(GVNET) Các sự kiện/tin tức kinh tế tuần này sẽ ảnh hưởng ra sao tới tâm lí thị trường, trong đó có Vàng?
Đàm phán thương mại và dữ liệu kinh tế then chốt của Mỹ dẫn dắt xu hướng
Tuần này mở ra với sự yên ắng tương đối, như thể “sự bình yên trước cơn bão”. Các nhà đầu tư đang chuẩn bị đối mặt với loạt dữ liệu kinh tế cứng từ Mỹ, phản ánh tác động thực sự của căng thẳng thuế quan đối với nền kinh tế nước này. Thay cho những ồn ào xoay quanh vấn đề thuế, các số liệu vĩ mô sẽ đem lại bức tranh thực tế và rõ nét hơn.
Ngoài ra, cuộc họp chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), cùng các dữ liệu GDP và CPI của khu vực Eurozone, sẽ tạo thêm nhiều điểm nhấn, giúp tạm thời “phân tán” sự tập trung khỏi câu chuyện thương mại Mỹ – Trung.
Đặc biệt, các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ với Nhật Bản và những nỗ lực khôi phục đối thoại với Trung Quốc sẽ thu hút sự quan tâm lớn từ thị trường. Bất kỳ tín hiệu tích cực nào cũng sẽ thúc đẩy tâm lý ưa thích rủi ro trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, các dữ liệu kinh tế quan trọng như GDP quý 1 của Mỹ và chỉ số PCE (chỉ số giá tiêu dùng cá nhân) sẽ cho thấy mức độ hiện thực của những lo ngại về nguy cơ “đình lạm” (stagflation) – tình trạng tăng trưởng chậm lại nhưng lạm phát vẫn cao. Cuối tuần, báo cáo việc làm phi nông nghiệp (Non-Farm Payrolls – NFP) sẽ hoàn thiện bức tranh về tăng trưởng, lạm phát và việc làm của Mỹ sau những biến động từ chính sách thuế của Tổng thống Trump.
Thương mại và đàm phán thuế quan dẫn dắt tâm lý thị trường
Trong tuần trước, những phát ngôn từ chính quyền Trump về việc giảm thuế đối với Trung Quốc đã thắp lên hy vọng cho thị trường, bất chấp phản ứng thận trọng từ Bắc Kinh. Các nền kinh tế lớn đang thể hiện thái độ cởi mở hơn đối với việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc đối đầu thương mại.

Đàm phán với Nhật Bản dự kiến sẽ kéo dài trong tuần này, trong khi Nhà Trắng cũng đang chuẩn bị mở các vòng đối thoại thương mại với sáu quốc gia khác, cho thấy sự “hối hả” trong phong cách điều hành của chính quyền hiện tại.
Thông điệp mềm mỏng hơn từ Mỹ sau “Ngày Giải phóng” làm gia tăng kỳ vọng rằng một số thỏa thuận có thể đạt được, từ đó góp phần giảm bớt lo ngại về suy thoái toàn cầu và khuyến khích tâm lý đầu tư rủi ro.
GDP Eurozone sẽ nhấn mạnh bức tranh tăng trưởng ảm đạm
Thứ Tư lúc 09:00 GMT, GDP sơ bộ quý 1 của khu vực đồng Euro sẽ được công bố. Dự kiến, số liệu sẽ cho thấy sự chững lại, chủ yếu do đà tăng trưởng yếu từ nền kinh tế Đức.

Điều này có thể gây áp lực giảm nhẹ lên đồng Euro, mặc dù kỳ vọng về một gói kích thích kinh tế mới từ ECB cùng với sự suy yếu của USD đang giúp đồng tiền chung giữ vững vị thế. Nếu dữ liệu GDP thấp hơn kỳ vọng, đồng Euro có thể chịu thêm áp lực nhưng phản ứng dự kiến sẽ không quá mạnh, vì nhà đầu tư vẫn tập trung chờ đợi các dữ liệu quan trọng hơn từ Mỹ.
GDP Mỹ sẽ thể hiện tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại
Cũng trong ngày thứ Tư lúc 12:30 GMT, GDP sơ bộ của Mỹ sẽ được công bố. Dự kiến, tốc độ tăng trưởng hàng năm của nền kinh tế Mỹ sẽ giảm mạnh xuống chỉ còn 0.4%, so với mức 2.4% cuối năm 2024.

