20 C
Hanoi
22/11/2024
GiaVang.Net
Image default
Phân tích chuyên sâu thị trường

VIP Chuyên đề: Vàng 2023: Phá đỉnh, vượt 80 triệu/lượng; Chính phủ – NHNN đồng lòng bình ổn khiến NĐT lướt sóng gục ngã

Chỉ còn vài giờ nữa là chúng ta bước sang năm 2024, như thông lệ, Giavang.net gửi tới chuyên đề TỔNG HỢP THỊ TRƯỜNG VÀNG HÀNG NĂM nhằm đưa ra một cái nhìn khái quát nhất về thị trường vàng trong năm qua.

  1. THỊ TRƯỜNG VÀNG THẾ GIỚI

Thị trường vàng thế giới năm 2023 có thể tóm gọn bằng những cụm từ: “mua là thắng”. Chúng tôi tin tưởng rằng với các nhà đầu tư giữ vị thế long (mua) dài hạn, lợi nhuận của họ thực sự không thua kém các khoản đầu tư vốn được mệnh danh là đem lại lợi nhuận cao như cổ phiếu, tiền kĩ thuật số.

Vào đầu năm 2023, vàng khởi động tại vùng giá $1820 với những động lực tăng đáng kể hình thành sau khi chạm đáy $1600 vào tháng 11/2022. Nhìn chung, thị trường cực kì khởi sắc trong tháng 1, báo hiệu một xu hướng tăng trưởng đầy tiềm năng cho năm 2023. Và quả thật, dù thị trường có lúc rớt xuống về mức giá hồi đầu năm vào tháng 6/2023, kim loại quý đang trên đà chốt năm 2023 ở vùng $2050, tức là tăng khoảng 200USD, hơn 14%/ năm. Đây là một mức tăng trưởng hơn gấp đôi mức lãi suất cơ bản ở Mỹ, phương Tây, cao hơn nhiều so với nắm giữ USD.

Bản chất của thị trường vàng năm 2023 vẫn là bám sát định hướng chính sách tiền tệ của các Ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu, mà quan trọng nhất là Cục dự trữ Liên bang Mỹ Fed, Ngân hàng trung ương châu Âu ECB, Ngân hàng trung ương Anh… Vàng cũng phản ứng tích cực với các bất ổn địa chính trị, dòng vốn ETF và lực mua của các Ngân hàng trung ương. Ngoài ra, vàng còn bị chi phối bởi các sự kiện như khủng hoảng ngành ngân hàng, trần nợ công tại Mỹ, các vấn đề liên quan tới chênh lệch lãi suất…

  1. Chính sách tiền tệ toàn cầu ủng hộ vàng

Fed – Người dẫn đường cho vàng

Khác với giai đoạn cuối năm 2021- đầu năm 2022, sang năm 2023, các Ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu, đứng đầu là Fed, có xu hướng bớt quyết liệt hơn trong chính sách thắt chặt tiền tệ. Bằng chứng rõ nét nhất là xu hướng tăng lãi suất tại Mỹ đã chững lại, thay vì các lần nâng lãi suất liên tục 75 điểm cơ bản, Fed chỉ nâng lãi suất với biên độ khiêm tốn 0,25% trong cuộc họp ngày 01/02; ngày 22/3, ngày 3/5. Trong cuộc họp ngày 14/6, Fed giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25% và thực hiện lần nâng lãi suất cuối cùn vào ngày 26/7. Hiện tại, mặt bằng lãi suất của Fed được duy trì 5,5% từ ngày 26/7. Quan trọng hơn là, trong cuộc họp chính sách tiền tệ cuối cùng của năm nay, Chủ tịch Ủy ban Thị trường Mở liên bang – kiêm Chủ tịch Fed Jerome Powell đã không ngần ngại chia sẻ về việc họ sẽ hạ lãi suất nếu cần thiết.

(Biểu đồ lãi suất tại Mỹ năm 2023 – nguồn Investing).

Thậm chí, hiện tại, thị trường còn đang đồng thuận Fed sẽ hạ lãi suất trong năm 2024, lần hạ lãi suất đầu tiên có thể diễn ra ngay trong tháng 3 tới.

