Ngày 20/11, Trung Quốc đã hạ Lãi suất cho vay cơ bản (LPR), nhằm thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh nhu cầu nội địa giảm sút và tranh chấp thương mại với Mỹ tác động tiêu cực đến tăng trưởng.
Động thái này đã được dự báo từ sau khi số liệu kinh tế tháng 10 của Trung Quốc gây thất vọng. Cụ thể, lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm giảm từ 4,20% trong tháng 10 còn 4,15%, theo thông báo của Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC).
Lãi suất kỳ hạn 5 năm được các ngân hàng áp dụng dựa theo lãi suất vay nợ cầm cố giảm từ 4,85% còn 4,80%.
Tháng 8 vừa qua, Ngân hàng trung ương Trung Quốc công bố kế hoạch điều chỉnh lãi suất cho vay cơ bản nhằm bắt nhịp các biến động thị trường tốt hơn. Theo đó, lãi suất cho vay cơ bản được công bố vào ngày 20 hàng tháng dựa trên hoạt động thị trường mở của ngân hàng trung ương, đặc biệt là công cụ lãi suất cho vay trung hạn.
Đây là động thái mới nhất trong loạt biện pháp Trung Quốc thực hiện nhằm cắt giảm chi phí vay vốn, giải phóng vốn cho các thành phần kinh tế đang khát vốn.
Trung Quốc đang ra sức kích hoạt nền kinh tế có dấu hiệu chững lại, với mức tăng trưởng quý III/2019 lao đáy trong gần 3 thập kỷ qua do tác động của chiến tranh thương mại với Mỹ khiến nhu cầu hàng hóa toàn cầu sụt giảm.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc hôm qua 19/11 bất ngờ hạ lãi suất các hợp đồng mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày từ 2,55% xuống còn 2,05% nhằm khuyến khích các ngân hàng thương mại “bung” vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông Julian Evans-Pritchard, chuyên gia của công ty tư vấn và nghiên cứu kinh tế độc lập Capital Economics (Anh) cho rằng, việc hạ lãi suất cơ bản sẽ tác động không nhiều tới kinh tế Trung Quốc bởi động thái này không giúp hạ lãi suất đối với dư nợ tín dụng được áp dụng chính sách lãi suất trước đó của Ngân hàng trung ương Trung Quốc.
Hạ lãi suất cơ bản kỳ hạn 5 năm có thể coi là động thái nới lỏng tín dụng cho bất động sản, hạn chế bong bóng giá của thị trường này, Julian nhận định.
Tổng hợp