(GVNET) – Tóm tắt
- Tiến sát đỉnh kỷ lục, thị trường vàng miếng hoàn thành một tuần tăng mạnh mẽ, thậm chí còn có lãi nếu đầu tư.
- Thị trường vàng nhẫn mất giá khi vàng thế giới giảm sau 5 tuần tăng liên tiếp.
- Đầu tư vàng nhẫn trong tuần này ghi nhận mức lỗ lên tới 2,5 triệu đồng.
- Sau 1 tuần biến động, chênh lệch nội – ngoại tăng tới 3 triệu đồng.
Nội dung chi tiết
Tuần này, giá vàng thế giới dừng chân ở ngưỡng 2.338 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá USD trên thị trường tự do (25.695 VND/USD) vàng thế giới giao dịch tại 73,24 triệu đồng/lượng, giảm 1,9 triệu đồng so với mức 75,12 triệu đồng cuối tuần trước.
Căng thẳng địa chính trị xuống thang ở Trung Đông – khi nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh lớn giữa Israel và Iran có vẻ được “tháo ngòi” – là một nguyên nhân quan trọng khiến vàng giảm giá trong tuần này. Ngoài ra, giá vàng còn giảm do các số liệu thống kê gần đây cho thấy lạm phát ở Mỹ nóng lên, có khả năng dẫn tới việc Fed trì hoãn giảm lãi suất.
Vàng là tài sản không mang lãi suất, nên môi trường lãi suất cao gây bất lợi cho giá vàng. Ngoài ra, triển vọng lãi suất cao hơn lâu hơn còn đẩy tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, khiến áp lực mất giá đối với vàng càng thêm lớn.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (PCE) lõi tháng 3 tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức dự báo tăng 2,7% mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Chi tiêu cá nhân tăng 0,8%, cao hơn con số dự báo là tăng 0,7%.
PCE lõi là thước đo lạm phát mà Fed ưa chuộng khi sử dụng các số liệu kinh tế làm căn cứ cho các động thái chính sách tiền tệ. Hôm thứ Năm, báo cáo về tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I của Bộ Thương mại Mỹ cũng cho thấy PCE lõi quý I tăng tốc so với quý trước đó.
Fed sẽ có cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ trong hai ngày vào thứ Ba và thứ Tư tuần tới. Lần họp này của Fed, thị trường dự báo sẽ không có động thái điều chỉnh lãi suất nào. Giới đầu tư hiện tại vẫn đang nghiêng về khả năng Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 9.
Theo nhà giao dịch kim loại quý Tai Wong ở New York, đường đi của giá vàng sắp tới “tuỳ thuộc vào mức độ ham thích rủi ro của nhà đầu tư và nhu cầu vàng vật chất ở khu vực châu Á. “Tôi cho rằng giá vàng trong ngắn hạn sẽ tích luỹ trong vùng 2.300-2.400 USD”.
Thị trường vàng miếng tăng vọt trong tuần này
Phiên cuối tuần 28/4, thị trường vàng miếng niêm yết giá mua vào trong khoảng 82,6-83,25 triệu đồng/lượng, giá bán khoảng 84,8-85,2 triệu đồng/lượng. So với giá mở cửa phiên đầu tuần 22/4, giá mua tăng 2,5-2,9 triệu đồng/lượng và giá bán tăng 2-2,4 triệu đồng mỗi lượng.
Chênh lệch mua bán hiện ở ngưỡng 1,9-2,2 triệu đồng, giảm so với mức 2,4-2,6 triệu đồng trong phiên đầu tuần. Trừ đi khoản chênh lệch mua – bán, mua vàng miếng trong tuần này sẽ lãi khoảng 200-500.000 đồng mỗi lượng tại một số đơn vị.
Cập nhật giá mua – bán của vàng miếng tại một số doanh nghiệp trong phiên cuối tuần 28/4/2024:
- SJC Hồ Chí Minh: 83,00 – 85,20 triệu đồng/lượng
- DOJI Hà Nội: 82,60 – 84,80 triệu đồng/lượng
- Bảo Tín Minh Châu: 83,25 – 85,10 triệu đồng/lượng
- Phú Quý: 83,20 – 85,20 triệu đồng/lượng
85,2 triệu đồng đang là mức giá cao nhất của vàng miếng kể từ ngày 16/4/2024, thấp hơn 300.000 đồng so với đỉnh cao nhất mọi thời đại thiết lập hôm 15/4/2024 – mức 85,5 triệu đồng/lượng.
