Vàng SJC tăng nhanh, mạnh trong những ngày qua đang hấp dẫn nhà đầu tư tham gia nhưng đây vẫn chưa phải là kỉ lục. Dự báo khi vàng thế giới tiếp tục tăng thêm 250 USD, vàng trong nước sẽ phá đỉnh 49 triệu đồng/lượng của thời hoàng kim năm 2011.
Tăng “phi mã” nhiều phiên, nhà đầu tư lãi hơn 2 triệu đồng/lượng vàng SJC
Giá vàng thế giới đã vượt 1.500 USD/ounce lần đầu tiên sau hơn 6 năm trong phiên giao dịch ngày 8/8.
Tại thị trường trong nước, giá bán mỗi lượng vàng miếng SJC tăng lên khoảng 300.000 – 400.000 đồng, đạt đỉnh 42 triệu đồng tại hầu hết các đơn vị kinh doanh vàng lớn như SJC, PNJ, Doji, Phú Quý.
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam, cho biết đến trưa 8/8 giá vàng đã vượt 1.500 USD/ounce. Đây là lần tăng đột biến gần tiệm cận tăng lịch sử vào tháng 8/2011 ở mốc 1.924 USD/ounce.
“Tháng 8/2011 do Mỹ giảm lãi suất đồng USD, tiền tệ… để vực dậy nền kinh tế sau cơn khủng hoảng 2007 – 2008 thì đợt này lãi suất đồng USD cũng đã giảm 0,25%, là một kịch bản giống nhau khi Mỹ cùng hạ lãi suất đồng USD tại hai lần tăng”.
Tuy nhiên điểm khác là lần này có sự tác động của cuộc thương chiến Mỹ – Trung, là xuất phát điểm của đợt tăng giá vàng năm nay và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
“Cuộc thương chiến đang làm tổn thương hai nền kinh tế, để bù đắp thì họ đang dùng chính sách tài khóa và tiền tệ chống đỡ như Trung Quốc giảm giá đồng nhân dân tệ.
Tuy nhiên, điều này phản ánh nền kinh tế hai cường quốc đang bấp bênh và với sự bấp bênh như vậy vàng lại là nơi trú ẩn nên cuối cùng vàng tăng giá”, ông Hải nhận định.
Khảo sát đến cuối ngày 8/8, giá vàng miếng SJC tiếp tục xác lập mặt bằng giá mới ở mức cao trên 42,27 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra và 41,85 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào, tăng lần lượt 560.000 đồng/lượng và 650.000 đồng/lượng so với cuối ngày 7/8.
Cụ thể, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn mua vàng với giá 41,85 triệu đồng/lượng, bán ra 42,25 – 42,27 triệu đồng/lượng, tăng 650.000 đồng so với cuối phiên hôm qua (7/8). Còn so với phiên đầu tuần (5/8) tăng khoảng 2,12 triệu đồng/lượng.
Tại Tập đoàn Doji, giá vàng SJC mua vào là 41,78 triệu đồng/lượng và bán ra là 42,18 triệu đồng/lượng, tăng 600.000 đồng/lượng so với ngày 7/8 và tăng 1,37 triệu đồng/lượng so với đầu tuần.
Vàng SJC tại Tập đoàn Phú Quý cũng tăng khoảng 1,8 triệu đồng mỗi lượng so với đầu tuần và tăng 600.000 – 650.000 đồng/lượng so với ngày 7/8. Hiện tại, giá vàng tại hệ thống này đang giao dịch quanh mức 41,75 – 42,25 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng tại Công ty Bảo Tín Minh Châu chốt phiên ngày 8/8 là 41,71-42,21 triệu đồng/lượng theo hai chiều mua – bán, tăng 1,47 triệu đồng/lượng so với đầu tuần.
Liên tục tăng “phi mã” từ đầu tuần đến nay, khoảng cách giữa mua và bán của giá vàng SJC đã giãn ra từ 400.000 – 600.000 đồng, trong khi bình thường chỉ ở mức 200.000 đồng/lượng.
Như vậy, so với cách đây 1 tuần, nhà đầu tư vàng đã có lãi hơn 2 triệu đồng/lượng, còn so với cách đây gần 2 tháng thì giá tăng tới 4 triệu đồng.
Giá tăng cao, vàng 9999 chiếm ưu thế
Tại các cửa hàng của công ty kinh doanh vàng, hoạt động mua bán những ngày qua khá sôi động.
