Trong những giờ đầu phiên giao dịch thứ Sáu ngày 7/8 tại thị trường châu Âu, USD tăng trở lại khi nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn trước căng thẳng Mỹ – Trung Quốc. Tuy nhiên, đà hồi phục của đồng bạc xanh là khá mong manh khi Mỹ chưa thể đạt được thỏa thuận cứu trợ Covid-19 mới và báo cáo việc làm tháng 7 có thể tệ hơn dự kiến.
Đáng lưu ý, đồng Euro giảm mặc dù sản xuất công nghiệp của Đức và Pháp đều vượt kỳ vọng vào tháng 6. Xuất khẩu của Đức cũng tăng 12,7% trong tháng 6. Dữ liệu này cho thấy hoạt động kinh tế phục hồi đáng kể vào cuối quý II.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã làm gia tăng căng thẳng vốn đã ‘ở mức rất cao’ với Bắc Kinh và thúc đẩy lực cầu đối với đồng đô la, bằng cách thông báo vào cuối ngày thứ Năm rằng chính quyền của ông đang cấm các giao dịch của Hoa Kỳ với hai ứng dụng phổ biến của Trung Quốc, WeChat của Tencent và Tiktok của ByteDance.
Căng thẳng đã âm ỉ giữa hai cường quốc trong nhiều tháng, Hoa Kỳ không hài lòng với việc Trung Quốc xử lý đợt bùng phát coronavirus mới và các động thái nhằm hạn chế các quyền tự do ở Hồng Kông.
Theo đó, bước hồi phục của USD có vẻ tạm thời vì tâm lý nhìn chung là chống lại đồng bạc xanh do sự kết hợp của việc gia tăng nhiễm coronavirus ở Hoa Kỳ, sự sụt giảm liên tục trong lợi suất Kho bạc và ngay bây giờ là sự thiếu đồng thuận ở Washington về các biện pháp kích thích tài khóa bổ sung.
“Nhu cầu về USD từ cả nhà đầu tư và cộng đồng thương mại đang giảm và USD không còn là cuộc chơi duy nhất trên thị trường,” nhà phân tích Chris Turner của ING cho biết trong một nghiên cứu.
Dữ liệu số đơn xin trợ cấp thất nghiệp được công bố hôm thứ Năm vẫn cho thấy hơn 31 triệu người Mỹ yêu cầu trợ cấp và bảng lương phi nông nghiệp được công bố vào cuối ngày thứ Sáu dự kiến cho thấy việc tạo việc làm của Hoa Kỳ chậm lại trong tháng 7, với kỳ vọng tăng 1,6 triệu việc làm trong tháng, giảm từ mức kỷ lục 4,8 triệu vào tháng 6.
Hiện tại, USD tăng mạnh nhất so với đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ, với tỷ giá USD/TRY lên mức cao kỷ lục mới là 7,3036. Đồng lira giảm gần 20% so với đồng đô la kể từ đầu năm 2020, bất chấp những vấn đề riêng của đồng bạc xanh.
Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm lãi suất 1.575 điểm cơ bản trong 9 lần liên tiếp kể từ tháng 7/2019, nhằm cố gắng thúc đẩy tăng trưởng trong khi điều chỉnh chi phí đi vay để lạm phát xuống dưới 0. Với việc tiền tệ bị ảnh hưởng nặng nề, Goldman Sachs hiện dự kiến nước này tăng lãi suất 175 điểm vào cuối năm, ước tính rằng ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã chi 65 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm để quản lý tiền tệ của mình.
Chỉ số USD và diễn biến các cặp tỷ giá chính
Cập nhật lúc 15h54 giờ Việt Nam, tức 8h54 giờ GMT, chỉ số đô la Mỹ, đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với giỏ các đồng tiền chính, cộng 0,38% lên 93,085 – sau khi từng rớt về đáy hơn 2 năm 92,483 ghi nhận hôm thứ Năm.
Đồng bảng tăng rời đỉnh 5 tháng, tỷ giá GBP/USD lùi 0,29% về 1,3109.
Chung kịch bản đi xuống, EUR sụt 0,38% so với tiền tệ Mỹ, cặp EUR/USD ở mức 1,1830.
Yên Nhật giảm khiêm tốn, USD/JPY cộng 0,05% chạm ngưỡng 105,60.
Franc Thụy Sỹ sụt sâu sau đà tăng tốt từ đầu tuần, cặp USD/CHF ở ngưỡng 0,9133 (+0,40%).
Nhân dân tệ Trung Quốc trong giao dịch nội địa nối dài đà giảm phiên thứ Năm, cặp USD/CNY ở mức 6,9857 (+0,1%).
USD lấy lại vị thế tăng so với tiền tệ hàng hóa. Cụ thể, USD/AUD cộng 0,29% lên giao dịch ở 1,3855. Tỷ giá USD/NZD vọt 0,50% lên 1,5023.
Đồng đô la Canada bị bán mạnh, cặp USD/CAD ở ngưỡng 1,3349 (+0,34%).
Giavang.net