Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) ngày 5/11 cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn (MLF) lần đầu tiên kể từ đầu năm 2016.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) ngày 5/11 cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn (MLF) lần đầu tiên kể từ đầu năm 2016, trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách đang nỗ lực vực dậy nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại do lượng cầu trong và ngoài nước đều giảm.
Thông báo của PBOC cho biết lãi suất đối với các khoản vay MLF 1 năm giảm 5 điểm cơ bản, từ 3,30% xuống 3,25%.
Động thái này có thể mở đường cho việc cắt giảm lãi suất cơ bản (LPR) mới của Trung Quốc trong vài tuần tới, bởi lãi suất cơ bản có liên hệ với lãi suất MLF và được công bố vào ngày 20 hằng tháng.
Nhận định về động thái trên, chuyên gia kinh tế cao cấp về các thị trường mới nổi tại Commerzbank ở Singapore, Hao Zhou cho biết mức giảm lãi suất dù rất nhỏ nhưng đã gửi đi một thông điệp rằng PBOC không muốn thị trường hoài nghi việc ngân hàng sẽ hỗ trợ tăng trưởng.
Một số chuyên gia phân tích cho rằng Trung Quốc đang duy trì chính sách trong khi chờ kết quả các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ.
Tuy nhiên, theo nhiều nhận định, thỏa thuận thương mại một phần Mỹ-Trung dù có thể hỗ trợ niềm tin của doanh nghiệp nhưng chỉ giảm một số áp lực đối với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Thay vì cắt giảm mạnh lãi suất như trước, vốn dẫn tới tích lũy nợ nhanh chóng, thời gian gần đây Trung Quốc chủ yếu lựa chọn tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và giảm thuế để hỗ trợ hoạt động kinh tế, dù thừa nhận rằng sẽ mất nhiều thời gian để giải pháp này phát huy tác dụng.
PBOC cũng đã cắt giảm dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại 7 lần kể từ đầu năm 2018, tạo điều kiện cho các ngân hàng tăng quỹ cho vay. Một động thái tương tự đang được chờ đợi vào cuối năm 2019.
Các động thái trên được đưa ra trong bối cảnh số liệu quý III cho thấy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chỉ đạt 6% so với cùng kỳ năm 2018, gần đến mức thấp nhất trong vòng 30 năm qua, trong khi mục tiêu đặt ra cho cả năm là từ 6 – 6,5%./.
Theo TTXVN