30 C
Hanoi
02/07/2024
Image default
Đầu tư vàng Tin mới nhất Vàng

TT vàng tháng 6, quý II và nửa đầu năm 2024: Cùng nhìn lại diễn biến giá Vàng Miếng SJC và Nhẫn 9999

(GVNET) – Tóm Tắt

  • Tháng 6/2024: Mua vàng miếng lỗ 10 triệu đồng mỗi lượng, đầu tư vàng nhẫn cũng chưa có lãi.
  • Quý II/2024: Vàng miếng tiếp tục gây thua lỗ cho nhà đầu tư, mua nhẫn lãi vài triệu mỗi lượng.
  • Nửa đầu năm 2024: Đầu tư vàng miếng lãi trên dưới 2%, lợi nhuận khủng gần 20% khi mua nhẫn.

Nội dung chi tiết

Thị trường vàng miếng nửa đầu năm 2024

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, thị trường vàng miếng ghi nhận mức giá mua vào tại các đơn vị là khoảng 74,98-75,50 triệu đồng/lượng, giá bán ra đồng loạt neo tại 76,98 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua – bán khoảng 1,48-2 triệu đồng.

Tính trong tháng 6 này, vàng miếng mua vào giảm từ 6,5-7 triệu đồng mỗi lượng, bán ra mất khoảng 7,5-8,5 triệu đồng mỗi lượng. Nếu mua vàng, người mua sẽ lỗ khoảng 9-10 triệu đồng mỗi lượng tùy đơn vị trong tháng 6/2024.

Tính trong quý II/2024, vàng miếng giảm khoảng 3,2-3,8 triệu đồng/lượng chiều mua và 3,8-4 triệu đồng/lượng chiều bán. Với đà giảm này, đầu tư vàng trong quý II sẽ ghi nhận mức lỗ từ 5-6 triệu đồng với mỗi lượng vàng miếng.

Nếu tính trong 6 tháng đầu năm 2024, vàng miếng mua vào tăng khoảng 4-6 triệu đồng mỗi lượng, bán ra tăng khoảng 3 triệu đồng mỗi lượng. Mua vàng miếng từ đầu năm tới nay, người mua sẽ có mức lãi 980.000 đồng đến 1,6 triệu đồng mỗi lượng (tương đương 1,3-2,2%) tùy đơn vị.

Chênh lệch mua – bán của vàng miếng đầu tháng 6 có mức 2,5-3 triệu đồng, đầu quý II là khoảng 2-2,5 triệu đồng và đầu năm 2024 là khoảng 3-5 triệu đồng. Như vậy, mức chênh hiện tại 1,48-2 triệu đồng của vàng miếng dù còn khá cao nhưng đã giảm tương đối mạnh so với thời điểm đầu năm.

Diễn biến giá vàng miếng SJC từ đầu năm đến nay

Diễn biến thị trường vàng nhẫn trơn 9999

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, thị trường vàng nhẫn mua vào có mức giao dịch khoảng 73,7-74,7 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn bán ra neo trong ngưỡng 75,4-75,98 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua – bán khoảng 1,3-1,6 triệu đồng.

Thị trường vàng nhẫn trong tháng 6/2024 có diễn biến trái chiều tại các đơn vị với mức điều chỉnh tăng/giảm khoảng 200.000-500.000 đồng mỗi lượng. Với chênh lệch mua – bán không dưới 1 triệu đồng, dù tăng hay giảm, mua vàng nhẫn từ đầu tháng 6 tới nay vẫn lỗ khoảng 1-2 triệu đồng mỗi lượng tùy đơn vị.

Tính trong quý II/2024, vàng nhẫn mua vào tăng khoảng 4,5 triệu đồng/lượng, bán ra tăng 4,5-5 triệu đồng/lượng. Mức tăng này đã đem lại thành quả cho nhà đầu tư, nếu mua vàng từ đầu quý II đến nay, người mua sẽ lãi khoảng 3,3-3,4 triệu đồng tùy đơn vị.

Tính từ đầu năm đến nay, mức lợi nhuận nếu mua vàng nhẫn là không thể xem thường. Cụ thể, giá vàng nhẫn mua vào từ đầu năm đến nay tăng khoảng 12-12,95 triệu đồng/lượng, giá bán tăng khoảng 12-12,7 triệu đồng/lượng. Với đà tăng mạnh mẽ, người mua vàng nhẫn sau 6 tháng sẽ lãi đậm 11-11,8 triệu đồng mỗi lượng (tương đương 17,3-18,8%).

Vàng nhẫn từ đầu năm tới nay

Thị tường vàng thế giới kết thúc tháng 6/2024 tại ngưỡng 2327 USD/ounce, giảm 0,02% trong tháng 6; tăng 4,19% trong quý II và tăng 12,78% trong nửa đầu năm 2024. Quy đổi theo tỷ giá USD trên thị trường tự do (25.980 VND/USD), vàng thế giới giao dịch tại 73,7 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí).

Vàng thế giới 6 tháng đầu năm 2024

Mức giá 76,98 triệu đồng/lượng của vàng miếng SJC hiện cao hơn vàng thế giới sau quy đổi 3,3 triệu đồng, giảm hơn 10 triệu đồng so với cuối tháng 5/2024; giảm hơn 8 triệu đồng so với cuối quý I/2024 và cũng giảm hơn 8 triệu đồng so với cuối năm 2023.

