(GVNET) – Audio
Tóm tắt
- Thị trường vàng trong nước và thế giới cùng giảm trong tuần giao dịch 11-16/3.
- Tuần này, thị trường vàng nhẫn có mức điều chỉnh tiêu cực hơn vàng miếng và ghi nhận tuần thua lỗ đầu tiên sau 2 tuần lãi lớn.
- Vàng thế giới giảm gần 1%, đánh dấu tuần giảm đầu tiên kể từ giữa tháng 2.
Nội dung chi tiết
Vàng miếng SJC giảm sau 3 tuần tăng liên tục
Trong tuần này, giá vàng miếng đã đạt đỉnh cao nhất mọi thời đại trong phiên 12/3, với mức giá 82,5 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, mức đỉnh này không duy trì được lâu và đã biến mất hoàn toàn trong phiên giảm mạnh ngày 13/3.
Nhìn chung trong cả tuần, vùng đỉnh cao nhất của vàng miếng là trên 80 triệu đồng 1 lượng chiều mua vào và trên 82 triệu đồng 1 lượng chiều bán ra. Vùng đáy của tuần là dưới 78 triệu đồng chiều mua và dưới 80 triệu đồng chiều bán.
Hiện tại, dù đã hồi phục mạnh so với mức thấp nhất trong tuần, vàng miếng vẫn ghi nhận 1 tuần giảm mạnh lên tới 800.000 đồng mỗi lượng.
Cụ thể, cập nhật lúc 16h, ngày 16/3, giá vàng miếng của SJC Hồ Chí Minh niêm yết giao dịch mua – bán tại 79,20 – 81,70 triệu đồng/lượng, giảm 800.000 đồng/lượng chiều mua và 300.000 đồng/lượng chiều bán so với giá mở cửa phiên đầu tuần 11/3.
Cùng thời điểm trên, DOJI Hà Nội neo giá mua – bán tại 79,40 – 81,40 triệu đồng/lượng, giảm 550.000 đồng/lượng cả hai chiều mua – bán so với giá mở cửa ngày đầu tuần.
Bảo Tín Minh Châu đang niêm yết giao dịch mua – bán tại mốc 79,60 – 81,40 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng/lượng giá mua và 500.000 đồng/lượng giá bán so với mở cửa đầu tuần 11/3.
Với đà giảm như trên, nếu mua vàng miếng trong tuần này mức thiệt hại của nhà đầu tư ghi nhận là khoảng 2,3-2,8 triệu đồng mỗi lượng tùy đơn vị. Điều này xuất phát từ việc các doanh nghiệp vàng duy trì chênh lệch mua – bán ở mức cao – khoảng 1,8-2,5 triệu đồng.
Chênh lệch giữa SJC và giá vàng thế giới hiện ở mức 14,3 triệu đồng, tăng 200.000 đồng so với mức chênh cuối tuần trước.
Vàng nhẫn trải qua một tuần nhiều sóng gió
Ngay trong phiên đầu tuần 11/3, thị trường vàng nhẫn đã đạt mức giá kỷ lục 71,38 triệu đồng/lượng. Chững lại trong phiên 12/3, thị trường bước vào phiên 13/3 với sự sụt giảm nhanh chóng và liên tục, khiến giá vàng tại các đơn vị rơi về mức đáy của tuần – khoảng 66,6-67,1 triệu đồng/lượng mua vào và khoảng 67,9-68,4 triệu đồng chiều bán ra.
Tương tự vàng miếng, hiện tại giá vàng nhẫn đã hồi mạnh từ đáy của tuần, nhưng vẫn kết thúc tuần giao dịch với đà giảm mạnh, đồng thời cũng ghi nhận mức thiệt hại lớn đối với nhà đầu tư.
Thời điểm 16h, ngày 16/3, giá vàng nhẫn SJC 9999 niêm yết giao dịch mua – bán tại mốc 67,60 – 68,80 triệu đồng/lượng, giảm 1,2 triệu đồng/lượng chiều mua và 1,25 triệu đồng/lượng chiều bán so với giá mở cửa phiên đầu tuần 11/3.
Nhẫn tròn trơn Bảo Tín Minh Châu hiện niêm yết giá mua – bán tại 68,13 – 69,43 triệu đồng/lượng, giảm 1,75 triệu đồng/lượng cả hai chiều mua – bán so với giá mở cửa phiên đầu tuần.
