28 C
Hanoi
16/09/2024
Image default
Phân tích chuyên sâu thị trường

VIP Chuyên sâu: Đánh giá bức tranh cơ bản – kĩ thuật của giá vàng tuần cuối tháng 8. Cơ hội hay Rủi ro?

(GVNET) Trong bài viết này, chúng tôi chia sẻ tới quý độc giả bức tranh cơ bản về thị trường vàng và những yếu tố kĩ thuật đang ủng hộ vàng lên như thế nào?

Góc nhìn cơ bản

Với những biến động của thị trường tuần trước, đặc biệt là phản ứng của nhà đầu tư với bài phát biểu của Chủ tịch Fed tại Hội nghị Jackson Hole, Giavang.net tin tưởng vào triển vọng tăng giá trong ngắn – trung – dài hạn của Vàng. Vàng là tài sản không sinh lãi nên chắc chắn sẽ nó sẽ tỏa sáng trong môi trường mà chi phí đi vay giảm.

Trong bài phát biểu tại hội nghị Jackson Hole vào sáng ngày 23/8 (theo giờ địa phương), Chủ tịch Fed Jerome Powell đã đặt nền móng cho việc hạ lãi suất. Tuy nhiên, ông từ chối cung cấp thông tin chính xác về thời điểm hoặc mức độ giảm.

“Đã đến lúc chúng tôi nên điều chỉnh chính sách tiền tệ”, lãnh đạo của ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới chia sẻ trong bài phát biểu rất được mong chờ.

“Hướng đi đã rõ ràng, thời điểm và tốc độ cắt giảm lãi suất sẽ phụ thuộc vào dữ liệu, triển vọng tương lai và cán cân rủi ro”, ông nhấn mạnh.

Theo đó, Chỉ số đồng USD, phản ánh sức mạnh của đồng bạc xanh so với giỏ 6 đồng tiền chủ chốt, đã giảm về thấp nhất từ tháng 7/2023. Nếu chỉ số DXY mất ngưỡng 100 điểm – áp lực bán tháo đồng USD sẽ trở nên trầm trọng hơn, tạo động lực cho vàng. Xu hướng giảm của đồng bạc xanh còn trở nên trầm trọng hơn vào thứ Sáu sau khi Thống đốc BoJ Ueda lưu ý rằng ngân hàng trung ương sẽ thực hiện thêm nhiều đợt tăng lãi suất nếu thị trường vẫn ổn định. Cặp USD/JPY đã giảm tới 12,45% nếu xét từ mức đỉnh ngày 3/7 xuống đáy phiên 23/8.

Lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm duy trì dưới mức 4% trong một thời gian dài cũng là nền tảng tốt cho vàng tăng thêm trong thời gian tới.

Các tin tức đáng chú ý trong tuần 26 – 30/8

Lịch kinh tế Mỹ tuần cuối cùng của tháng 8 có một số dữ liệu cần chú ý. Nhà đầu tư cần theo dõi tin Đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền tháng 7 vào thứ Hai. Mặc dù dữ liệu này thường không được những người tham gia thị trường chú ý đặc biệt, nhưng nếu dữ liệu gây bất ngờ lớn, dù là tăng hay giảm thì thị trường cũng sẽ biến động. Nếu số liệu thực tế cao hơn nhiều dự báo có thể làm dịu nỗi lo về suy thoái kinh tế ở Hoa Kỳ và giúp USD hồi phục.

Sang phiên thứ Ba, các tin tức về Niềm tin tiêu dùng Mỹ của CB tháng 8 và GDP Đức quý II sẽ ảnh hưởng tới tâm lí thị trường chung.

Vào thứ Năm, Cục Phân tích Kinh tế Hoa Kỳ (BEA) sẽ công bố ước tính thứ hai về tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm cho quý II. Thị trường dự kiến ​​sẽ không có thay đổi nào đối với ước tính ban đầu là 2,8%. Nếu GDP quý II được điều chỉnh theo hướng giảm, USD có thể bị bán trầm trọng hơn, tạo động lực tăng cao cho vàng và ngược lại. Ngoài ra, số liệu về đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần cũng rất đáng chú ý. Nếu số người xin trợ cấp thất nghiệp giảm, vàng sẽ chịu áp lực điều chỉnh và ngược lại.

BEA sẽ công bố dữ liệu Chỉ số giá Chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của tháng 7, thước đo lạm phát ưa thích của Fed, vào thứ Sáu. Các nhà đầu tư có thể sẽ phản ứng với Chỉ số giá PCE lõi hàng tháng, loại trừ giá của các mặt hàng biến động và không bị bóp méo bởi các hiệu ứng cơ sở. Chỉ số giá PCE  lõi được dự báo sẽ tăng 0,2% hàng tháng. Vì những bình luận mới nhất của Powell cho thấy các nhà hoạch định chính sách hiện tập trung nhiều hơn vào thị trường lao động hơn là lạm phát, nên chỉ khi PCE lõi tăng tới 0,4% hoặc cao hơn mới khiến đồng USD tăng mạnh. Trong khi đó, Nếu PCE thấp hơn dự báo, động lưc tăng giá của vàng sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn.

Đồng thời, dữ liệu CPI châu Âu tháng 8 cũng sẽ ảnh hưởng tới tâm lí nhà đầu tư. Nếu lạm phát tại khu vực tiếp tục hạ nhiệt, xu hướng nới lỏng tiền tệ sẽ càng rõ ràng hơn, ủng hộ vàng tăng giá.

Tuần tới cũng là những ngày giao dịch cuối cùng của tháng 8, chính vì thế nhà đầu tư cần chú ý động thái cơ cấu quỹ danh mục đầu tư cũng như động thái chốt lời chứng khoán, vàng, bitcoin sau đà tăng nóng. Biến động thị trường theo đó tăng lên là hoàn toàn dễ hiểu.                                                                                                                                

LỊCH KINH TẾ tuần 26 – 30/8

Góc nhìn kĩ thuật

Trên biểu đồ ngày, Chỉ báo Chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) vẫn ở mức trên 60, cho thấy xu hướng tăng giá vẫn còn nguyên vẹn.

Mức tâm lí $2500 (điểm giữa của kênh hồi quy tăng dần bắt đầu từ giữa tháng 2) hiện cũng là pivot của thị trường. Trong trường hợp Vàng tiếp tục sử dụng mức này làm hỗ trợ, $2600 (mức tâm lý) có thể được coi là ngưỡng kháng cự tiếp theo trước giới hạn trên của kênh tăng dần là $2620.

Phe bán kỹ thuật có thể quay trở lại thị trường nếu giá vàng thể hiện sự không ổn định trong việc giữ mốc $2500/oz. Trong kịch bản này, Đường trung bình động (SMA) 20 ngày có thể được coi là ngưỡng hỗ trợ tiếp theo tại $2455 trước vùng tâm lí $2400 cũng là sát SMA 50 ngày và $2370 (giới hạn dưới của kênh tăng dần, SMA 100 ngày).

Kết luận

Thị trường vàng đang trong xu hướng tăng tốt cả về bối cảnh cơ bản và yếu tố kĩ thuật. Sau khi đóng tuần trên $2500, mục tiêu tăng giá tiếp theo của kim loại quý được kì vọng là $2600 và xa hơn nữa.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....