Tại thị trường vàng nhẫn, mức giá cao nhất hiện đạt 75,98 triệu đồng/lượng, cao hơn vàng thế giới sau quy đổi 2,3 triệu đồng, giảm 1,5 triệu đồng so với cuối tháng 5; giảm 200.000 đồng so với cuối quý I, nhưng lại tăng hơn 400.000 đồng so với cuối năm 2023.

Tiêu điểm thị trường vàng trong nước nửa đầu năm 2024

Giá vàng miếng SJC từ đầu năm đã liên tục thiết lập các kỷ lục mới. Cụ thể, ngày 2/3/2024, vàng miếng SJC lần đầu tiên vượt đỉnh 80,3 triệu đồng của năm 2023 để đạt mức giá 81 triệu đồng/lượng. Đến hết tháng 3/2024, mức đỉnh của vàng miếng được ghi nhận là 82,5 triệu đồng. Hết tháng 4, mức đỉnh mới đạt được là 85,5 triệu đồng/lượng.

Xu hướng tăng kéo dài, vàng miếng bước vào tháng 5 đầy hưng phấn với các nhịp đi lên mạnh mẽ và từng bước vượt mốc 86 triệu đồng đến 87; 88; 89 triệu đồng/lượng. Đỉnh điểm tại phiên 10/5, giá vàng đã đạt 92,4 triệu đồng/lượng – mức giá cao nhất mọi thời đại của thị trường vàng miếng đến thời điểm hiện tại. Đỉnh cao nhất của thị trường vàng nhẫn tới hiện tại là 78,6 triệu đồng/lượng thiết lập hôm 10/4/2024.

Trong nửa đầu năm nay, thị trường vàng trong nước đã trải qua nhiều biến động mạnh, chênh lệch với vàng thế giới luôn ở mức cao, có thời điểm lên tới gần 20 triệu đồng. Điều này đã thu hút sự chú ý lớn từ công chúng và đặt ra thách thức không nhỏ cho các cơ quan quản lý.

Phản ứng trước tình hình phức tạp này, Chính phủ và Thủ tướng đã tổ chức các cuộc họp khẩn cấp, ban hành các nghị quyết và công điện để chỉ đạo chặt chẽ các bộ, ngành liên quan để đảm bảo sự ổn định của thị trường vàng.

Nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng miếng trong nước và giá thế giới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức đấu thầu vàng miếng sau gần 11 năm.

Tuy nhiên, sau 9 phiên đấu thầu (từ ngày 19/4 đến 23/5/2024) – cung ứng ra thị trường 48.500 lượng vàng SJC – tương đương hơn 1,8 tấn vàng, mức chênh lệch giữa vàng miếng SJC và giá vàng thế giới vẫn ở mức cao, khoảng trên 20%. Do đó, tối ngày 27/5, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo dừng việc đấu thầu và điều chỉnh phương án mới.

Sau khi dừng đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước thông báo sẽ thực hiện bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank) và Công ty SJC, để các đơn vị này bán vàng trực tiếp tới người dân. Mục tiêu là sớm thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới về mức phù hợp và bền vững.

Phương án bán vàng bình ổn bắt đầu thực hiện từ ngày 3/6/2024. Đến nay, sau 4 tuần khi triển khai, chênh lệch giữa SJC vàng vàng thế giới đã giảm mạnh, hiện về dưới 5 triệu đồng. Biện pháp bình ổn thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước đang đạt được những hiệu quả tích cực khi kéo giá vàng miếng SJC về gần với giá vàng thế giới.

Sau hơn 1 tuần bán vàng bình ổn theo hình thức trực tiếp, từ ngày 12/6 đến ngày 20/6, cả 5 đơn vị bán vàng bình ổn đều chuyển sang hình thức bán vàng trực tuyến, khi những thách thức mới đã xuất hiện, như việc lượng người mua quá đông hoặc không thể mua; thậm chí có hiện tượng thuê người xếp hàng mua gom vàng với mục tiêu đẩy giá, hưởng chênh lệch, gây bất ổn thị trường và thiệt hại cho nền kinh tế; nhiều người không mua được vàng dẫn đến tạo tâm lý khan hiếm vàng trên thị trường.

Tuy nhiên, việc đặt mua vàng online cũng gặp nhiều khó khắn khi lượng vàng bán ra bị giới hạn. Theo chuyên gia, các biện pháp chính sách mới nhất của Ngân hàng Nhà nước giúp thu hẹp mạnh mẽ chênh lệch giá vàng thế giới và giá vàng trong nước.Tuy nhiên, việc hạn chế lượng vàng bán ra khiến cho nhiều người có nhu cầu nhưng vẫn chưa mua được vàng, do đó vẫn cần thêm phương án để kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân.

Về phía các đơn vị tham gia bán vàng miếng SJC đều khẳng định sẽ tiếp tục cải tiến quy trình, công nghệ để tạo sự thuận lợi cho người dân có nhu cầu mua vàng thực, loại bỏ việc đầu cơ.

Ngân hàng Nhà nước luôn khẳng định có đủ quyết tâm, nguồn lực, công cụ để thực hiện các giải pháp phù hợp trước mắt và lâu dài để thị trường vàng phát triển ổn định theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....