Trong những giờ đầu phiên giao dịch thứ Sáu 20/3 tại châu Âu, đô la Mỹ bị bán ra ồ ạt khi Ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu bơm thanh khoản USD ra nền kinh tế. Việc mở rộng hạn mức tín dụng chéo giữa Fed và các đối tác của họ ở các quốc gia khác có nghĩa là nhu cầu về nơi trú ẩn an toàn quan trọng đã được giảm bớt.
Cuối ngày thứ Năm, Cục Dự trữ Liên bang cho biết sẽ mở rộng hạn mức tín dụng chéo tới 9 quốc gia khác, bao gồm các ngân hàng trung ương ở Singapore, Hàn Quốc, Brazil, Thụy Điển, Úc, New Zealand, Mexico, Na Uy và Đan Mạch.
Điều này được đưa ra trong bối cảnh gói hỗ trợ tài chính ‘giai đoạn 3’ đang được chuẩn bị tại Hoa Kỳ bởi các nghị sĩ Cộng hòa Thượng viện trị giá khoảng 1,2 nghìn tỷ đô la.
Một trong những đồng tiền tăng mạnh nhất so với đồng đô la ngay cuối tuần là bảng Anh và đô la Úc. Ngân hàng Anh hôm thứ Năm đã cắt giảm lãi suất và mở rộng chương trình mua trái phiếu, cho biết họ sẽ tăng mua trái phiếu doanh nghiệp thêm 200 tỷ bảng Anh (230 tỷ USD) lên 645 tỷ bảng.
Trước đó, vào thứ Năm đồng Bảng rớt xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985, vì thị trường thấy phản ứng của chính quyền Anh đối với sự bùng phát của coronavirus là quá muộn và không đủ. Tuy nhiên, động thái của ngân hàng trung ương có khả năng cung cấp tiền để công bố các biện pháp tiếp theo nhằm hạn chế thiệt hại của Covid-19.
Cuộc họp ấn định lãi suất của ngân hàng trung ương Nga cuối ngày hôm nay cũng sẽ được quan tâm.
Đồng rúp đã bị ảnh hưởng nặng nề trong tháng này, bởi giá dầu yếu và sự vội vã tìm đến đô la như một nơi trú ẩn an toàn khi coronavirus tấn công nền kinh tế toàn cầu. Với suy nghĩ này, một số người tham gia thị trường đang mong đợi một sự ‘tác động mạnh’ tới lãi suất hiện tại là 6,0% để hỗ trợ tiền tệ. Tuy nhiên, ING cho rằng việc giữ lãi suất ổn định, thay vì nâng 25 điểm cơ bản, sẽ là cần thiết.
Chỉ số USD và diễn biến các cặp tỷ giá chính
Cập nhật lúc 15h25 giờ Việt Nam, tức 8h25 giờ GMT, chỉ số đô la Mỹ, đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với giỏ các đồng tiền chính, mất 1,48% còn 102,075.
Đồng bảng tăng thần tốc sau đợt lao dốc, tỷ giá GBP/USD cộng 3,33% chạm 1,1867.
Đồng tiền chung cũng giao dịch trong sắc xanh, cặp EUR/USD lên mức 1,0783 (+0,87%).
Đồng Yên Nhật thu hẹp bước giảm sâu so với đồng bạc xanh, USD/JPY giao dịch tại 109,79 (-0,82%).
France Thụy Sỹ chung kịch bản với yên Nhật, cặp USD/CHF ở ngưỡng 0,9773 (-0,86%).
Nhân dân tệ Trung Quốc trong giao dịch nội địa tăng trở lại so với tiền tệ Mỹ, USD/CNY mất tới 0,59% đạt mức 7,0640.
Các đồng tiền hàng hóa, gồm đồng tiền Úc và tiền tệ New Zealand ‘lật ngược thế cờ’ so với đồng bạc xanh sau giai đoạn khủng hoảng. Cụ thể, AUD/USD leo dốc 3,26% lên giao dịch ở 0,5928. Tỷ giá NZD/USD vọt 2,63% chạm ngưỡng 0,5820.
Đô la Canada cũng không hề thua kém các đồng tiền chính khác, tăng mạnh so với đồng bạc xanh, cặp USD/CAD giao dịch ở 1,4224 (-1,97%).
Giavang.net