“Có thể các nước trên thế giới đang dần tiến vào cuộc chiến tranh tiền tệ”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định với Trí Thức Trẻ.
Một tuần trở lại đây thế giới đón nhận một chuỗi các sự kiện liên tiếp có thể gây tác động lớn đến kinh tế toàn cầu.
Cụ thể, ngày 1/8, Ngân hàng Trung ương Mỹ (FED) đã tiến hành cắt giảm lãi suất 0,25%, về 2 – 2,25%. Đây là lần cắt giảm đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Ngay trong hôm 1/8, Mỹ đã tuyên bố áp 10% thuế lên 300 tỷ hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc, đẩy cuộc chiến thương mại lên một nấc thang mới.
Bắc Kinh trong ngày 5/8 dường như cũng có những động thái tạo ra bước ngoặt lớn khi đồng NDT đã giảm xuống mức giá trị thấp nhất trong 11 năm qua. Lần đầu tiên kể từ năm 2008, đồng tiền này đã để mất ngưỡng quan trọng 7 NDT đổi 1 USD. Đồng NDT tiếp tục được dự đoán sẽ yếu dần đi trong năm 2020 giữa bối cảnh chính quyền Trung Quốc thay đổi chiến lược đối phó với Mỹ trong cuộc chiến thương mại.
Với những động thái liên tiếp xảy ra trong thời gian vừa qua, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói rằng có thể Việt Nam sẽ phải đối diện với một số áp lực nhất định.
Thứ nhất, hành động giảm lãi suất của FED được ông Hiếu đánh giá là có tính khiên cưỡng khi bản thân tổ chức này không “hứng thú”. “Họ cho rằng đây là thời điểm cần tiếp tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Hiện nước Mỹ vẫn chưa đạt được mức lạm phát mục tiêu”, ông nói.
Tuy nhiên, trước sức ép từ phía Nhà trắng, FED đã buộc phải cắt giảm lãi suất 0,25%. Việc giảm này khiến giá của đồng USD giảm, tín dụng rẻ hơn, giúp đẩy một lượng tiền vào trong lưu thông, hỗ trợ xuất khẩu…
Việc giảm giá trị đồng USD cũng có những tác động với Việt Nam. Ông Hiếu cho rằng khi giá trị USD giảm sẽ giúp giảm áp lực phá giá và tăng sự ổn định cho tiền đồng. Từ đó, kinh tế Việt Nam có thêm cơ hội nhận được những tác động tích cực.
“Việc FED giảm lãi suất tạo điều kiện cho Việt Nam giảm lãi suất. Chính phủ cũng muốn các ngân hàng giảm lãi suất cho những lĩnh vực ưu tiên“, ông nói.
Tuy nhiên, những động thái tiếp theo trong chuỗi sự kiện vừa xảy ra được ông Hiếu đánh giá là không mấy tích cực.
Việc đồng NDT phá thủng cột mốc quan trọng 7NDT đổi 1 USD được ông Hiếu nhìn nhận như là sự phản đòn của Bắc Kinh với việc Tổng thống Trump áp 10% thuế lên 300 tỷ hàng hoá Trung Quốc.
“Động thái này thực sự tạo ra nhiều áp lực cho Việt Nam. Đồng NDT mất giá, VNĐ ổn định với USD thì có nghĩa NDT mất giá so với VNĐ. Điều này sẽ khuyến khích hàng hoá Trung Quốc tràn vào Việt Nam nhiều hơn. Nó cũng tạo ra những bất lợi trong quan hệ mậu dịch giữa Việt Nam và Trung Quốc khi tăng nhập siêu từ nước này“, ông Hiếu phân tích.
Do vậy ông Hiếu cho rằng cần có sự điều chỉnh chính sách tiền tệ ở mức độ nào đó để trung hoà việc đồng NDT đang bị mất giá rất mạnh so với đồng USD.
Đối với vấn đề lãi suất, ông Hiếu cho biết hiện lãi suất cho vay của các ngân hàng lớn đã giảm đối với một số lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên điều này không diễn ra trong toàn ngành.
“Nếu VNĐ được điều chỉnh thì vấn đề duy trì lãi suất như hiện nay là cần thiết“, ông nói và giải thích: “Nếu lãi suất huy động giảm mà tỷ giá gia tăng nghĩa là giá trị USD so với VNĐ tăng, có thể tạo ra hiện tượng rút tiền đồng ồ ạt để đầu cơ USD. Vì vậy, ở thời điểm hiện tại, giảm việc lãi suất trong nước là rất khó“.
Ông Hiếu cũng nhấn mạnh quan điểm về việc điều chỉnh giá trị VNĐ. Theo ông, nhiều khả năng các nước trên thế giới đang dần tiến vào cuộc chiến tranh tiền tệ. “Trong cuộc chiến đó, các nước sẽ tìm cách đẩy giá trị của đồng tiền xuống so với đồng USD để tạo cạnh tranh trong xuất khẩu. Có thể chúng ta nên đi theo hướng đó, nếu cố thủ, chúng ta sẽ gặp bất lợi trong xuất khẩu, nhất là khi kinh tế Việt Nam dựa rất nhiều vào hoạt động này“, ông Nguyễn Trí Hiếu nói thêm.
Theo Trí thức trẻ