(GVNET) – Tóm tắt
- Tuần này, vàng miếng SJC không ghi nhận một sự di chuyển nào ở cả chiều mua và bán.
- Vàng thế giới tăng hơn 3%, giá sau quy đổi tăng hơn 2 triệu đồng mỗi lượng lên gần mốc 79 triệu đồng.
- Vàng nhẫn tăng dưới 1 triệu đồng và đang đứng hiên ngang trên đỉnh cao nhất mọi thời đại.
- Chênh lệch nội – ngoại sụt giảm mạnh.
Nội dung
Thị trường vàng miếng bình yên trước “sóng” tăng dữ dội của thế giới
Vàng miếng SJC kết thúc tuần giao dịch thứ 2 của tháng 9 với diễn biến đi ngang. Cả tuần, giá mua giữ cố định tại 78,5 triệu đồng/lượng, giá bán cũng không thay đổi và giữ nguyên mức 80,5 triệu đồng, chênh lệch mua – bán theo đó cũng để nguyên khoảng cách 2 triệu đồng.
Trong nửa cuối của tuần, dù giá vàng thế giới tăng mạnh và liên tục thiết lập các kỷ lục mới, vàng miếng tại SJC và Big4 ngân hàng vẫn không có động thái tăng theo, do Ngân hàng Nhà nước không có thông báo mới về việc điều chỉnh giá bán trực tiếp. Theo đó, giá vàng miếng tại các doanh nghiệp khác trên thị trường cũng giữ ổn định theo các “anh lớn”.
Với diễn khác biệt của 2 thị trường, chênh lệch giá vàng có sự thay đổi đáng kể. Cụ thể, mức giá 80,5 triệu đồng hiện tại của SJC đang cao hơn giá vàng thế giới sau quy đổi 1,8 triệu đồng, giảm mạnh 2,1 triệu đồng so với cuối tuần trước.
Trong tuần này, thông tin xoay quanh thị trường vàng miếng không có nhiều nổi bật ngoài việc ngân hàng Vietinbank thông báo triển khai giải pháp tài chính số digiGOLD. Theo đó, từ ngày 10/9/2024, khách hàng có thể đăng ký mua vàng miếng SJC trên ứng dụng ngân hàng số VietinBank iPay Mobile.
Trước đó vào ngày 27/8, Vietcombank đã triển khai bán vàng qua ứng dụng ngân hàng. Khách hàng của Vietcombank có thể mua vàng qua ứng dụng ngân hàng số – app Vietcombank.
Tính đến hôm nay, thị trường vàng miếng đã trải qua gần 3,5 tháng bán vàng theo hình thức bình ổn giá. Kể từ khi Ngân hàng Nhà nước triển khai bán vàng miếng trực tiếp cho người dân thông qua Công ty SJC và 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, chênh lệch giữa giá vàng miếng và vàng thế giới liên tục biến động nhưng nhìn chung luôn giữ trong ngưỡng dưới 5 triệu đồng. Điều này cho thấy những nỗ lực và quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước trong việc quản lý và bình ổn thị trường vàng.
Vàng nhẫn “nhảy múa” theo trạng thái “hưng phấn” của giá vàng thế giới
Luôn là mặt hàng được thấy là có những biến động bám sát diễn biến của giá vàng thế giới, vàng nhẫn đến nay tiếp tục phát huy ưu điểm của mình khi liên tục thay đổi kỷ lục khi vàng thế giới không ngừng khám phá các đỉnh cao mới.
Cụ thể, trong phiên 13/9, sau khi vàng thế giới có kỷ lục trên mốc 2560 USD, thị trường vàng nhẫn đã tăng tốc và thiết lập kỷ lục mới với giá mua đạt 77,95 triệu đồng/lượng và giá bán đạt 79,1 triệu đồng/lượng.
