Trong những giờ đầu phiên giao dịch thứ Ba ngày 18/8 tại thị trường châu Âu, USD tiếp tục suy yếu khi nền kinh tế Mỹ đón nhận tín hiệu xấu và tình hình dịch bệnh thì quá nhiều khó khăn.
Dữ liệu kinh tế của Mỹ hôm thứ Hai khiến thị trường thất vọng, với chỉ số Empire State Manufacturing giảm xuống 3,7 trong tháng 8, thấp hơn nhiều so với mức 15 dự kiến cũng như mức 17,20 của tháng 7. Bản báo cáo này công bố trước Chỉ số nhà quản lý mua hàng hôm thứ Sáu, được coi là các chỉ số mang tính tương lai hơn và cho thấy sự phục hồi kinh tế của Mỹ có thể đang bị đình trệ. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm tới 5% vào thứ Hai, làm giảm sức hút của tài sản bằng USD.
Trong khi đó, các nhà đầu tư vẫn chờ đợi hai chính đảng đồng ý về một gói hỗ trợ tài chính rất cần thiết. Với việc các nhà lập pháp hiện tạm nghỉ và các đại hội của cả hai bên sẽ diễn ra trong 2 tuần tới, khả năng mọi thứ được ký kết sớm là hầu như không có.
Ngay cả vai trò truyền thống của đồng USD như một kênh trú ẩn an toàn dường như đang thu hút rất ít nhu cầu.
Thị trường hiện đang ngóng biên bản của Cục Dự trữ Liên bang công bố vào thứ Tư 19/8 và các nhà đầu tư sẽ nghiên cứu kỹ ngôn từ của biên bản để xem liệu có bất kỳ cuộc thảo luận nào về việc ngân hàng trung ương áp dụng mục tiêu lạm phát trung bình hay không. Lạm phát đã ở dưới mức mục tiêu trong một thời gian dài, sẽ ngụ ý rằng một chính sách tiền tệ nới lỏng được duy trì trong thời gian dài hơn dự kiến thông thường.
Dữ liệu CFTC, cho tuần kết thúc vào ngày 11/8, đã thêm vào các dấu hiệu cho thấy tâm lý giảm giá đối với đồng đô la Mỹ tiếp tục tăng lên, theo các nhà phân tích tại ING trong một lưu ý.
Chỉ số USD và diễn biến các cặp tỷ giá chính
Cập nhật lúc 17h49 giờ Việt Nam, tức 10h49 giờ GMT, chỉ số đô la Mỹ, đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với giỏ các đồng tiền chính, sụt 0,34% về 92,532.
Đồng bảng nối dài đà tăng phiên đầu tuần, tỷ giá GBP/USD cộng 0,55% chạm 1,3174.
Chung kịch bản lạc quan, EUR tiến thêm 0,27% so với tiền tệ Mỹ, cặp EUR/USD ở mức 1,1901.
Yên Nhật chính là điểm đến của giới đầu tư dù kinh tế nước này suy thoái sâu trong quý II, USD/JPY sụt 0,42% về ngưỡng 105,55.
Giới thương nhân cũng lựa chọn trú ẩn bằng Franc Thụy Sỹ, cặp USD/CHF ở ngưỡng 0,9055 (-0,10%).
Nhân dân tệ Trung Quốc trong giao dịch nội địa mở rộng bước tăng tốt phiên thứ Hai, cặp USD/CNY ở mức 6,9226 (-0,13%).
Tiền tệ hàng hóa giao dịch trong sắc xanh so với USD. Cụ thể, USD/AUD lùi 0,27% về giao dịch ở 1,3820. Tỷ giá USD/NZD trượt nhẹ 0,02% còn 1,5241.
Đồng đô la Canada tăng điểm, cặp USD/CAD ở ngưỡng 1,3162 (-0,40%).
Giavang.net