Trong những giờ đầu phiên giao dịch thứ Năm 13/8 tại thị trường châu Âu, USD gặp nhiều khó khăn khi hi vọng về gói kích thích mới khó được thông qua trong khi số liệu lạm phát bất ngờ tăng.
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ vẫn chưa thể đi đến bất kỳ sự đồng thuận nào liên quan đến gói kích thích Covid-19 mới nhất của nước này, một thỏa thuận mà nhiều người cho rằng cần thiết để duy trì đà phục hồi kinh tế. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Tư cáo buộc các đảng viên Dân chủ không muốn đàm phán về gói cứu trợ, trong đó các nhà đàm phán của đảng Cộng hòa và Dân chủ đổ lỗi cho nhau khi các cuộc đàm phán kết thúc mà không có kết quả trong ngày thứ năm.
Hôm thứ Ba, Chủ tịch Fed Richmond Thomas Barkin tuyên bố rằng nền kinh tế có thể đối diện với đợt suy thoái khác nếu các nhà hoạch định chính sách của Mỹ không cung cấp thêm viện trợ tài chính.
Hôm thứ Tư, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Boston, Eric Rosengren, cho biết ông ‘mạnh mẽ’ ủng hộ việc thực hiện các hành động tài chính bổ sung để giúp các doanh nghiệp và hộ gia đình sống sót qua cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, chi tiêu nhiều hơn nên được kết hợp với những nỗ lực mạnh mẽ hơn trong ngăn chặn virus.
Thêm vào những vấn đề mà đồng USD phải đối mặt là số liệu lạm phát mới nhất, với những con số mạnh mẽ từ cả phía người tiêu dùng và nhà sản xuất. Jefferies cho biết trong một ghi chú:
Mức tăng 0,6% so với tháng trước của CPI lõi tháng 7 là quá đáng nể. Đây là bước tăng lớn nhất kể từ tháng 1/1991. Mặc dù động lực định giá này khó có thể được duy trì, nhưng sức mạnh đó đã có trên diện rộng và không thể bỏ qua.
Với việc Cục Dự trữ Liên bang đã cam kết giữ lãi suất chuẩn của mình ở mức rất thấp trong một thời gian, áp lực đang gia tăng đối với lợi suất thực của Hoa Kỳ. Chris Turner tại ING trong một nghiên cứu gửi khách hàng:
Nhiều cuộc thảo luận trên các thị trường tài chính trong mùa hè này là lợi suất thực tế của Mỹ giảm do Fed giữ lãi suất thấp, trong khi kỳ vọng lạm phát của Mỹ đang tăng lên.
Kỳ vọng chủ đề chính sách vĩ mô này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc định giá thị trường ngoại hối trước khả năng Fed thông qua mục tiêu lạm phát trung bình vào tháng 9. Chủ đề chung là USD suy yếu.
Chỉ số USD và diễn biến các cặp tỷ giá chính
Cập nhật lúc 15h35 giờ Việt Nam, tức 8h35 giờ GMT, chỉ số đô la Mỹ, đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với giỏ các đồng tiền chính, sụt 0,28% về 93,142.
Đồng bảng khẳng định sự kiên cường so với USD, tỷ giá GBP/USD cộng 0,39% chạm 1,3083.
Đồng tiền chung mạnh lên 0,40% so với tiền tệ Mỹ, cặp EUR/USD ở mức 1,1830.
Yên Nhật hồi phục sau chuỗi ngày khó khăn, USD/JPY cộng 0,12% chạm ngưỡng 106,77.
Franc Thụy Sỹ là bến đỗ an toàn của nhà đầu tư, cặp USD/CHF ở ngưỡng 0,9099 (-0,23%).
Nhân dân tệ Trung Quốc trong giao dịch nội địa trong sắc đỏ, cặp USD/CNY ở mức 6,9441 (+0,11%).
Đô Úc tăng nhẹ trong khi tiền Canada mất giá. Cụ thể, USD/AUD trượt 0,02% về giao dịch ở 1,3956. Tỷ giá USD/NZD tiến 0,11% đạt 1,5216.
Đồng đô la Canada tăng điểm, cặp USD/CAD ở ngưỡng 1,3226 (-0,14%).
Giavang.net