Đến phiên hôm nay 14/9, sau khi vàng thế giới tiến tới vùng 2580 USD, thị trường vàng nhẫn trong nước tiếp tục ghi nhận kỷ lục mới với giá mua đạt 78 triệu đồng và giá bán nhích lên 79,2 triệu đồng/lượng.
Tính chung trong cả tuần, thị trường vàng nhẫn tăng khoảng 400-700.000 đồng mỗi lượng. Nhìn chung giá mua tại các đơn vị hiện neo ở ngưỡng 77,3-78 triệu đồng/lượng, giá bán khoảng 78,9-79,2 triệu đồng. Chênh lệch mua – bán đang có khoảng cách từ 1,15-1,6 triệu đồng, có xu hướng tăng so với mức 1,15-1,4 triệu đồng cuối tuần trước.
So với đà tăng 2,1 triệu đồng của vàng thế giới, vàng nhẫn có biên độ tăng ít hơn nên chênh lệch giữa hai thị trường giảm đáng kể. Từ 2 triệu đồng cuối tuần trước, mức chênh hiện đã giảm 1,5 triệu đồng về ngưỡng 500.000 đồng.
Tại SJC, khoảng cách giữ giá vàng nhẫn và vàng miếng đang được công ty neo ở mức 1,4 triệu đồng, giảm 500.000 đồng so với cuối tuần trước.
Vàng thế giới “bùng nổ”
Chốt tuần ở ngưỡng 2579 USD/ounce, giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá trên thị trường tự do (25.030 VND/USD) đạt 78,69 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí), tăng 2,1 triệu đồng so với cuối tuần trước.
Sau một thời gian giằng co quanh ngưỡng 2.500 USD, giá vàng đã bứt phá mạnh lên kỷ lục mới trong hai phiên ngày thứ Năm và thứ Sáu và ghi nhận đà tăng hơn 3% trong cả tuần, nhờ lạc quan về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến tới xoay trục chính sách tiền tệ trong cuộc họp vào tuần tới. Triển vọng lãi suất giảm cũng gây áp lực mất giá lên đồng USD, tạo thêm động lực tăng giá cho vàng.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 100% Fed giảm lãi suất trong cuộc họp diễn ra vào ngày thứ Ba và thứ Tư tuần tới. Khả năng Fed chọn mức giảm 0,25 điểm phần trăm đã giảm xuống còn 55% từ mức hơn 70% vào đầu tuần này. Trái lại, khả năng Fed chọn mức giảm 0,5 điểm phần trăm tăng lên mức 45%, từ mức dưới 30% vào đầu tuần.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt chốt ở mức 101,11 điểm, giảm 0,06% trong tuần này và giảm 1,32% trong vòng 1 tháng trở lại đây.
So với đồng yên Nhật Bản, tỷ giá USD giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm tới nay.
Theo một số nhà phân tích, mốc 3.000 USD đang là mục tiêu của các nhà đầu cơ giá lên trên thị trường vàng. Các yếu tố hỗ trợ cho giá kim loại quý này trong trung hạn bao gồm chính sách tiền tệ chuyển sang nới lỏng của các ngân hàng trung ương lớn và cuộc đua vào Nhà Trắng sát nút giữa hai ứng cử viên Donald Trump của Đảng Cộng hòa và Kamala Harris của Đảng Dân chủ.
Trưởng phân tích Jim Wyckoff của trang Kitco Metals nhấn mạnh rằng giá vàng đang có một môi trường thuận lợi để tăng, bao gồm việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có đợt giảm lãi suất thứ hai trong năm nay vào hôm thứ Năm tuần này, Fed tiến tới giảm lãi suất vào tuần tới, và lạm phát ở Mỹ tiếp tục xu hướng giảm.
“Thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất tròn 1 điểm phần trăm trong thời gian còn lại của năm nay. Điều này đồng nghĩa rằng sẽ có một cuộc họp mà Fed giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm. Đó có thể là cuộc họp tháng 11 hoặc tháng 12”, một báo cáo của ngân hàng Commerzbank nhận định.
Giavang.net