Vàng đã có một năm 2019 tăng giá ấn tượng, nhờ trợ lực từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, chính sách nới lỏng tiền tệ tại các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Đáng chú ý, nhiều khả năng 2019 chỉ là bước đệm mở ra thập kỷ mới cho giá vàng.
Tăng trưởng ngọt ngào
Vàng đang chuẩn bị kết thúc đón nhận “danh hiệu” năm tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2010, với màn biểu diễn vượt trội so với Chỉ số Bloomberg Commodity Spot (đo lường sức mạnh của các loại hàng hóa).
Nguyên nhân chính đến từ việc nhà đầu tư lo ngại trước các rủi ro xuất phát từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, bộ 3 ngân hàng trung ương hàng đầu cùng tiến hành hạ lãi suất, khiến vàng trở thành bến đỗ an toàn.
Giá vàng giao ngay hiện giao dịch ở mức 1.467 USD/ounce, tăng 14% so với đầu năm, đánh dấu năm tăng trưởng thứ 3 trong 4 năm qua, bất chấp việc giảm giá 1,6% năm 2018.
Trong tháng 9/2019, giá kim loại quý này có thời điểm chạm mức 1.557,11 USD/ounce, cao nhất kể từ năm 2013. Mặc dù quy mô nắm giữ của các quỹ đầu tư vào vàng giảm nhẹ trong thời gian qua, nhưng số lượng đang duy trì ở gần mức kỷ lục.
“Tăng trưởng kinh tế toàn cầu và lạm phát duy trì ở mức thấp, các ngân hàng trung ương tiếp tục thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ. Trong môi trường như vậy, bất kỳ cú sốc nào đối với thị trường chứng khoán, xuất phát từ lo lắng về tăng trưởng kinh tế hoặc các yếu tố địa chính trị, đều sẽ tạo động lực cho đà tăng của giá vàng”, Russ Koesterich, nhà quản lý danh mục đầu tư tại BlackRock Global Allocation Fund, hiện quản lý khối tài sản trị giá 24 tỷ USD cho biết.
Vàng hay chứng khoán?
Rủi ro địa chính trị và tăng trưởng kinh tế tiếp tục được nhận định là “ông kẹ” trên thị trường năm 2020, tương tự năm nay.
Theo đó, thỏa thuận thương mại giai đoạn đầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ở mức “sắp chạm tới”, nhưng không có gì là chắc chắn khi Mỹ vẫn khẳng định việc sẽ áp thêm thuế đối với nhiều hàng hóa nhập khẩu hơn nữa từ Trung Quốc, nếu hai bên không đi đến thỏa thuận vào ngày 15/12/2019.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ mới sẽ được tiến hành vào tháng 11/2020, nhưng trước đó có thể là phiên luận tội đối với Donald Trump – vị tổng thống hiện tại.
Ông Trump đã có rất nhiều phát biểu về nhiều vấn đề khác nhau liên quan tới chiến tranh thương mại, với các ý kiến thay đổi nhanh chóng gần như qua mỗi tuần, mới đây nhất là ý tưởng nên lùi thời hạn ký thỏa thuận thương mại với Trung Quốc tới thời điểm sau cuộc bầu cử.
“Chẳng ai biết ông Trump sẽ làm gì tiếp theo, vị tổng thống này không ngừng khiến chúng ta bất ngờ trong thời gian qua. Đằng nào thì cuộc bầu cử tổng thống cũng sẽ diễn ra, bởi vậy các thành viên thị trường nên chuẩn bị cho nhiều bất ngờ hơn nữa trên thị trường”, Giovanni Staunovo, chiến lược gia thị trường hàng hóa tại UBS Wealth Management nói.
Cùng quan điểm, Chris Mancini, chiến lược gia tại Gabelli Gold Fund cho rằng, nhiều khả năng nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại năm 2020, chứng khoán đi xuống và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục hạ lãi suất.
Theo đó, những diễn biến này cổ vũ nhà đầu tư tìm tới vàng.
Thực tế, Fed đã đưa ra tín hiệu tạm ngừng hạ lãi suất trong thời gian tới, tuy nhiên, không ít tổ chức có cách nhìn ngược lại.
Ngân hàng đầu tư BNP Paribas SA dự báo, Fed sẽ có thêm 2 lần hạ lãi suất trong nửa đầu năm 2020. Môi trường lãi suất thấp, cùng với việc USD yếu đi, sẽ tiếp tục hỗ trợ đà tăng của giá vàng.
Bên cạnh đó, hoạt động mua vàng của chính phủ các quốc gia có xu hướng gia tăng, nhất là từ Trung Quốc.
Hiện tại, theo số liệu của Goldman Sachs, ngân hàng trung ương các quốc gia là nhóm khách hàng lớn thứ 5 trên thị trường và đang có dấu hiệu chuyển hướng từ tăng dự trữ USD sang vàng.
“Vàng không thể hoàn toàn thay thế trái phiếu chính phủ trong danh mục của các nhà đầu tư, nhưng tâm lý điều chỉnh tỷ trọng nắm giữ nghiêng về vàng đang mạnh hơn. Chúng tôi tiếp tục dự báo xu hướng tăng giá của kim loại quý này, khi các mối lo ngại gia tăng và môi trường chính trị nhiều bất ổn, hỗ trợ nhu cầu đầu tư vàng”, các chiến lược gia tại Goldman Sachs nhận định.
Với việc năm 2020 đang đến gần, BlackRock Inc, nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới, duy trì cái nhìn tích cực với việc đầu tư vào vàng như một công cụ tự bảo hiểm, trong khi Goldman Sachs Group Inc và UBS Group AG nhận định, giá vàng có thể leo lên mức 1.600 USD/ounce, con số mà kim loại quý này chưa thể chạm tới kể từ năm 2013.
Từ một góc nhìn khác, Kristina Hooper, chiến lược gia trưởng thị trường toàn cầu tại Invesco Ltd, quỹ đầu tư đang quản lý 1.200 tỷ USD cho rằng, mặc dù vàng có thể tận hưởng trợ lực từ xung đột thương mại chưa chấm dứt, nhưng các loại tài sản rủi ro hơn như chứng khoán Mỹ cũng nhận được một số lực đỡ từ kỳ vọng thị trường sẽ tạo đỉnh mới.
Điều này đặt ra câu hỏi rằng, vàng hay chứng khoán – loại tài sản nào sẽ tiếp tục leo dốc, loại tài sản nào chấp nhận lùi bước?
“Vàng sẽ có một năm 2020 tăng trưởng tích cực, khi giới đầu tư cần các tài sản bớt rủi ro. Dù vậy, khi đánh giá về triển vọng đầu tư năm 2020, chúng tôi cho rằng, đây không phải một trong những loại tài sản có màn biểu diễn ấn tượng nhất.
Chứng khoán sẽ tăng trưởng tốt hơn, bất động sản, kim loại phục vụ công nghiệp cũng sẽ leo dốc mạnh hơn so với vàng. Theo đó, giá vàng có thể tăng 5 – 8% trong năm 2020, nhưng cổ phiếu sẽ “lấp lánh” hơn”, Kristina Hooper nhận định.
Theo Tin nhanh chứng khoán