Ngày 13/9, Ngân hàng Nhà nước công bố Quyết định số 1870/QĐ-NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng.
Theo đó, giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,25%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm.
Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước giảm cả lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm.
Quyết định sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày hôm nay 16/9.
Quyết định giảm lãi suất tác động thế nào tới đến các ngân hàng thương mại và nền kinh tế?
Đối với TS. Phan Minh Ngọc, hiện công tác tại một ngân hàng của Nhật có trụ sở ở Singapore, tác động của việc giảm lãi suất đối với các ngân hàng thương mại và nền kinh tế là “tùy thuộc”.
Đối với các ngân hàng thương mại, theo ông, nếu NHNN sẵn sàng cho vay bất cứ ngân hàng thương mại nào có nhu cầu (hợp pháp) thì đương nhiên là tình hình sẽ “dễ thở” hơn với các ngân hàng thương mại, bởi lãi suất đầu vào giảm (dù nhẹ), còn lãi suất đầu ra vẫn thuộc sự kiểm soát của ngân hàng thương mại (ngân hàng thương mại vẫn là người làm giá chứ không phải doanh nghiệp, người đi vay, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế vẫn tích cực, nhu cầu vay vốn của nền kinh tế vẫn tăng).
Và ngược lại, khi NHNN chỉ hạ lãi suất trên giấy theo kiểu tùy cơ ứng biến thì rõ ràng là tác động của hạ lãi suất lên các ngân hàng thương mại không đáng kể.
Đối với nền kinh tế, ví von tương tự như tưới nước cho cái cây, nếu lượng nước tưới chỉ có một bình con con thì có lẽ xuống được đến cành cuối cùng, hoặc gốc cây chỉ là một vài giọt nước. Lượng tiền sẵn sàng cho vay từ NHNN (với giả thiết là các ngân hàng thương mại xếp hàng để được vay) mà không đáng kể thì nó sẽ đọng lại trước tiên trong hệ thống ngân hàng để giải quyết các vấn đề nội tại của ngân hàng như thanh khoản eo hẹp, dự trữ tụt giảm. Sau đó, lượng tiền còn dư sẽ tiếp tục chảy qua những chỗ ưu tiên của ngân hàng thương mại, không nhất thiết là các doanh nghiệp trong các lĩnh vực “ưu tiên” theo quy định của NHNN. Nói cách khác, nếu liều lượng nới lỏng tiền tệ nhỏ thì tác động thực sự lên nền kinh tế thực cũng sẽ vì thế mà nhỏ đi hơn nữa.
Góc nhìn đa chiều của các chuyên gia về hành động giảm lãi suất của NHNN
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, động thái giảm lãi suất này rất kịp thời, là dịp giúp NHNN gián tiếp giải quyết các vấn đề liên quan đến tỷ giá, bởi thời gian qua, áp lực lên tỷ giá là rất lớn, tiền đồng cũng đã tăng giá khá nhiều so với USD, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Về vấn đề này, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt đã nhận định, quyết định cắt giảm lãi suất của NHNN mang tính chất định hướng và tâm lý là chủ yếu, chưa thể khẳng định Việt Nam có thật sự nới lỏng chính sách tiền tệ hơn hay không.
Nguyên nhân bởi, việc điều hành chính sách tiền tệ ở Việt Nam đặt mục tiêu trực tiếp về khối lượng cung tiền thông qua các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2), không như FED hay ECB là điều tiết cung tiền thông qua mục tiêu trung gian là lãi suất. Thêm vào đó, các loại lãi suất như tái chiết khấu, tái cấp vốn không phải là nghiệp vụ được sử dụng thường xuyên, chỉ diễn ra khi một số ngân hàng gặp khó khăn lớn về thanh khoản, buộc phải vay vốn từ NHNN khi không vay được thông qua kênh liên ngân hàng. Ngay cả đợt cắt giảm lãi suất tín phiếu hồi tháng 7 mới đây cũng có tác động rất hạn chế đến mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường.
Còn theo chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, nhu cầu tín dụng của nền kinh tế vẫn rất cao nên các ngân hàng vẫn phải cạnh tranh để thu hút tiền gửi, nên việc giảm lãi suất điều hành của NHNN chỉ có thể ảnh hưởng tới các kỳ tiết kiệm hoặc vay vốn ngắn hạn, còn kỳ trung và dài hạn thì có thể chưa ảnh hưởng ngay mà phải qua một thời gian.
Chuyên gia tài chính – ngân hàng TS.Nguyễn Trí Hiếu cho hay, lãi suất cho vay đang ở mức 11-13% trong khi lãi suất điều hành chỉ giảm 0,25% thì “liều thuốc” chưa đủ mạnh. Đặc biệt, hai thị trường 1 (nơi giao dịch giữa các định chế tài chính và doanh nghiệp, dân cư) và thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng) tại Việt Nam chưa liên thông chặt chẽ với nhau, trong khi lãi suất của NHNN điều chỉnh ở thị trường 2 nên tác động tại thị trường 1 không nhiều.
Giavang.net tổng hợp