Đi tìm câu trả lời cho hành động chính sách tiền tệ của Mỹ, chúng ta không thể không kể tới 3 yếu tố chi phối rất mạnh sau đây:

Lạm phát hạ nhiệt

Sau khi lạm phát đạt đỉnh 9% vào tháng 6/2022, bằng việc áp dụng quyết liệt chính sách thắt chặt tiền tệ, Fed đã thành công khi đưa lạm phát toàn diện về mức 3,1% như hiện tại.

Nguồn Statista.

Khác với định hướng chính sách nới lỏng tiền tệ hậu đại dịch Covid-19, định hướng chính sách tiền tệ của Fed giai đoạn 2022 – 2023 là kiểm soát, hạn chế lạm phát tăng trưởng nóng, vượt xa mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương Mỹ. Khi lạm phát dần hạ nhiệt, Fed không còn quá ‘áp lực’ trong việc hạ nhiệt giá hàng hóa, dịch vụ và có xu hướng không nâng lãi suất nữa. Chính vì lãi suất không còn tăng nóng – tài sản như vàng mới có cơ hội tăng trưởng cực kì ấn tượng. Vàng là một tài sản không mang lại bất kì khoản lãi nào, vì thế nó sẽ hấp dẫn hơn trong môi trường lãi suất tăng chậm và thấp. Vàng sẽ càng thăng hoa hơn khi trong môi trường lãi suất giảm. Điều này được thể hiện bởi diễn biến giá vàng trong quý IV năm nay, khi thị trường đồn đoán rất nhiều về tiềm năng Fed hạ lãi suất trong năm 2024, lực mua vàng đã đẩy giá lên trên mức đỉnh kỉ lục trước đó là $207x và chạm đỉnh mới mọi thời đại tại $2150.

Cần lưu ý rằng, với Fed, hai dữ liệu có phần được quan tâm nhiều hơn là lạm phát lõi (đánh giá hàng tháng) và Chỉ số Chi tiêu tiêu dùng cá nhân PCE. Cả hai chỉ báo này cũng đang khẳng định đường hướng chính sách tiền tệ của Fed tương đối tốt trong giai đoạn 2022 – 2023. Tuy nhiên, hai chỉ báo này không quá ủng hộ vàng như lạm phát toàn diện.

Lạm phát lõi (không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động) tại Mỹ có phần cao dai dẳng và vẫn đang gấp đôi mục tiêu 2% của Fed.

Lạm phát lõi Mỹ – Nguồn Investing.

Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân cũng vậy, có thể Fed sẽ phải duy trì mức lãi suất cao thêm một thời gian nữa.

Nguồn Investing.com

Khác với tổng hợp giá vàng năm 2021, 2022, năm nay chúng tôi dành phần ít thời gian đề cập tới thị trường lao động Mỹ bởi tăng trưởng việc làm không còn là mục tiêu chính trong kiểm soát chính sách tiền tệ của Fed. Thị trường lao động Mỹ vẫn tăng trưởng tốt, với số việc làm mới tạo ra hàng tháng hầu như trên 200 nghìn và tỷ lệ thất nghiệp dưới 4% – đạt trạng thái toàn dụng nhân công rất lớn.

Nguồn Investing.com
  • Các ngân hàng trung ương liên tục gom mua vàng

Nhu cầu tiêu thụ vàng toàn cầu (không bao gồm thị trường OTC) trong năm 2022 tăng gần 18% so với năm 2021, đạt 4.741 tấn – mức cao nhất kể từ năm 2011. Con số trên được tiết lộ trong Báo cáo xu hướng nhu cầu vàng của Hội đồng Vàng thế giới (WGC). 

Xu hướng này tiếp tục trong năm 2023, với việc các Ngân hàng trung ương từ các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc… liên tục gom mua thêm kim loại quý.

Ông Dominic Frisby, chuyên gia phân tích vàng và người sáng lập tạp chí The Flying Frisby, cho rằng lượng vàng của Trung Quốc được họ tiết lộ chính thức khác xa với thực tế.