Sự giảm tốc này chủ yếu do lo ngại về chính sách thương mại hạn chế và lạm phát cao, ảnh hưởng tới tiêu dùng và hoạt động kinh doanh. Nếu số liệu thấp hơn kỳ vọng, đồng USD và thị trường chứng khoán có thể chịu áp lực mạnh, trong khi giá vàng có thể được hưởng lợi nhờ nhu cầu trú ẩn an toàn.
PCE Price Index có thể làm gia tăng lo ngại về “đình lạm”
Cùng thời điểm công bố GDP, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát ưa thích của Fed – cũng sẽ được công bố.

Nếu lạm phát bất ngờ tăng, Fed sẽ đối mặt với tình thế khó xử: nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng hay siết chặt để kiềm chế giá cả? Chủ tịch Fed Jerome Powell đã từng cảnh báo về rủi ro này. Một chỉ số PCE cao hơn dự kiến sẽ làm gia tăng lo ngại và có thể kéo đồng USD giảm giá, kích hoạt làn sóng “bán tháo” đồng bạc xanh trên diện rộng.
Quyết định lãi suất của BoJ có thể hỗ trợ đồng Yên
Vào thứ Năm (giờ công bố còn chưa ấn định chính thức), Ngân hàng Trung ương Nhật Bản dự kiến giữ nguyên lãi suất trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ còn đang diễn ra.

Tuy nhiên, với lạm phát tiêu dùng và tiền lương đang tăng, BoJ đã phát tín hiệu rằng họ sẵn sàng thắt chặt chính sách tiền tệ khi bất ổn thương mại giảm bớt. Bất kỳ phát biểu nào từ Thống đốc Ueda về khả năng thắt chặt chính sách sẽ hỗ trợ tích cực cho đồng Yên Nhật.
CPI Eurozone sẽ xác nhận xu hướng giảm phát
Sáng thứ Sáu lúc 09:00 GMT, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Eurozone sẽ được công bố. Dự kiến, lạm phát toàn phần sẽ giảm về mức mục tiêu 2%, trong khi lạm phát lõi có thể có sự gia tăng nhẹ.

Nếu dữ liệu CPI yếu cùng với GDP kém khả quan trước đó, kỳ vọng về việc ECB cắt giảm lãi suất trong tháng 5 hoặc tháng 6 sẽ gia tăng. Tác động tức thời lên đồng Euro có khả năng là tiêu cực, nhưng mức độ sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến của các số liệu kinh tế Mỹ được công bố trước đó.
Báo cáo Non-Farm Payrolls sẽ định hình hướng đi của USD
Cuối cùng, lúc 12:30 GMT ngày thứ Sáu, dữ liệu Non-Farm Payrolls (NFP) sẽ được công bố, hoàn thiện bức tranh kinh tế Mỹ tuần này.

Kỳ vọng hiện tại là có thêm 130.000 việc làm mới trong tháng 4, giảm so với 228.000 trong tháng 3. Một con số tích cực sẽ hỗ trợ đồng USD, trong khi con số dưới 100.000 có thể khiến USD chịu áp lực nặng nề.
Nếu toàn bộ dữ liệu Mỹ tuần này (GDP, PCE, NFP) đều gây thất vọng, đồng USD có thể chứng kiến một đợt giảm giá mạnh, do hiện tại USD không còn giữ vai trò “nơi trú ẩn an toàn” truyền thống như trước.
Kết luận
Tuần này, các yếu tố vĩ mô trọng yếu từ Mỹ và diễn biến đàm phán thương mại sẽ đóng vai trò định hình xu hướng chính cho thị trường ngoại hối (FX). Nhà đầu tư cần chuẩn bị tinh thần cho những biến động mạnh, nhất là vào nửa cuối tuần khi loạt dữ liệu quan trọng dồn dập được công bố.

Chu Phương – Chuyên gia Giavang Net
Chu Phương – Thạc sĩ Kinh tế Quốc tế với hơn 12 năm theo dõi thị trường Vàng, Ngoại hối. Với vai trò là chuyên gia phân tích thị trường tại Giavang.net; Chu Phương chia sẻ các thông tin kinh tế, chính trị có tầm ảnh hưởng tới thị trường, phân tích – dự báo triển vọng thị trường cả theo góc độ cơ bản và kĩ thuật
- 📫 Facebook: Phuong Chu – Giavang Net
- 📫 Email: admin@giavang.net
- 📫 Zalo:https://zalo.me/g/hbkfmi008