Trung Quốc sẽ giảm thuế quan cho 850 mặt hàng từ thịt lợn đông lạnh tới quả bơ và nhiều thiết bị bán dẫn trong năm tới – hãng tin Reuters dẫn một tuyên bố của Bộ Tài chính nước này cho biết ngày 23/12.
Động thái này diễn ra khi Bắc Kinh tìm cách kích thích nhu cầu tiêu dùng trong nước trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc dưới sức ép từ thương chiến Mỹ-Trung. Ngoài ra, đợt giảm thuế quan này tuy không có liên quan trực tiếp đến chiến tranh thương mại với Mỹ, nhưng thể hiện cam kết của Chính phủ Trung Quốc về tiếp tục mở cửa thị trường trong quá trình tìm kiếm một thỏa thuận thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Bộ Tài chính Trung Quốc tuyên bố sẽ thực thi giảm thuế quan đối với 850 mặt hàng trong danh sách kể từ ngày 1/1/2020. Thuế quan tạm thời này thấp hơn thuế quan tối huệ quốc (MFN). Trong năm 2019, Trung Quốc đã thực thi thuế quan tạm thời thấp hơn thuế MFN đối với 706 nhóm sản phẩm.
Nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng với tốc độ yếu nhất gần 30 năm và có thể đối mặt thêm sức ép suy giảm tăng trưởng trong 2020. Tuy nhiên, Chính phủ nước này đã cam kết sẽ giữ mức tăng trưởng trong khoảng phù hợp trong năm tới và duy trì chính sách đón đầu, hiệu quả.
Trong đợt giảm thuế này, thuế quan đối với thịt lợn đông lạnh nhập khẩu vào Trung Quốc giảm còn 8% từ mức thuế quan MFN 12%. Thuế quan đối với quả bơ đông lạnh giảm còn 7% từ mức 30%.
Thuế quan đối với một số loại thuốc chữa bệnh hen suyễn và tiểu đường sẽ giảm về 0%. Một số mặt hàng gỗ và giấy cũng được giảm thuế. Thuế quan đối với nhiều sản phẩm bán dẫn đa linh kiện giảm về 0%.
Bộ Tài chính Trung Quốc cũng cho biết sẽ giảm thêm thuế quan đối với một số sản phẩm công nghệ thông tin từ ngày 1/7/2020.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc gần đây luôn khẳng định quan điểm giảm thuế quan để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cụ thể trong nước. Tuyên bố của Bộ Tài chính nước này cho biết hàng hóa từ nhiều nước như New Zealand, Costa Rica, Thụy Sỹ, Iceland, Singapore, Australia, Hàn Quốc, Georgia, Chile và Pakistan sẽ có mức thuế quan thậm chí còn thấp hơn nữa nhờ thỏa thuận tự do mậu dịch (FTA) đàm phán lại với Trung Quốc.
Theo Vneconomy