Cụ thể, ông cho biết, lượng vàng mà Trung Quốc nắm giữ cao gấp hàng chục lần so với con số được công bố công khai. Ông tiết lộ rằng Trung Quốc đang “bí mật” mua một lượng lớn vàng và lượng vàng nắm giữ của nước này đã nhiều gấp 2 lần Mỹ. Ông cũng cho rằng Trung Quốc có thể cân nhắc sử dụng vàng để hỗ trợ đồng nội tệ.

WGC nâng dự báo cho rằng ngân hàng trung ương các nước sẽ thiết lập một kỷ lục mua ròng vàng mới trong năm nay, cao hơn kỷ lục của năm 2022. Trong 10 tháng, các nước đã mua 800 tấn vàng, trị giá gần 51 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong cả năm 2022, các ông lớn này đã mua một lượng vàng kỷ lục 1.135 tấn.

Lượng vàng nắm giữ của các quốc gia tăng thêm cho thấy họ đánh giá rất cao vai trò của kim loại quý trong dự trữ ngoại hối, cân bằng rủi ro khi vị thế của đồng USD ngày càng giảm sút. Thậm chí, theo các nguồn tin thì các quốc gia EU cần phải có một tỷ lệ vàng nhất định để đảm bảo vị thế tài chính vững vàng trong khu vực.

Theo báo cáo của hãng quản lý đầu tư Sprott Asset Management chỉ ra rằng tâm lý lo lắng về tính an toàn của tài sản dự trữ, đặc biệt sau khi Mỹ tịch thu kho ngoại hối trị giá 650 tỷ USD của Nga vào tháng 2/2022, đã kích thích làn sóng mua vàng của nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới. Sprott lưu ý xu hướng này còn báo hiệu niềm mong muốn đa dạng hóa khỏi đồng USD và các tài sản liên quan đến USD.

Ông Ross Norman, Giám đốc điều hành trang web Metals Daily có trụ sở tại London, nhận định:“Các biện pháp trừng phạt mà chính quyền Mỹ áp dụng đối với một số thực thể có chủ quyền – điều mà một số người gọi là vũ khí hóa đồng USD – đã thuyết phục các chính phủ dễ bị tổn thương tìm kiếm loại tài sản dự trữ không chịu rủi ro”.

Chủ đề phi đô la hóa, nhằm mục đích chấm dứt quyền thống trị của đồng đô la Mỹ, đã trở nên nổi bật trong năm qua. Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim hồi tháng 4 đã kêu gọi về một loại tiền tệ mới mà các quốc gia BRICS – gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – có thể sử dụng để giao dịch các thỏa thuận thương mại toàn cầu.

  • Các quỹ ETF đang rất hối hận vì trót lỡ bán vàng

Xu hướng bán vàng của các quỹ ETF vàng xuất hiện bắt đầu tư cuối năm ngoái và kéo dài trong phần lớn thời gian của năm nay. Xu hướng bán ròng xảy ra bất chấp vàng neo ở vùng giá cao và gây nên sự mâu thuẫn trên thị trường đầu tư. Các quỹ ETF vàng theo từng khu vực địa lí khác nhau cũng ghi nhận xu hướng mua/bán khác nhau. Các quỹ châu Âu và Bắc Mỹ chiếm vị thế bán ròng khá lớn.

Chúng ta theo dõi sự thay đổi của giá vàng, khối lượng giao dịch của SPDR Gold Trust – quỹ tín thác vàng hàng đầu thế giới trong năm 2023. Theo dữ liệu chính thức của quỹ, lượng vàng nắm giữ chốt năm 2022 ở mức 917,64 tấn và lượng vàng nắm giữ chốt năm 2023 là 879,11 tấn. Như vậy, theo năm, quỹ bán ròng 38,5 tấn.

  • Vàng – vai trò bảo vệ tài sản trước bất ổn địa chính trị khá rõ

Sau khi tăng lên mức cao kỉ lục vào cuối tháng 2/2022 vì căng thẳng Nga – Ukraine, chúng ta tiếp tục chứng kiến vàng là tài sản trú ẩn an toàn trước sự kiện Thiên Nga đen liên quan tới Yeman. Bất ổn địa chính trị ở Trung Đông, đẩy giá dầu lên cao, đồng thời cũng đẩy giá vàng tăng mạnh khi nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn an toàn.