Hiện tại, vàng miếng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới sau quy đổi khoảng 12 triệu đồng, tăng 3 triệu đồng so với mức 9 triệu đồng cuối tuần trước.
Vàng nhẫn kết thúc tuần với xu hướng giảm
Thị trường vàng nhẫn chốt tuần tại ngưỡng 73,8-74,8 triệu đồng/lượng chiều mua và 75,5-76,5 triệu đồng/lượng chiều bán. So với giá mở cửa phiên đầu tuần 22/4, mua vào giảm khoảng 200.000 đến 600.000 đồng/lượng, bán ra giảm từ 300.000 đến 800.000 đồng mỗi lượng. Chênh lệch mua – bán hiện ở ngưỡng 1,6-1,7 triệu đồng, giảm so với mức 1,7-2 triệu đồng tại phiên đầu tuần.
Với đà giảm hiện tại, cộng với khoản chênh lệch mua – bán gần 2 triệu đồng, mua vàng nhẫn trong tuần này nhà đầu tư sẽ lỗ từ 1,7-2,5 triệu đồng mỗi lượng tùy đơn vị.
Cập nhật giá mua – bán của vàng nhẫn tại một số doanh nghiệp trong phiên cuối tuần 28/4/2024:
- Vàng nhẫn SJC: 73,80 – 75,50 triệu đồng/lượng
- Nhẫn DOJI: 74,80 – 76,50 triệu đồng/lượng
- Nhẫn Bảo Tín Minh Châu: 74,58 – 76,18 triệu đồng/lượng
- Nhẫn Phú Quý: 74,70 – 76,40 triệu đồng/lượng
Mức giá 76,5 triệu đồng của vàng nhẫn hiện cao hơn giá vàng thế giới sau quy đổi 3,3 triệu đồng, tăng 1,1 triệu đồng so với cuối tuần trước.
Cùng thương hiệu SJC, vàng miếng hiện cao hơn vàng nhẫn 9,8 triệu đồng, tăng 2,5 triệu đồng so với cuối tuần trước.
Đấu thầu vàng chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng
Để ổn định thị trường vàng, chỉ trong 1 tuần, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra 3 phiên đấu thầu vàng miếng SJC. Tuy nhiên, duy chỉ có phiên ngày 23/4 có đủ số thành viên tham gia. Mặc dù vậy, cũng chỉ có 2 đơn vị trúng thầu với số lượng rất khiêm tốn, 3.400 lượng trong tổng số 16.800 lượng vàng được mang ra đấu thầu. Số lượng vàng này rõ ràng không đủ để thị trường “giải cơn khát vàng”.
Thực tế đã chỉ ra rằng nỗ lực đấu thầu vàng miếng SJC để thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới của Ngân hàng Nhà nước bước đầu chưa có tác động như kỳ vọng.
Theo tiết lộ của một DN kinh doanh vàng, thực tế, giá đấu thầu cao (gần 83 triệu đồng/lượng) và khối lượng trúng thầu tối thiểu (1.400 lượng, tương đương khoảng hơn 110 tỷ đồng) vượt quá sức bán trung bình mỗi ngày. Lực mua vàng miếng SJC đã giảm bớt so với trước do có sự dịch chuyển sang vàng nhẫn. Do đó, các đơn vị tham gia đấu thầu vàng miếng cũng tương đối dè dặt khi phải cân đối đầu ra trong khi mức giá Ngân hàng Nhà nước đưa ra không hấp dẫn.
Khi đấu thầu vàng chưa có kết quả như mong đợi, đã có những đề xuất về các biện pháp khác với hy vọng “kìm cương” giá vàng.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, mặc dù phù hợp với tình hình hiện tại nhưng đấu thầu vàng chỉ là phương pháp hạ nhiệt tạm thời và muốn minh bạch thị trường vẫn cần phải có những biện pháp dài hạn hơn.
TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng “một trong những điều cần làm bây giờ là sửa Nghị định 24 bởi môi trường kinh doanh vàng hiện tại đã có nhiều thay đổi đáng kể và Nghị định này không còn phù hợp nữa”.
“Quan hệ cung – cầu vẫn chưa đạt được sự cân bằng và dù có cho các doanh nghiệp tham gia sản xuất vàng miếng đi nữa thì van vẫn bị đóng khi Ngân hàng Nhà nước vẫn độc quyền nhập khẩu nguyên liệu”, ông Hiếu nói thêm.
Giavang.net