(GVNET) – Thị trường vàng trong nước và thế giới vừa chứng kiến một tuần giao dịch tồi tệ nhất trong nhiều tháng qua. Nhiều người hoảng loạn khi nhìn khoản đầu tư của mình bốc hơi gần chục triệu đồng mỗi lượng chỉ sau 1 tuần.
Vàng miếng SJC có tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 6
Sau 1 tuần đầy biến động, vàng miếng mua vào giảm 5,5 triệu đồng/lượng và 3,7 triệu đồng là mức giảm tại chiều bán ra. Kết thúc phiên cuối tuần 9/11, giá mua phổ biến ở mốc 82 triệu đồng/lượng và giá bán ở ngưỡng 85,8 triệu đồng. Đây là tuần giảm mạnh nhất của mặt hàng vàng miếng kể từ tháng 6 đến nay.
Vàng miếng SJC hiện có biên độ mua – bán ở ngưỡng 3,8 triệu đồng, giảm so với đỉnh 4,5 triệu đồng trong tuần nhưng vẫn tăng mạnh so với mức 2 triệu đồng cuối tuần trước.
Với nhịp giảm gần 6 triệu đồng mỗi lượng tại chiều mua vào của doanh nghiệp, người mua vàng miếng sau 1 tuần ghi nhận mức thiệt hại lên tới 7,5 triệu đồng mỗi lượng, tương đương 8,4%.
Mức giá 85,8 triệu đồng của SJC hiện đang cao hơn giá vàng thế giới sau quy đổi 2 triệu đồng, giảm xấp xỉ 1,3 triệu đồng so với cuối tuần trước.
Diễn biến tiêu cực cũng bao trùm lên thị trường vàng nhẫn. Từ đầu năm đến nay, mặt hàng vàng nhẫn chưa chứng kiến tuần giao dịch nào tồi tệ như tuần này.
Tính trong cả tuần, vàng nhẫn mua vào giảm từ 4,5-5,4 triệu đồng mỗi lượng tùy đơn vị, giá bán giảm 3,9-4,1 triệu đồng mỗi lượng và kết thúc tuần tại ngưỡng 82-83,4 triệu đồng/lượng chiều mua, 84,8-85,2 triệu đồng/lượng chiều bán.
Hiện tại, các doanh nghiệp vàng đang neo khoảng cách mua – bán của vàng nhẫn ở ngưỡng 1,8-2,8 triệu đồng, tăng vọt so với mức 1-1,5 triệu đồng cuối tuần trước.
Với đà giảm hiện tại, người mua vàng nhẫn sau 1 tuần ghi nhận mức lỗ từ 5,7-6,9 triệu đồng mỗi lượng, tương đương 6,3-7,8%.
Giao dịch hiện không quá 85,2 triệu đồng, vàng nhẫn đang cao hơn giá vàng thế giới khoảng 1,4 triệu đồng, giảm 1,5 triệu đồng so với cuối tuần trước.
Tâm điểm đáng chú ý nhất trong tuần này chính là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024, giá vàng thế giới đã giảm mạnh khỏi mốc 2700 USD trước đó khi dự đoán kết quả chiến thắng nghiêng về phía ông Donald Trump.
Sau nhịp “sập” của vàng thế giới, thị trường vàng trong nước cũng đua nhau lao dốc. Chỉ trong một phiên giao dịch ngày thứ Năm 7/11, cả vàng nhẫn và vàng miếng đều mất khoảng 4-6 triệu đồng mỗi lượng – phiên giảm mạnh nhất của năm.
Không chỉ giảm theo giá vàng thế giới, vàng trong nước còn chịu áp lực chốt lời từ phía nhà đầu tư. Chứng kiến đà giảm điên cuồng của giá vàng, nhiều người đã mất bình tĩnh, lo sợ giá vàng sẽ tiếp tục giảm sâu nên đã nhanh chóng chốt lời để bảo toàn giá trị tài sản, cũng không ít trường hợp bán vội – cắt lỗ vì lo sợ vàng giảm thêm thì khoản đầu tư càng thêm mất mát. Đây là lý do giá vàng trong nước ghi nhận mức giảm mạnh hơn vàng thế giới.
Khi áp lực chốt lời gia tăng, các doanh nghiệp vàng thường nới rộng chênh lệch mua – bán lên vài triệu đồng mỗi lượng, nghĩa là nhà đầu tư sẽ phải mua đắt nhưng bán rẻ. Biên độ mua – bán leo thang, nhà đầu tư chịu rủi ro kép trong bối cảnh giá vàng giảm mạnh.
