29 C
Hanoi
20/04/2024
Image default
Phân tích chuyên sâu thị trường Tin tức thị trường 24/7

VIP 24/7: Tuần 25-30/7/2022: “Tỏa sáng” cùng vàng thế giới, SJC tăng bứt phá lên đỉnh tuần – vượt mốc 67 triệu đồng; Đầu tư vàng trong tháng 7 lỗ gần 3 triệu đồng cho mỗi lượng SJC

Tóm tắt

  • Giá vàng thế giới có tuần tăng mạnh nhất kể từ giữa tháng 5 khi đồng USD suy yếu.
  • Cùng chiều với giá vàng thế giới, SJC tăng vọt lên mốc 67,10 triệu đồng.
  • Vàng nhẫn 9999 cùng diễn biến tăng chung nhưng với biên độ hẹp hơn.

Nội dung

Vàng Nhẫn 9999

Chốt phiên cuối tuần (30/7) vàng nhẫn 9999 tại thương hiệu SJC, niêm yết giao dịch mua – bán ở mức 52,30 – 53,20 triệu đồng/lượng, tăng 450.000 đồng/lượng (tương đương 0,9%) mua vào và bán ra so với giá mở cửa phiên đầu tuần (25/7).

Nhẫn Vàng Rồng Thăng Long BTMC, niêm yết giao dịch mua – bán ở mức 52,51 – 53,26 triệu đồng/lượng, tăng 530.000 đồng/lượng cả hai chiều mua – bán so với giá mở cửa phiên đầu tuần (25/7).

Vàng miếng SJC

Cùng thời điểm trên, vàng miếng tại thương hiệu SJC niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 66,10 – 67,10 triệu đồng/lượng, chiều mua tăng 1,4 triệu đồng/lượng, chiều bán tăng 900.000 đồng/lượng (tương đương 1,4%) so với giá mở cửa phiên đầu tuần (25/7).

Bảo Tín Minh Châu, niêm yết giao dịch mua – bán ở mức 66,15 – 67,10 triệu đồng/lượng, tăng 1,43 triệu đồng/lượng chiều mua và 920.000 đồng/lượng chiều bán so với giá mở cửa phiên đầu tuần (25/7).

Biểu đồ giá vàng BTMC 1 tuần. Nguồn: Giavang.net tổng hợp

Trong tuần này, giá vàng SJC có thể được xem là ổn định trở lại so với những biến động đầy “sóng gió” ở tuần trước.

Cùng với diễn biến tích cực của giá vàng thế giới, vàng miếng SJC kết thúc tuần đứng trên mốc 67 triệu đồng/lượng, cũng là mức cao nhất trong tuần. Khoảng cách chênh lệch giữa hai thị trường ở ngưỡng 17,1 triệu đồng, tương đương mức chênh lệch cuối tuần trước.

Khoảng cách mua vào – bán ra của vàng miếng giảm về ngưỡng 1 triệu đồng, từ 1,5 triệu đồng cuối tuần trước. Nhưng so với mức chênh lệch bình quần 500.000-600.000 đồng các tuần trước đó thì ngưỡng 1 triệu đồng vẫn là tương đối cao – gây nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.

Vàng nhẫn 9999 cũng khá tích cực khi có xu hướng tăng đồng thuận với SJC và vàng thế giới. Tuy nhiên với biên độ tăng hẹp hơn, vàng nhẫn dần thu hẹp chênh lệch với giá vàng thế giới, đồng thời gia tăng chênh lệch với vàng miếng SJC.

Hiện chênh lệch giữa vàng nhẫn và giá vàng thế giới giảm xuống 3,2 triệu đồng, từ 3,7 triệu đồng cuối tuần trước. Chênh lệch với giá vàng miếng tăng lên 13,9 triệu đồng, từ 13,4 triệu đồng cuối tuần trước.

Khoảng cách giữa giá mua và giá bán của vàng nhẫn duy trì mức 900.000 đồng/lượng.

Mặc dù có tuần tăng mạnh, nhưng tính trong tháng 7, giá vàng miếng SJC đã “bốc hơi” khoảng 2 triệu đồng/lượng chiều mua và 1,6 triệu đồng/lượng chiều bán. Vàng nhẫn cũng giảm xấp xỉ 1 triệu đồng/lượng cả hai chiều mua – bán trong tháng 7.

Như vậy, nếu mua vàng ngày đầu tháng và bán ra trong ngày cuối tháng thì nhà đầu tư lỗ khoảng 2,6 triệu đồng cho mỗi lượng vàng SJC và 1,9 triệu đồng/lượng với vàng nhẫn 9999.

Giá vàng thế giới

Giá vàng thế giới chốt phiên cuối tuần (29/7) đứng ở ngưỡng 1.766,3 USD/ounce, tăng gần 40 USD/ounce (tương đương 2,2%) so với giá chốt cuối tuần trước. Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank (23.480 VND/USD) vàng thế giới giao dịch tại mốc 50 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí).

Giá vàng thế giới ghi nhận tuần tăng thứ 2 liên tiếp, cũng là tuần tăng mạnh nhất kể từ giữa tháng 5, khi đồng USD nới rộng đà giảm sau các số liệu kinh tế gây lo ngại của Mỹ.

Cụ thể, Bộ Thương mại Mỹ cho biết GDP của Mỹ đã giảm 0,9% trong quý II, trái ngược với dự báo của thị trường là tăng trưởng 0,4%.

Daniel Pavilonis, Chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures, nhận định: “Sự đảo chiều của đồng USD, khi thị trường đào sâu hơn vào dữ liệu kinh tế, đang đưa vàng tăng cao lần nữa. Một trong số đó có thể là mua vào kênh tài sản trú ẩn an toàn, nhưng nhìn chung, đó chỉ là xu hướng đổ vào kim loại quý, vốn khá rẻ ở thời điểm hiện tại”.

Dù trải qua một tuần khởi sắc, nhưng vàng vẫn đang hướng đến tháng giảm giá thứ tư liên tiếp, chuỗi suy giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 11/2020. Trong tháng này, đồng USD đã tăng gần 0,9%. Trung tuần tháng 7, Dollar Index có lúc đạt gần 109 điểm, cao nhất 20 năm.

Bên cạnh đó, giá vàng còn bị ảnh hưởng bởi xu hướng nâng lãi suất và thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn để kiềm chế lạm phát, bên cạnh việc lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ ở mức cao trước đó trong tháng 7/2022.

Theo chiến lược gia của State Street Global Advisors, giá vàng sẽ giảm xuống dưới 1.700 USD/ounce trong ngắn hạn và quay trở lại trên 1.750 USD/ounce thể hiện giá trị ổn định. Ông dự báo, vàng có thể kết thúc năm trên mức 2.000 USD/ounce.

Chuyên gia thị trường của State Street Global Advisors dự đoán, giá vàng giao dịch trong khoảng 1.800-2.000 USD/ounce trong năm nay và vẫn có khả năng kim loại quý có thể kết thúc năm trên mức 2.000 USD/ounce. Lý do các bất ổn kinh tế vĩ mô ngày càng tăng, các bất ổn địa chính trị lớn, giá vàng sẽ tăng, không sớm thì muộn.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....