Thứ Ba (31/3), giá vàng đã rút lui một lần nữa dưới áp lực từ tái định vị thời điểm cuối quý, nhưng cũng từ nhận thức rằng các ngân hàng trung ương mới nổi, đã rất quan tâm đến việc mua vàng trong những năm gần đây, giờ phải đẩy mạnh ra thị trường để bảo vệ tiền tệ của họ.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng vàng giao tháng 6 rớt 46,60 USD (tương đương 2,8%) xuống $1596,60/oz – mức đóng cửa thấp nhất trong hơn 1 tuần. Dẫu vậy, vàng đã tăng 1,9% trong tháng 3 và vọt 4,8% trong quý 1/2020, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Theo CNBC, cũng trong ngày thứ Ba, hợp đồng vàng giao ngay mất 2% còn $1588,64/oz.
Tuy rằng giảm khá mạnh trong phiên cuối tháng cũng là cuối quý, vàng vẫn là lựa chọn khôn ngoan của nhà đầu tư khi các tài sản đầu tư khác như cổ phiếu và dầu lao dốc không phanh. Cụ thể, Dow Jones và S&P 500 đều ghi nhận quý đầu năm có thành quả tồi tệ nhất từ trước đến nay, lần lượt lao dốc 23,2% và 20%. Trong khi đó, hợp đồng dầu WTI tháng 5 lao dốc 66,5%; hợp đồng dầu Brent giao tháng 5 sụt 65,6% – cả hai loại dầu đều ghi nhận quý giảm mạnh kỷ lục kể từ khi bắt đầu ghi nhận dữ liệu tháng 6/1988.
Sự tăng vọt của số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu khiến cho chứng khoán, dầu thô giảm thê thảm, đồng thời hỗ trợ vai trò trú ẩn an toàn. Đồng thời, việc các ngân hàng trung ương toàn cầu, các chính phủ liên tục bơm tiền ra nền kinh tế với tốc độ khủng nhất từ trước tới nay đã khiến vàng là lựa chọn đầu tư hàng đầu.
Vàng gặp khó khăn trong ngày cuối cùng của quý khi các nhà đầu tư tái định vị vị thế giao dịch. Thêm vào đó, các ngân hàng trung ương buộc phải dừng mua vàng và thực hiện các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế.
Vào cuối tuần qua, Ngân hàng Trung ương Ecuador cho biết họ đã huy động được 300 triệu USD thông qua trao đổi vàng trong một tháng điều này dẫn đến việc thế chấp 240 nghìn ounce vàng dự trữ của nước này.
Thứ Hai (30/3), Ngân hàng trung ương Nga đã xác nhận những kì vọng trên diện rộng khi cho biết họ sẽ ngừng mua vàng từ các nhà sản xuất trong nước vào ngày 1/4, một động thái nhằm duy trì dự trữ của nước này để ngăn chặn đồng ruble mất giá quá nhanh so với USD và euro.
Hôm qua, vàng cũng chịu sức ép từ sức mạnh của đồng USD. Chỉ số đồng USD (ICE U.S. Dollar Index) – thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – gần như không thay đổi a khi các hợp đồng vàng chốt phiên. Tuy nhiên, chỉ số này đã tiến 1% trong tháng 3 và tăng 2,8% trong quý 1/2020. Đồng USD mạnh hơn có thể khiến các hàng hóa được neo giá theo đồng bạc xanh trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua sử dụng những đồng tiền khác.
Đà tăng của lợi suất trái phiếu cũng thu hút một số nhu cầu rút khỏi vàng, vốn không đem lại lợi suất. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm dao động ở mức 0.663% vào ngày thứ Ba và cũng tăng trong tháng 3.
Giavang.net tổng hợp