“Giá vàng tăng càng kích thích nhu cầu mua vàng, lượng mua vào tăng 10 – 20% so với trước đó. Ngoài ra, số lượng khách hàng đến giao dịch cũng tăng khoảng 20% so với tuần trước. Trong đó, số lượng khách mua vào chiếm 70%, còn lại là lượng bán ra”, chủ một của hàng vàng tại đường Quang Trung (quận Gò Vấp) chia sẻ.
Đáng chú ý, tại các phiên giao dịch tăng “phi mã” những ngày qua, có thời điểm giá vàng nữ trang 9999 trên thị trường có giá bán cao hơn giá vàng miếng SJC khoảng 100.000 – 200.000 đồng/lượng nhưng lượng giao dịch vẫn khá cao.
Chị Nhi (ngụ tại quận Gò Vấp, TPHCM) cho biết: “Vàng 9999 về chất lượng tương đồng với vàng miếng SJC nhưng dễ giao dịch hơn, mình có thể mua bán ở bất cứ tiệm vàng nào, số lượng bao nhiêu cũng được.
Trong khi vàng miếng thường phải mua một lượng, mình không dễ để tích cóp đủ để mua một lần nên lựa chọn mua vàng nhẫn là tốt nhất”.
Ghi nhận tại cuối phiên 8/8, tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn, vàng nhẫn có giá bán 41,3 – 41,75 triệu đồng/lượng, mua vào 42,1 triệu đồng/lượng; tại Doji giá bán vàng nữ trang 9999 lên 41,45 triệu đồng/lượng, mua vào 41,90 triệu đồng/lượng…
Vàng trang sức có mức chênh lệch giữa giá mua và bán là 450.000 – 800.000 đồng/lượng.
Ông Trần Thanh Hải cho hay qui định siết kinh doanh vàng miếng, giới hạn số lượng doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng từ 12.000 xuống còn 10.000 doanh nghiệp được phép kinh doanh khiến việc huy động vàng miếng gặp nhiều khó khăn trong thời gian dài, ngân hàng không huy động và cho vay bằng vàng. Do vậy việc lưu thông vàng SJC cũng khó khăn.
“Thời điểm hiện tại việc huy động 400 – 500 lượng vàng mua bán của một số doanh nghiệp rất khó trong khi vàng thế giới tăng lên từng ngày, từng giờ.
Trong khi bản chất vàng SJC và vàng 9999 đều là phương tiện tích trữ, thanh toán và đầu cơ nhưng vàng 9999 lại là đối tượng dễ huy động nhất mua trăm lượng, nghìn lượng cũng được nên đó là lí do tại sao trong những thời điểm sôi động này vật ngang giá chung được sử dụng nhiều nhất là vàng 9999″, ông Hải chia sẻ.
Dư địa còn lớn, khả năng phá đỉnh 49 triệu đồng tăng cao
Theo ông Hải, khi vàng SJC vượt 40 triệu đồng và vững chắc ở ngưỡng 41 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước và thế giới đang hình thành mặt bằng giá vàng mới.
“Tính từ ngày 4/6 đến nay giá vàng thế giới tăng trên 17%, giá vàng trong nước từ 36,5 triệu tăng lên 42,1 triệu, cũng tăng trên 17% mới chỉ hơn 2 tháng (gần 9 tuần) lợi tức gần gấp đôi lãi suất tiền gửi trung hạn 12 tháng, vượt trái phiếu doanh nghiệp, vượt lợi tức đầu tư chứng khoán.
Sau khi vàng vượt 41 triệu và hiện nay lên hơn 42 triệu đã củng cố tâm lí còn thể hiện tỉ suất lợi nhuận vượt các kênh đầu tư truyền thống”, ông Hải phân tích.
Ngoài ra ông Hải cho biết thêm dư địa tăng của vàng trong nước còn rất lớn, khi giá vàng thế giới tăng thì giá vàng trong nước sẽ tăng nhanh hơn.
“Trung hạn tới tháng 9, tháng 10 giá vàng thế giới vẫn ở mức cao, phá vỡ một số mốc kỉ lục, khi đó vàng trong nước cũng sẽ tăng.
Dù giá vàng thế giới sẽ không tăng vô tội vạ nhưng chỉ cần tăng thêm 250 USD, đạt 1.750 USD/ounce thì vàng trong nước sẽ có thể phá đỉnh tháng 8/2011 là 49 triệu đồng/lượng”, ông Hải dự báo.
Theo Kinh tế và tiêu dùng