Giá vàng chạm đỉnh 1 tháng vào ngày thứ Năm (13/10), khi đà suy yếu của đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ đưa nhà đầu tư chuyển sang vàng như một kênh phòng ngừa lạm phát.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng vàng giao ngay tiến 0.2% lên 1,796.59 USD/oz, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 15/9 là 1,800.12 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai cộng 0.2% lên 1,797.9 USD/oz.
Vàng cũng dường như bỏ qua dữ liệu lao động hàng tuần của Mỹ tốt hơn kỳ vọng.
Jim Wyckoff, Chuyên gia phân tích cấp cao tại Kitco Metals, nhận định: “Nhà đầu tư cuối cùng cũng nhận ra lạm phát đang tăng, về mặt lịch sử, thúc đẩy vàng tăng giá, bất kể Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có làm gì đi nữa”.
Sự biến động mạnh hơn trên thị trường chứng khoán trong tháng này cũng có thể làm tăng nhu cầu trú ẩn an toàn đối với vàng, ông Wyckoff nói thêm.
Tâm lý thị trường chung vẫn còn khá mong manh, khi cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu làm dấy lên lo ngại rằng lạm phát gia tăng có thể làm chậm tăng trưởng.
Giá sản xuất của Trung Quốc đã tăng kỷ trong hồi tháng trước và giá tiêu dùng tại Mỹ cũng tăng, làm tăng lo ngại rằng các ngân hàng trung ương có thể thu hẹp kích thích sớm hơn dự báo.
Trong khi vàng được xem là một kênh phòng ngừa lạm phát, việc giảm bớt các biện pháp kích thích và nâng lãi suất thúc đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ tăng, qua đó làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ kim loại không đem lại lợi suất.
Tuy nhiên, chuyên gia phân tích độc lập Ross Norman cho biết: “Hiện giờ chúng ta đã có một chút nhận thức về những gì Fed dự định làm trong quá trình thắt chặt, và đó là một mức tương đối nhỏ, điều đó tác động tích cực đối với vàng”. Ông Norman cũng nói thêm kim loại quý phải đối mặt với mức kháng cự kỹ thuật xung quanh mức 1,800 USD/oz và 1,835 USD/oz.
Biên bản họp mới nhất của Fed cho thấy cơ quan này có thể bắt đầu thắt chặt vào giữa tháng 11/2021.
An Trần (Theo CNBC)
FILI