Nhẫn DOJI với đà giảm 1,7 triệu đồng giá mua và bán trong cả tuần, đã kéo giao dịch mua – bán hiện tại xuống mức 68,10 – 69,40 triệu đồng/lượng.
Mức giá 69,43 triệu đồng của vàng nhẫn hiện cao hơn vàng thế giới 2 triệu đồng, giảm hơn 1 triệu đồng so với 3,1 triệu đồng cuối tuần trước.
Với chênh lệch mua – bán trên 1 triệu đồng, mua vàng miếng từ đầu tuần đến cuối tuần sẽ lỗ khoảng 2,5-3,1 triệu đồng mỗi lượng.
Sau 2 tuần ghi nhận mức lãi ấn tượng khi giá vàng tăng “phi mã”, nhà đầu tư vàng nhẫn phải đối mặt với sự mất mát trong tuần này khi giá vàng quay đầu giảm mạnh. Tuy nhiên, sự mất mát cũng là một bài học quý giá cho những nhà đầu tư thiếu kiên nhẫn và dễ bị chi phối bởi tâm lý thị trường.
Với chiến lược đầu tư dài hạn, nhà đầu tư có thể nhìn nhận sự suy yếu của giá vàng như một cơ hội để mua vào với giá thấp hơn và chờ đợi thời điểm thích hợp để chốt lời khi giá tăng mạnh. Điều này đòi hỏi sự kiên nhẫn và sự kiên định trong việc duy trì chiến lược đầu tư dài hạn, thay vì bị đánh lừa bởi sự biến động ngắn hạn của thị trường.
Giá vàng thế giới
Chốt tuần tại ngưỡng 2.156 USD/ounce, giá vàng thế giới giảm khoảng 0,8% so với mở cửa phiên đầu tuần. Quy đổi theo tỷ giá USD trên thị trường tự do (25.640 VND/USD), giá vàng giao dịch tại 67,40 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí), giảm 480.000 đồng/lượng so với giá sau quy đổi tại phiên cuối tuần trước.
Vàng thế giới ghi nhận tuần giảm đầu tiên sau 3 tuần tăng liên tiếp, do nhà đầu tư hạ bớt kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất sau loạt dữ liệu cho thấy lạm phát ở nước này còn dai dẳng.
Loạt báo cáo lạm phát nóng hơn kỳ vọng của Mỹ công bố trong tuần này khiến nhà đầu tư giảm bớt các đặt cược liên quan đến việc Fed giảm lãi suất trong năm 2024. Vàng là một tài sản không mang lãi suất nên triển vọng lãi suất cao hơn lâu hơn không có lợi cho giá vàng.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 2 của Mỹ đều tăng mạnh hơn so với dự báo của giới chuyên gia kinh tế. Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường đang đặt cược khả năng dưới 60% Fed bắt đầu hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 6. Trước tuần này, mức đặt cược vào mốc tháng 6 là hơn 80%.
Sự thay đổi trong kỳ vọng lãi suất được phản ánh vào lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, với lợi suất của kỳ hạn 10 năm tăng thêm khoảng 22 điểm cơ bản trong tuần này. Ngoài ra, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác cũng tăng hơn 0,7% trong tuần này, chốt ở mức 103,45 điểm. Đây là tuần tăng giá mạnh nhất của đồng bạc xanh kể từ giữa tháng 1.
Kim loại quý là tài sản không mang lãi suất và được định giá bằng đồng USD, nên khi lợi suất trái phiếu và tỷ giá USD cùng tăng sẽ gây bất lợi cho giá vàng.
“Giá vàng đã phản ánh hết hiệu ứng tích cực có được từ kỳ vọng rằng lãi suất sẽ giảm. Nếu lạm phát tăng trở lại, Fed sẽ phải giữ chính sách thắt chặt lâu hơn. Vàng sẽ gặp trở ngại trong một môi trường lãi suất cao, nhưng lạm phát cao cũng đồng nghĩa nhà đầu tư còn mua vàng vì vàng là một tài sản chống lạm phát”, nhà phân tích cấp cao Everett Millman của công ty Gainesville Coins nhận định, cho rằng cơ hội tăng giá của vàng chưa hẳn đã chấm hết.
Giavang.net