  • Vàng – tài sản thăng hoa khi bất ổn kinh tế xuất hiện

Sự kiện kinh tế có tầm ảnh hưởng lớn trong quý II năm nay chính là việc một loạt các ngân hàng tại Mỹ và châu Âu rơi vào trạng thái phá sản. Mở đầu là sự ra đi của Ngân hàng Thung lũng Silicon, Ngân hàng Silvergate Bank và nhiều ngân hàng khác. Xu hướng mua vàng tìm nơi trú ẩn an toàn đã nhanh chóng đưa vàng trở lại mặt bằng giá mới là trên $2000. Nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi về tính thống nhất, an toàn và ổn định của thị trường tài chính, ngân hàng khi lãi suất tăng nhanh và tăng cao, khiến dòng tiền chảy sang vàng như một nơi trú ẩn.

  • So sánh hiệu quả đầu tư vàng, USD và chứng khoán, tiền kĩ thuật số

Trong năm nay, khi những đồn đoán về việc các Ngân hàng trung ương trên toàn cầu sẽ không còn thắt chặt tiền tệ quá mạnh mẽ mà thay vào đó là triển vọng nới lỏng hơn trong năm 2024, vàng – chứng khoán, tiền kĩ thuật số là những cái tên rất được giới đầu tư chú ý.

So sánh hiệu suất của Vàng – USD và Lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm

Trong khi vàng đem lại lợi nhuận 14%, đồng USD là tài sản không hề đem lại bất kì lợi nhuận nào. Lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm biến động mạnh nhất, tăng – giảm trong biên độ tới 40% và kết năm giảm nhẹ.

Cả vàng và chứng khoán Mỹ đều chinh phục mức cao kỉ lục mới trong năm 2023. Với mức tăng hơn 10% trong năm 2023, vàng thực sự là một khoản đầu tư khá hữu ích. Phố Wall, với đại diện là chỉ số S&P 500, cũng ghi nhận mức cao kỉ lục. Chứng khoán – vàng thực sự đã tăng tốc, đặc biệt là trong 2 tháng cuối năm khi các nhà đầu tư đặt cược rằng các Ngân hàng trung ương, dẫn đầu là Cục dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng trung ương châu Âu ECB chắc chắn sẽ trở nên ‘ôn hòa’ hơn trong năm tài chính 2024 kế tiếp.

Biểu đồ so sánh hiệu suất của vàng – S&P 500

Biểu đồ so sánh vàng và tiền kĩ thuật số Bitcoin

Đầu tư tiền kĩ thuật số trong năm 2023 thực sự là một khoản đầu tư rất rất tích cực. So với đầu năm 2023, giá BTC/USD đã tăng 150%, mức tăng này gấp hơn 10 lần so với đà tăng hơn 14% của vàng. Tuy nhiên, Bitcoin luôn được coi là một tài sản có tính biến động cao và là cuộc chơi của các nhà đầu tư ưa mạo hiểm, nên nếu là một nhà đầu tư lựa chọn an toàn cao thì vàng vẫn luôn là một tài sản đáng để lưu tâm.

  • THỊ TRƯỜNG VÀNG VIỆT NAM

Thị trường vàng Việt Nam là cuộc chơi của những người kiên trì. Chỉ cần kiên nhẫn nắm giữ, dù mua ở mức giá nào trước tháng 10/2023 thì bạn đều đang có lãi. Giá vàng SJC lập đỉnh trên mức 80 triệu/lượng, vàng nhẫn cũng ghi nhận mức cao mới 64 triệu và đang trên đà tăng trưởng trước thềm ngày Thần Tài.