Đây chính là bài học không mới nhưng nhiều người đã “bị quên”. Bị ảnh hưởng mạnh bởi tâm lý đám đông, nhiều nhà đầu tư sốt ruột, chấp nhận mua đuổi khi giá tăng cao nhưng lại không thể chịu được áp lực khi giá giảm mạnh, đành bán tháo vì sợ càng để càng lỗ.
Nhà đầu tư nên tránh mua bán vàng theo cảm xúc, vàng không chỉ là khoản đầu tư mà còn là tài sản tích trữ giữ giá trị và phòng ngừa rủi ro. Vàng vật chất luôn luôn có biên độ mua – bán, cao hay thấp sẽ tùy thời điểm và tùy doanh nghiệp, việc đầu tư lướt sóng với mong muốn kiếm lời ngắn hạn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
TS Lê Xuân Nghĩa – Chuyên gia kinh tế chia sẻ: “Đầu tư vàng dài hạn là tốt. Còn ngắn hạn, đương nhiên sóng sẽ có những lúc lên lúc xuống thì phải cẩn trọng. Dài hạn thì chúng ta đều biết rằng vàng luôn luôn tăng giá trong dài hạn. Bởi vì đơn giản thôi, sản lượng khai thác vàng có hạn. Tốc độ tăng trưởng của khai thác vàng một năm chỉ 1,5%, trong khi đó tốc độ tăng của tiền tệ phải 3,5-4%. Giá vàng một phần nào đó phản ánh lạm phát của thế giới”.
Những yếu tố kinh tế vĩ mô như lạm phát và nguồn cung vàng hạn chế là những nhân tố quan trọng đẩy giá vàng tăng trong dài hạn. Tích lũy vàng trong dài hạn có thể mang lại lợi ích, nhưng cần tránh những quyết định vội vàng chỉ dựa vào diễn biến giá ngắn hạn.
“Thận trọng về vàng là chuyện đương nhiên, vì giá vàng rất bất định. Thị trường vàng là thị trường phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố tâm lý của các nhà đầu tư trên thế giới, và đây là điều không ai có thể đoán trước được. Chính vì thế giá vàng lên xuống, biến động rất mạnh. Tuy nhiên thời điểm này, vì chính sách, vì sự điều chỉnh thị trường vàng, người dân nên cẩn thận”, TS Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia kinh tế cho biết.
Giá vàng thế giới mất mốc 2700 USD
Chốt tuần tại ngưỡng 2684,5 USD/ounce, vàng thế giới giảm 1,9% trong cả tuần và ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 5 tới nay. Quy đổi theo tỷ giá trên thị trường tự do (25.620 VND/USD), giá vàng đạt 83,84 triệu đồng/lượng, giảm 2,4 triệu đồng so với cuối tuần trước.
Trong tuần này, giá vàng đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ do sức mạnh của đồng USD, với chỉ số Dollar Index, đo lường giá trị của USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, tăng 0,4% trong phiên cuối tuần, đạt 104,95 điểm. Đà tăng này kéo dài suốt tuần, khiến chỉ số tăng tổng cộng 0,64%, và đã tăng 2% trong tháng qua.
Giới chuyên gia phân tích nhận định rằng, những bất định xung quanh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã khiến các nhà đầu tư chuyển hướng đầu tư từ vàng sang các tài sản rủi ro khác, như cổ phiếu, nhờ vào những chính sách được mong đợi từ tổng thống mới đắc cử. Điều này đã gây áp lực giảm giá lên thị trường kim loại quý.
Thêm vào đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp gần nhất nhưng cũng bày tỏ sự thận trọng về khả năng cắt giảm lãi suất trong tương lai. Chủ tịch Fed, Jerome Powell, cho biết, kết quả bầu cử không ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ ngắn hạn của Fed.
Các chính sách của Tổng thống Donald Trump, như áp thuế nhập khẩu và giảm thuế, cùng với chính sách nhập cư, được dự báo sẽ khiến lạm phát tại Mỹ tăng trong 4 năm tới, làm giảm khả năng Fed có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất. Mặc dù vàng là tài sản chống lạm phát hiệu quả, nhưng môi trường lãi suất cao hơn có thể làm giảm sức hấp dẫn của vàng.
Dù vậy, triển vọng giảm lãi suất của Fed, cùng với việc cơ quan này đã giảm mạnh lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9, đã là động lực quan trọng thúc đẩy giá vàng tăng vọt trong năm nay.
Phân tích của Han Tan từ Exinity Group chỉ ra rằng, nếu thị trường tiếp tục kỳ vọng vào khả năng Fed sẽ hạ lãi suất trước Giáng sinh, giá vàng có thể sẽ phục hồi và duy trì mốc tâm lý 2.700 USD.
Thống kê từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME cho thấy, thị trường đặt cược 65% khả năng Fed sẽ giảm lãi suất trong cuộc họp ngày 18/12.
Giavang.net