(GVNET) – Tóm tắt
- Tỷ giá trung tâm tăng 4 đồng.
- USD trong ngân hàng giảm 60-118 đồng; yen Nhật có giá trên 178 đồng.
- Thị trường tự do giảm giá mua, tăng giá bán.
Nội dung
Hôm nay (26/8), Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm cặp đồng tiền VND/USD được áp dụng trong ngày ở mức 24.254 VND/USD, tăng 4 đồng so với niêm yết trước. Với biên độ +/-5% theo quy định, tỷ giá sàn là 23.041 VND/USD, tỷ giá trần là 25.467 VND/USD.
Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại cập nhật lúc 12h:
Vietcombank, niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 24.700 – 25.070 VND/USD, giảm 80 đồng giá mua và bán so với cuối tuần trước.
BIDV, niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 24.730 – 25.070 VND/USD, giảm 113 đồng cả hai chiều mua – bán so với chốt phiên cuối tuần.
Techcombank, niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 24.686 – 25.077 VND/USD, giảm 62 đồng chiều mua, 77 đồng chiều bán so với giá chốt phiên trước.
Vietinbank, niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 24.708 – 25.048 VND/USD, mua vào tăng 28 đồng, bán ra giảm 82 đồng so với giá chốt cuối tuần qua.
Eximbank, niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 24.690 – 25.120 VND/USD, giá mua và bán cùng giảm 100 đồng so với chốt phiên liền trước.
Ngân hàng Maritimebank, niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 24.659 – 25.045 VND/USD, mua vào – bán ra giảm lần lượt 95 đồng và 118 đồng so với phiên cuối tuần.
Tỷ giá USD trên thị trường tự do giảm 10 đồng chiều mua, tăng 10 đồng chiều bán so với niêm yết trước, giao dịch mua – bán hiện đứng tại 25.200 – 25.300 VND/USD.
Chỉ số USD Index (DXY), thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác hiện ở mức 100,73 điểm
Đồng USD đã giảm giá sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đưa ra tín hiệu rõ ràng rằng đợt cắt giảm lãi suất được mong đợi từ lâu của Mỹ sẽ diễn ra vào tháng tới.
Các nhà giao dịch vào cuối tuần qua đã tiếp tục đặt cược vào việc cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp của Fed ngày 17-18/9, đưa tỷ lệ cược lên 65% sau phát biểu của ông Powell. Nhưng thị trường định giá khoảng 1/3 khả năng cắt giảm 50 điểm cơ bản, tăng so với xác suất hơn 1/4 trước đó.
Chỉ số DXY đã giảm 0,81% từ cuối thứ năm xuống còn tiệm cận ngưỡng 100 sau phát biểu của Chủ tịch Fed.
Ông Steve Englander, Giám đốc nghiên cứu ngoại hối tại ngân hàng Standard Chartered cho rằng bình luận của ông Powell cho thấy ngầm hiểu là Fed đang mở ra cánh cửa đến mức 50 điểm cơ bản tại một thời điểm nào đó mà không đưa ra mốc thời gian cụ thể nhưng đấy sẽ là động thái đầu tiên có thể diễn ra nhanh chóng nếu thị trường lao động tiếp tục suy yếu.
Một động thái vào tháng 9 sẽ giúp Fed thoát khỏi chính sách thắt chặt đã áp dụng kể từ khi bắt đầu tăng lãi suất để chống lạm phát từ tháng 3/2022, nâng phạm vi lãi suất quỹ liên bang từ khoảng 0 lên 5,25%-5,5%, mức đã duy trì kể từ tháng 7/2023.
Tỷ giá yen Nhật (JPY) tại một số đơn vị thời điểm 12h30:
Vietcombank, niêm yết giao dịch mua – bán ở mức 168,15 – 177,97 VND/JPY, tăng 1,5 đồng chiều mua và 1,59 đồng chiều bán so với giá chốt phiên trước.
BIDV, niêm yết giao dịch mua – bán ở mức 169,61 – 177,96 VND/JPY, giá mua tăng 1,87 đồng, giá bán tăng 1,92 đồng so với phiên cuối tuần.
Techcombank, niêm yết giao dịch mua – bán ở mức 165,92 – 178,44 VND/JPY, giảm 0,03 đồng mua vào và 0,18 đồng bán ra so với cuối tuần qua.
Vietinbank, niêm yết giao dịch mua – bán ở mức 168,98 – 176,73 VND/JPY, mua vào tăng 0,31 đồng, bán ra giảm 1,64 đồng so với chốt phiên trước đó.
Eximbank, niêm yết giao dịch mua – bán ở mức 170,13 – 176,52 VND/JPY, tăng 1,6 đồng chiều mua và 1,67 đồng chiều bán so với giá chốt phiên cuối tuần.
Đồng yen vẫn là tài sản an toàn
Nội tệ Nhật Bản năm nay trải qua nhiều đợt biến động mạnh, thậm chí suy yếu, song giới phân tích cho rằng yen vẫn là tài sản an toàn.
Ngày 29/4, yen Nhật có thời điểm xuống thấp nhất 34 năm so với USD, với 160 JPY một USD, nhưng sau đó hồi phục nhờ giới chức can thiệp.
Đầu tháng 7, đồng tiền này tiếp tục chạm đáy 38 năm so với USD, tại 161,9 JPY một USD. Việc này khiến giới chức phải chi hàng chục tỷ USD để can thiệp lần thứ 2 trong năm nay.
Sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) quyết định nâng lãi suất vào cuối tháng trước, thị trường chứng khoán và nội tệ Nhật Bản tiếp tục ghi nhận biến động lớn. Chỉ số Nikkei 225 trong phiên 2/8 giảm mạnh nhất kể từ năm 1987, trong khi yen Nhật quay đầu tăng mạnh, lên 142 JPY một USD.
Đồng yen nổi tiếng giúp bảo vệ nhà đầu tư trong thời kỳ biến động kinh tế – chính trị. Vì thế, việc đồng tiền này nhiều lần biến động mạnh năm nay làm dấy lên câu hỏi liệu đây có còn là tài sản an toàn hay không.
Giới phân tích cho rằng vị thế của yen vẫn không thay đổi, chủ yếu vì các biến động này “có thể dự báo”. “Chúng tôi tin rằng vẫn có thể gọi yen là tài sản an toàn, vì Nhật Bản hiện là chủ nợ nước ngoài lớn nhất thế giới. Họ cũng duy trì được thặng dư tài khoản vãng lai và có lạm phát ổn định”, Ryota Abe, chuyên gia kinh tế tại Sumitomo Mitsui Banking Corporation cho biết. Thâm hụt vãng lai thường làm suy yếu tiền tệ, trong khi thặng dư làm tăng giá trị của chúng.
Giavang.net