Tóm tắt
- Vàng tăng cầm chừng trở lại khi USD dậm chân tại chỗ.
- Nhà đầu tư lo ngại về căng thẳng Mỹ – Trung cũng như vấn đề tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc.
- Các chỉ báo kĩ thuật theo biểu đồ ngày ngụ ý vàng giảm tiếp.
Phân tích
Thị trường vàng hồi phục nhưng khá cầm chừng trong phiên Á thứ Năm 10/8. Xu hướng tăng của đồng USD đã chững lại trước dữ liệu lạm phát Mỹ tháng 7 được công bố tối nay.
Tiêu điểm là CPI Mỹ
Vàng nỗ lực hồi phục từ đáy 4 tuần tại $1914 lên vùng $1918 trong phiên Á sáng thứ Năm 10/8. Nhà đầu tư thể hiện tâm lí thận trọng, phản ánh qua sự lình xình của chứng khoán châu Á và hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ. Giới đầu tư có xu hướng điều chỉnh các vị thế của mình trước số liệu lạm phát tối nay – thông tin có ảnh hưởng đáng kể đến định hướng chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed).
Theo dự báo đồng thuận của thị trường, lạm phát Mỹ tháng 7 tăng 3,3% hàng năm – cao hơn mức 3% của tháng 6 trong khi lạm phát hàng tháng duy trì ở mức 0,2%.
Lạm phát lõi tại Mỹ tháng 7 được kì vọng tăng 0,2% hàng tháng và 4,8% so với cùng kì năm 2022.
Theo Công cụ FedWatch của CME Group, thị trường đang định giá 86,5% khả năng Fed tạm dừng chu kỳ thắt chặt tại cuộc họp tháng 9 trong khi dự đoán động thái tiếp theo là cắt giảm, có thể vào mùa xuân năm sau.
Nếu lạm phát Mỹ, đặc biệt là lạm phát lõi cao hơn dự báo, nhà đầu tư sẽ buộc phải chuyển hướng sang kì vọng Fed nâng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay, thúc đẩy USD và Lợi suất Trái phiếu kho bạc Mỹ kì hạn 10 năm. Đây là kịch bản xấu cho vàng với rủi ro giá thủng mức $1900.
Ngược lại, nếu lạm phát Mỹ, đặc biệt là lạm phát lõi thấp hơn dự báo và càng tốt hơn là thấp hơn mức tháng 6, thì vàng sẽ bứt phá quyết liệt trong khi USD và Lợi suất giảm sâu.
Hôm qua, Đồng bạc xanh đã tăng trở lại khi nhà đầu tư né tránh rủi ro. Tâm lý thị trường trở nên tồi tệ sau khi phố Wall mở cửa và đón nhận tin giảm phát tại Trung Quốc. CPI của Trung Quốc đã giảm 0,3% trong tháng 7 so với một năm trước, tốt hơn một chút so với mức -0,4% dự kiến nhưng xác nhận mức giảm đầu tiên kể từ tháng 2/2021. Trong khi đó, Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc giảm tháng thứ 10 liên tiếp.
Tâm lý e ngại rủi ro ngày càng phổ biến khi cổ phiếu công nghệ Hoa Kỳ bị bán tháo bởi thông tin Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ký dự luật rất được mong đợi cho phép Bộ Tài chính Hoa Kỳ cấm hoặc hạn chế một số khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào các công ty công nghệ Trung Quốc, liên quan đến chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và một số lĩnh vực khác như Hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI).
Phân tích kỹ thuật
Vàng: Biểu đồ hàng ngày
Về mặt kỹ thuật, triển vọng của thị trường vẫn là tiêu cực do Chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) trong 14 tiếp tục giữ dưới đường trung bình dù đã le lói tín hiệu tăng.
Trong trường hợp lạm phát tại Mỹ cao hơn dự báo, vàng dễ bị bán thủng hỗ trợ chính $1910 để tiếp cận lại Đường trung bình động (DMA) 200 ngày quan trọng ở mức $1900.
Mất ngưỡng $1900 là một tin không hề vui cho thị trường, khiến áp lực bán tháo tăng mạnh, đẩy giá về còn $1883 – mức đáy ngày 29/6.
Chỉ khi lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt, phe mua vàng mới có cơ sở trở lại với thị trường. Từ vùng thấp hiện tại, vàng tiếp cận kháng cự ban đầu là $1930; sau đó là đường DMA 50 dốc xuống ở mức $1944.
Kháng cự mạnh tiếp theo được nhìn thấy ở mức tâm lý $1950.
Kết luận
Thị trường vàng đang nín thở chờ đợi dữ liệu quan trọng nhất tháng được công bố: Lạm phát tại Mỹ. Nhìn chung, vàng sẽ đi theo 2 kịch bản mà chúng tôi đã chia sẻ, tăng khi lạm phát Mỹ hạ nhiệt và giảm nếu giá tiêu dùng tại Mỹ trở lại xu hướng tăng. Nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng trong giai đoạn này khi mà các chỉ báo kĩ thuật của vàng vẫn khá tiêu cực, bắt đáy khá rủi ro.
Giavang.net