Dưới đây là đánh giá về thị trường dầu thô, vàng tuần trước và nhận định cho tuần này. Giá dầu ngày 6/3 bốc hơi 10%, đẩy giá dầu WTI xuống đáy 4 năm, do Nga không ủng hộ OPEC trong kế hoạch giảm sản lượng hơn nữa nhằm hỗ trợ thị trường năng lượng trước ảnh hưởng của virus corona.
Cụ thể, giá dầu Brent ngày 6/3 giảm 9,4%, chốt tuần giảm 10%. Giá dầu WTI giảm 10%, chốt tuần giảm 8%.
OPEC+, tức OPEC cùng các đồng minh do Nga dẫn đầu, sau 2 ngày họp ở Vienna, Áo, chỉ ra thông báo sẽ tiếp tục tham vấn lẫn nhau để ổn định thị trường. Trước đó, một số đồn đoán cho rằng OPEC+ nhất trí giảm sản lượng thêm 1,5 triệu thùng/ngày, Arab Saudi đảm nhận giảm 1 triệu thùng/ngày, phần còn lại do Nga phụ trách.
OPEC+ đang có thỏa thuận giảm sản lượng 2,2 triệu thùng/ngày, thời hạn tới hết tháng 3.
“Tôi đoán đó là cách Nga muốn nói ‘đủ rồi, mỗi lần chúng ta giảm sản lượng, Mỹ lại hưởng lợi dù không làm gì’”, Phil Flynn, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Price Futures Group, Chicago, bang Illinois, nói.
“Với tôi, việc Nga nghĩ vậy hoàn toàn hợp lý. Điều tôi không hiểu là tại sao họ làm vậy lúc này? Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, khi lực cầu đang giảm hàng trăm nghìn thùng/ngày và mức giá 35 USD/thùng đang ngày càng có nguy cơ thành hiện thực”.
Từ năm 2016, Nga đã nhất trí 3 thỏa thuận giảm sản lượng với Arab Saudi, dẫn đầu OPEC. OPEC+, gồm hơn 20 quốc gia, trung bình giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày trong 3 năm qua. Trong thời gian này, Mỹ trở thành nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, sản lượng đạt đỉnh 13,1 triệu thùng/ngày vào tuần trước.
Xuất khẩu dầu thô của Mỹ cũng tăng mạnh, giúp nước này lần đầu tiên trong lịch sử xuất khẩu ròng dầu.
“Mục tiêu của Nga có thể là giành thị phần năm 2021, khi nhu cầu năng lượng thế giới bình thường trở lại và chờ xem một số công ty khai thác dầu của Mỹ phá sản hoặc OPEC tự hạ sản lượng không cần Nga”, Ed Moya của nền tảng giao dịch trực tuyến OANDA, New York, nhận định.
“Nga có thể chấp nhận mức giá 40 USD/thùng và sẵn sàng chấp nhận giá thấp hơn nữa trong ngắn hạn để chờ thị trường phục hồi”.
Ngày 9/3 có thể là thảm họa tiếp theo với giá dầu khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ra báo cáo triển vọng cung cầu thế giới. giám đốc IEA Fatih Birol cảnh báo thị trường chuẩn bị cho đợt giảm mới.
Tháng 2, IEA dự báo tăng trưởng nhu cầu năng lượng sẽ thấp nhất 2011, ở 800.000 thùng/ngày.
Tồn kho dầu thô tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 28/2 tăng 785.000 thùng, thấp hơn dự báo của giới phân tích, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).
Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần trước triển khai thêm 4 giàn khoan, nâng tổng số giàn khoan dầu đang hoạt động lên 682, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes.
Dưới đây là một số sự kiện có thể ảnh hưởng giá dầu trong tuần.
Ngày 9/3
- IEA ra báo cáo triển vọng cung cầu dầu.
Ngày 10/3
- Viện dầu mỏ Mỹ ước tính số liệu tồn kho hàng tuần.
Ngày 11/3
- EIA cập nhật số liệu tồn kho dầu thô hàng tuần.
Ngày 13/3
- Baker Hughes cập nhật số lượng giàn khoan dầu Mỹ hoạt động.
Kim loại quý
Xu hướng thông thường của kinh tế toàn cầu là khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ hướng về 0, giá vàng chỉ có thể đi lên. Trên thực tế, giá vàng ngày 6/3 có lúc đã hướng đến 1.700 USD/ounce.
Tuy nhiên, đây lại là một trong những tài sản dễ thanh khoản nhất khi thị trường đi xuống. Các quỹ phòng hộ đã bán vàng để tăng tiền mặt, xử lý các lệnh kêu gọi ký quỹ. Do đó, các đợt tăng giá của vàng đều bị giới hạn.
Theo NDH