Trong tuần đầu tiên của tháng 3, giá vàng thế giới giảm cực mạnh và thủng ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1700$. Trong khi đó, giá vàng chỉ giảm nhỏ giọt và neo chênh lệch mua vào – bán ra khá thấp, khác hẳn với những đợt biến động giá trước đây.
Thị trường vàng thế giới: Rơi liên tục, quỹ lớn bán tháo
Thị trường khởi động phiên 1/3 ở mức 1736$ và nhanh chóng tăng lên vùng 1759$ khi lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm giảm từ mức 1,6% – cao nhất hơn 1 năm ghi nhận vào thứ Năm 25/2.
Tuy nhiên, giá vàng đã đảo chiều giảm mạnh vào cuối phiên thứ Hai khi chứng khoán Mỹ có ngày tăng giá tốt nhất từ tháng 6/2020. Tiếp sau đó, thị trường rơi vào trạng thái bán tháo trầm trọng khi các quỹ xả hàng và dòng tiền tìm tới các tài sản khác như Bitcoin, USD…
Ngoài ra, một số nhà phân tích thị trường cho rằng lợi suất trái phiếu có khả năng tăng cao hơn sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell không quá gay gắt đối với mức tăng đột biến gần đây trong một bài thuyết trình tại Hội nghị thượng đỉnh việc làm của Wall Street Journal hôm thứ Năm.
Ông nói rằng sẽ cần nhiều hơn là chỉ tăng lợi suất trái phiếu để ngân hàng trung ương điều chỉnh chính sách tiền tệ của mình.
Đồng thời, kim loại quý còn chịu áp lực trong suốt cả tuần khi các số liệu kinh tế Mỹ phản ánh rằng sự hồi phục tại nền kinh tế Mỹ nhanh hơn dự kiến. Cụ thể, vào ngày thứ Sáu, Bộ Lao động Mỹ cho biết nền kinh tế nước này đã tạo ra thêm 379.000 việc làm trong tháng 02/2021 và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 6,2%, cao hơn rất nhiều so với dự báo có thêm 210.000 việc làm và tỷ lệ thất nghiệp giữ ổn định ở mức 6,3% trong tháng 01/2021 từ Dow Jones.
Trước đó, hôm thứ Năm, Bộ Lao động Mỹ cho biết trong tuần trước có 745.000 người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, thấp hơn so với ước tính 750.000 mà các nhà kinh tế của Dow Jones đưa ra.
Kết quả là vàng có lúc bị bán mạnh và thủng vùng 1690$, hiện đã có xu hướng trở lại vùng 1700$ trong giao dịch giao ngay ngày chủ nhật.
Dòng tiền đang tháo chạy khỏi vàng, thể hiện bằng xu hướng bán tháo của các quỹ tín thác. ETF vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust trong tuần đầu tiên của tháng 3 đã bán 26,89 tấn vàng trong khi mua vào chỉ có 2,62 tấn. Quỹ này cũng đã liên tiếp bán trong tháng 2 vừa qua. Lượng vàng nắm giữ tại đây tính tới chốt phiên 5/3 là 1069.26 tấn – thấp nhất trong nhiều tháng qua.
Thị trường vàng trong nước: Chênh lệch có lúc lên gần 9 triệu đồng
Thị trường vàng trong nước tuần này đi theo chiều hướng giảm của quốc tế nhưng vẫn là các bước giảm nhỏ giọt để giữ biên độ chênh lệch cao…
Cụ thể, xét với thương hiệu vàng Bảo Tín Minh Châu, giá vàng mở phiên 1/3 tại mức 55,75 – 56,15 triệu đồng mỗi lượng lượng (mua vào- bán ra) tới 16h00 chiều nay 7/3 giá vàng ở mức 55,15 – 55,55 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Như vậy, trong tuần này, vàng BTMC giảm 600 nghìn mỗi lượng chiều mua và giảm 600 nghìn đồng mỗi lượng chiều bán. Giá vàng bán ra cao nhất là vào sáng thứ Hai, tại 56,95 triệu đồng/lượng chiều mua và 56,28 triệu đồng mỗi lượng chiều bán.
Xét với thương hiệu vàng Doji, giá vàng mở phiên 1/3 tại mức 55,55– 56,15 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra) và tới 16h chiều nay 7/3 giá vàng ở mức 55,00 – 55,60 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra). Như vậy, trong tuần này, vàng DOJI giảm 550 nghìn mỗi lượng chiều mua và chiều bán so với tuần trước. DOJI ghi nhận giá vàng cao nhất hôm thứ Ba.
Thị trường vàng trong nước tuần này ghi nhận giao dịch khởi sắc hơn ở mảng nữ trang, trang sức, quà tặng phục vụ nhu cầu 8/3. Tuy nhiên, về đầu tư vàng miếng thì không có nhiều điểm nổi trội do vàng SJC giảm quá ‘mờ nhạt’ so với thị trường quốc tế, khiến chênh lệch ở mức rất cao, hơn 8 triệu đồng trong những ngày cuối tuần. Các doanh nghiệp vàng hiện đang đẩy rủi ro về phía khách hàng, vì giá mua vào vàng hiện vẫn rất cao, nếu họ giảm chênh lệch giữa hai thị trường thì người mua chắc chắn chịu thiệt.
Giavang.net tổng hợp