Biểu đồ giá vàng nhẫn Bảo tín Minh Châu trong 1 năm qua
Nguồn VIP.giavang.net

Chênh lệch giữa giá vàng mua vào – bán ra được duy trì khá ổn định là khoảng 1 triệu đồng mỗi lượng trong hầu hết năm nay, trừ thời điểm tuần cuối cùng của năm nay. Mức chênh lệch này thực sự vẫn khá cao, khiến cho phần nào nhà đầu tư cảm thấy e dè hơn trong việc xuống tiền gom mua. Tuy nhiên, khi thị trường vàng tăng trưởng, đặc biệt là khi giá vàng thế giới vượt mức cao kỉ lục, giá vàng SJC vượt mức kỉ lục cũ 74 triệu đồng/lượng thì thanh khoản thị trường tăng đột biến. Theo chia sẻ của các đối tác kinh doanh vàng với Giavang.net, lượng vàng giao dịch ở mức giá 75, 76 triệu/lượng là rất lớn, xu hướng FOMO (nỗi sợ bị bỏ lỡ) trở lại trên thị trường vàng như giai đoạn năm 2011 vàng lên mức giá 49 triệu đồng.

Giá vàng trong nước tiếp tục viết nên câu chuyện về sự ‘thờ ơ’ với các bước giảm của thị trường thế giới. Bằng chữ rõ nét nhất là khi giá vàng thế giới về 1800USD thì giá vàng trong nước cũng không thấp hơn mức 67 triệu/lượng. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới luôn trên 10 triệu đồng/lượng và cao kỉ lục là gần 20 triệu trong những ngày cuối năm 2023 – tạo nên một cơn địa chấn trên thị trường tài chính trong nước. Cũng trong những ngày cuối năm, giá vàng mua vào – bán ra đã có lúc chênh tới gần 4 triệu đồng/lượng, khiến khách hàng mua vào ở giá đỉnh 80 triệu lỗ gần chục triệu mỗi lượng chỉ trong thời gian rất ngắn.

Nếu nói về giá vàng trong nước năm 2023 chúng ta không thể không kể tới tuần giao dịch cuối cùng của năm. Giá vàng tăng mạnh và sốc lên trên 80 triệu/lượng trong giai đoạn 26, 27, 28/12. Ngay lập tức, Chính phủ ra chỉ đạo về thị trường, khiến giá vàng giảm nhanh.

Ngày 28/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã lên tiếng, giải thích nguyên nhân khiến giá vàng miếng SJC trong nước tăng mạnh trong những ngày vừa qua chủ yếu do yếu tố tâm lý trước đà tăng liên tục của giá vàng quốc tế. Do vậy, trong những ngày giá vàng quốc tế biến động tăng mạnh, giá vàng miếng SJC trong nước thường tăng với tốc độ nhanh hơn. Trước diễn biến phức tạp, khó lường của thị trường vàng quốc tế và trong nước, NHNN khuyến cáo người dân nên thận trọng trong giao dịch vàng.

Giá vàng bắt đầu “nhảy múa” dữ dội  sau khi Thủ tướng Chính phủ có công điện chỉ đạo về việc quản lý thị trường vàng.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu không để tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.

Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo NHNN khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao như thời gian qua ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành kinh tế vĩ mô, báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 01 năm 2024.

Trước chỉ đạo của Thủ tướng, NHNN yêu cầu các đơn vị kinh doanh vàng nghiêm túc báo cáo giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên, nhằm nhận diện mức độ rủi ro về rửa tiền.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã ký công điện, yêu cầu rà soát khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức…, đồng thời tổng kết thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP được ban hành ngày 03/04/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công cụ quản lý nhà nước đối với thị trường vàng, phát triển thị trường minh bạch, lành mạnh, hiệu quả và bền vững, hoàn thành trong tháng 01/2024.

Nhận định về giá vàng trong nước

Các chuyên gia đã đưa ra quan điểm về diễn biến giá vàng SJC, khẳng định rằng biến động của giá vàng SJC không theo quy luật cố định nhưng thường phản ánh xu hướng của giá vàng thế giới. Thương hiệu vàng SJC, được coi là thương hiệu vàng quốc gia của Việt Nam, có xu hướng tăng giá mạnh hơn khi thị trường vàng thế giới tăng. Một yếu tố đáng chú ý là sự thiếu hụt nguồn cung mới của vàng SJC, điều này cùng với độc quyền thương hiệu là những nguyên nhân chính hỗ trợ giá vàng SJC tăng cao.

