ.

Trong bối cảnh đồng USD tiếp tục suy yếu, lạm phát dai dẳng và rủi ro địa chính trị tăng cao, vàng và bạc đang trở lại như một biểu tượng của sự ổn định tài chính và tự chủ chính trị. Không còn là quá khứ, “tiền thật” đang từng bước định hình tương lai của nước Mỹ.


Chu Phương – Chuyên gia Giavang Net
Chu Phương – Thạc sĩ Kinh tế Quốc tế với hơn 12 năm theo dõi thị trường Vàng, Ngoại hối. Với vai trò là chuyên gia phân tích thị trường tại Giavang.net; Chu Phương chia sẻ các thông tin kinh tế, chính trị có tầm ảnh hưởng tới thị trường, phân tích – dự báo triển vọng thị trường cả theo góc độ cơ bản và kĩ thuật

Tin liên quan

Đang tải....