24 C
Hanoi
11/04/2025
GiaVang.Net
Image default
Chiến lược đầu tư tối ưu

VIP Chiến lược vàng 10/4: Nhận định CPI Mỹ tối nay và cơ hội cho NĐT vào lệnh

(GVNET) Tóm tắt

  • Giá vàng duy trì tích lũy trên mốc $3100 trước thềm công bố CPI tháng 3 của Mỹ.
  • Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung leo thang, cùng với kỳ vọng Fed sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, tiếp tục tạo lực đẩy trung hạn cho giá vàng.
  • Thị trường đang định vị lại kỳ vọng chính sách tiền tệ dựa trên rủi ro lạm phát và tăng trưởng toàn cầu.

Bức tranh vĩ mô: Động lực “lạm phát – thương mại” chi phối tâm lý trú ẩn

Trong bối cảnh thị trường toàn cầu đang đối mặt với hai rủi ro kinh tế chính – lạm phát bền vững tại Mỹ và căng thẳng thương mại Mỹ – Trung leo thang – vàng tiếp tục phát huy vai trò tài sản trú ẩn an toàn.

Động thái mới nhất của Tổng thống Donald Trump trong tuần này, khi áp thuế lên tới 125% đối với hàng hóa Trung Quốc (và hoãn áp thuế với các quốc gia khác), đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại mang tính toàn cầu. Bắc Kinh không chậm trễ phản ứng, khi tuyên bố nâng thuế lên hàng hóa Mỹ từ 34% lên 84%. Đáng chú ý, Trung Quốc cũng đang tìm cách mở rộng quan hệ thương mại với EU – một nước cờ mang tính chiến lược nhằm làm suy yếu vị thế kinh tế của Mỹ.

Cục diện địa chính trị phức tạp này đang củng cố xu hướng dịch chuyển dòng tiền sang các tài sản phi rủi ro, trong đó vàng nổi bật nhờ tính thanh khoản và vai trò phòng thủ trước lạm phát và suy thoái.

Kỳ vọng lạm phát và chính sách Fed: Trọng tâm là dữ liệu CPI tháng 3 hôm nay

Thị trường hiện đang theo dõi sát sao báo cáo CPI tháng 3 của Mỹ công bố tối nay, được xem là yếu tố mấu chốt định hình kỳ vọng lãi suất trong ngắn hạn.

Dự báo CPI:

  • Tổng CPI (YoY – hàng năm): +2.6% (so với +2.8% tháng 2)
  • Lạm phát lõi CPI (YoY): +3.0% (so với +3.1% tháng 2)
  • CPI hàng tháng: +0,1%; CPI lõi hàng tháng: +0,3%

Trong trường hợp dữ liệu thấp hơn dự kiến, kịch bản “Fed cắt giảm lãi suất sớm vào tháng 5” sẽ trở nên xác đáng hơn, thúc đẩy giá vàng hướng về vùng đỉnh lịch sử. Ngược lại, nếu lạm phát tăng mạnh trở lại, Fed có khả năng tiếp tục “án binh bất động”, khiến lãi suất thực duy trì cao – một bất lợi lớn với vàng (tài sản không sinh lãi).

Phân tích kĩ thuật: Xu hướng tăng trung – dài hạn hạn, rủi ro điều chỉnh ngắn hạn vẫn hiện hữu

Khung ngày (Daily Chart) đang cho tín hiệu tích cực:

  • Chỉ báo RSI 14 ngày duy trì vững chắc trên ngưỡng 50, hiện quanh mốc 60 – củng cố động lực tăng giá.
  • Giá đã phá vỡ kênh đi ngang ngắn hạn khi đóng cửa trên đường SMA 21 ngày ($3036).

Hỗ trợ:

  • Mức hỗ trợ động gần nhất là SMA 21 ngày ở $3048 – hiện là điểm hợp lưu quan trọng.
  • Nếu phá vỡ, áp lực chốt lời có thể đẩy giá về ngưỡng tâm lý $3,000.
  • Xa hơn là vùng hỗ trợ sâu tại SMA 50 ngày ($2960) – vùng “phòng tuyến” cuối cùng trước khi xu hướng tăng trung hạn bị thách thức.

Kháng cự

Mức kháng cự gần là $3150 (ngưỡng tâm lý), xa hơn là đỉnh lịch sử $3168. Vượt qua ngưỡng này sẽ mở ra cơ hội kiểm định vùng $3200 – mốc làm lại định giá kỳ vọng của thị trường.

Chiến lược giao dịch – khuyến nghị

Trong ngắn hạn: Biến động giá vàng sẽ phụ thuộc lớn vào dữ liệu CPI và phản ứng của thị trường lãi suất. Với rủi ro địa chính trị vẫn hiện hữu, bất kỳ nhịp điều chỉnh nào cũng có thể là cơ hội mua vào chiến lược.

Chiến lược đề xuất

  • Mua vào khi điều chỉnh về vùng $3048 – $3000 với mục tiêu $3150 – $3168 – $3,200.
  • Cắt lỗ nếu giá xuyên thủng $2960 một cách rõ ràng (đóng cửa dưới ngưỡng này).

Tầm trung hạn: Triển vọng vẫn tích cực nếu lãi suất thực tiếp tục xu hướng giảm và bất ổn địa chính trị duy trì ở mức cao. Vàng vẫn là một lựa chọn phòng thủ hấp dẫn trong danh mục.


Chu Phương – Chuyên gia Giavang Net
Chu Phương – Thạc sĩ Kinh tế Quốc tế với hơn 12 năm theo dõi thị trường Vàng, Ngoại hối. Với vai trò là chuyên gia phân tích thị trường tại Giavang,net; Chu Phương chia sẻ các thông tin kinh tế, chính trị có tầm ảnh hưởng tới thị trường, phân tích – dự báo triển vọng thị trường cả theo góc độ cơ bản và kĩ thuật

Tin liên quan

Đang tải....