Thêm vào đó, một số nhà đầu tư đã bắt đầu “mua bù” sau khi bỏ lỡ đợt tăng giá trước, góp phần làm tăng giá vàng SJC nhanh chóng và đáng kể so với giá vàng 9999 và giá vàng thế giới. Hiện tượng FOMO trong đầu tư vàng cũng được nhắc đến như một yếu tố đẩy giá vàng lên cao.

Ngoài ra, với mức lãi suất tiết kiệm thấp, thị trường chứng khoán đi xuống và thị trường bất động sản trầm lắng, vàng trở thành kênh đầu tư trú ẩn an toàn thu hút dòng tiền. Đặc biệt vào cuối năm, nhu cầu mua tích trữ vàng tăng cao, trong khi nguồn cung vàng SJC hạn chế, không được sản xuất thêm, đã dẫn đến tình trạng giá vàng tăng vọt.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng việc quản lý thị trường vàng cần được xem xét lại để thị trường vàng hoạt động tự do hơn và phản ánh đúng cơ chế thị trường. Việc điều chỉnh các chính sách, bao gồm việc sản xuất thêm vàng SJC, có thể giúp giá vàng trong nước không chênh lệch quá cao so với giá vàng thế giới và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như giao thương quốc tế.

So sánh hiệu quả của đầu tư vàng trong nước và chứng khoán

            Nếu so sánh hiệu quả đầu tư của vàng và chứng khoán Việt Nam thì có phần chưa thực sự rõ nét bởi biến động của thị trường cổ phiếu luôn lớn hơn vàng. Với vàng, đầu tư SJC hay vàng nhẫn chúng ta đều ghi nhận lợi nhuận trên 10%, cụ thể là vàng SJC lợi nhuận khoảng 13% còn vàng nhẫn lợi nhuận cũng tầm trên 14%. Tuy nhiên, nếu xét với chỉ số Vnindex thì chỉ số này cũng tăng tăng 12,2% so với đầu năm (tương ứng tăng gần 123 điểm) – tương đương với đà tăng của vàng.

Biểu đồ diễn biến Vnindex năm 2023

Tuy nhiên, trong năm nay, chứng khoán Việt Nam có sự biến động lớn, việc bước vào thị trường không đúng thời điểm sẽ khiến nhà đầu tư thua lỗ và không đem lại lợi nhuận mong muốn. Còn với vàng SJC, vàng nhẫn, chỉ cần chịu khó kiên nhẫn nắm giữ, nhà đầu tư đã có được khoản lợi nhuận tốt mà ‘không cần phải đau đầu và suy nghĩ nhiều’.

KẾT LUẬN

Năm 2023 đang dần khép lai, một năm của rất nhiều biến động trên thị trường tài chính thế giới và trong nước. Nhìn chung, vàng đã có một năm rực rỡ và được rất nhiều các chuyên gia, nhà kinh tế kì vọng sẽ tiếp tục thăng hoa trong thời gian tới. Với vàng thế giới, chúng ta cần tiếp tục theo dõi các định hướng chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương Mỹ, châu Âu…, bất ổn địa chính trị, lực mua của các Ngân hàng trung ương, các sự kiện Thiên Nga đen của kinh tế, chính trị, năm bầu cử Mỹ… Đối với thị trường vàng trong nước, các vấn đề liên quan tới chênh lệch giá mua – bán, chênh lệch với giá vàng thế giới, chênh lệch giữa giá vàng nhẫn và giá vàng SJC sẽ tiếp tục là các vấn đề cần bám sát. Ngay trong tháng 1 tới, việc sửa đổi Nghị định 24 sẽ là tiêu điểm chú ý. Chỉ khi thị trường trở nên bình ổn, các chính sách và chế tài phù hợp hơn thì hoạt động đầu tư vàng trong nước mới có thể phát triển lành mạnh và tạo cơ hội tìm kiếm lợi nhuận nhiều hơn.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....