25 C
Hanoi
22/11/2024
GiaVang.Net
Image default
Kinh tế Phân tích Tin mới nhất Vàng

Triển vọng giá dầu, vàng tuần 5 – 9/4

Dưới đây là đánh giá về thị trường dầu thô, vàng tuần trước và nhận định cho tuần này.

Thị trường năng lượng tuần trước nghỉ giao dịch ngày Thứ Sáu Tốt lành 2/4. Kết thúc phiên 1/4, giá dầu Brent tương lai tăng 1,32 USD, tương đương 2,1%, lên 64,86 USD/thùng, giá dầu WTI tương lai tăng 2,29 USD, tương đương 3,9%, lên 61,45 USD/thùng.

Chốt tuần, giá dầu Brent và WTI lần lượt tăng gần 0,5% và 0,8%.

Tiêu điểm của tuần trước là cuộc họp chính sách sản lượng của 13 thành viên OPEC do Arab Saudi dẫn dắt và 10 quốc gia đồng minh do Nga “cầm lái”, tức OPEC+, hôm 1/4. OPEC+ nhất trí nới lỏng sản lượng 350.000 thùng/ngày trong tháng 5, 350.000 thùng/ngày trong tháng 6 và khoảng 400.000 thùng/ngày trong tháng 7.

Với quyết định này, chính sách sản lượng của OPEC+ sẽ chỉ còn cắt giảm hơn 6,5 triệu thùng/ngày từ tháng 5 so với cắt giảm gần 7 triệu thùng/ngày trong tháng 4.

Bộ trưởng Dầu mỏ Arab Saudi Abdulaziz bin Salman ban đầu thuyết phục liên minh không tăng sản lượng với lý do ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, đặc biệt là ở châu Âu, nơi Pháp đã phải triển khai lệnh phong tỏa toàn quốc thứ ba để ứng phó.

Tuy nhiên, phần lớn OPEC+ vẫn muốn tăng sản lượng với niềm tin lực cầu dầu mùa hè sẽ cao hơn nhiều lần so với ước tính của Arab Saudi. Nga, cũng có tiếng nói trong OPEC+, bày tỏ nhu cầu tăng sản lượng để đáp ứng sức tiêu thụ từ thị trường nội địa.

Nhiều thành viên OPEC+, bao gồm cả Arab Saudi, còn lo ngại khi sản lượng từ Mỹ gần đây tăng. Giả định trước đó là đại dịch Covid-19 cùng chính sách năng lượng sạch từ chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ gây sức ép lên sản lượng từ nền kinh tế số một thế giới.

Tuy nhiên, xuất khẩu của Mỹ tuần kết thúc ngày 26/3 tăng 3,2 triệu thùng/ngày từ mức thông thường 2,5 triệu thùng/ngày. Sản lượng cùng giai đoạn tăng từ 11 triệu thùng/ngày lên 11,1 triệu thùng/ngày, các công ty dầu khí tích cực khai thác khi giá dầu ở trên 60 USD/thùng.

Tồn kho dầu thô tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 26/3 giảm 876.000 thùng, trái ngược dự báo tăng 107.000 thùng từ giới phân tích, cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết.

Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần trước triển khai thêm 13 giàn khoan, nâng tổng số giàn khoan hoạt động lên 430, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes. Cụ thể, số giàn khoan dầu tăng 13 lên 337, số giàn khoan khí giảm 1 còn 91, số giàn khoan dự phòng tăng 1 lên 2.

Dưới đây là một số sự kiện có thể ảnh hưởng giá dầu trong tuần.

Ngày 6/4

  • Viện dầu mỏ Mỹ dự báo về tồn kho dầu thô hàng tuần.

Ngày 7/4

  • EIA cập nhật số liệu hàng tuần về tồn kho dầu thô, xăng và sản phẩm tinh chế.

Ngày 9/4

  • Baker Hughes cập nhật số liệu về giàn khoan dầu Mỹ.

Kim loại quý

Giá vàng ngày 1/4 tăng hơn 1%, vượt 1.730 USD/ounce nhờ USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ suy yếu, số liệu việc làm xấu hơn kỳ vọng. Phiên tăng thứ hai liên tiếp giúp kim loại quý này phục hồi phần nào sau khi giảm sâu hôm 29 và 30/3.

“Vàng vừa có quý I tệ nhất 39 năm, giảm 10%. Đây còn là mức giảm sâu nhất hàng quý kể từ quý IV/2016”, theo nhà phân tích Daniel Briesemann của Commerzbank.

Theo giới phân tích, hiện chưa có xúc tác rõ ràng để giá vàng tăng hơn nữa.

Trong lúc này, giá vàng bị ràng buộc trong một khoảng”, Bart Melek, giám đốc chiến lược toàn cầu tại TD Securities, nói.

Sự kiện đáng chú ý nhất tuần này với vàng là Fed ngày 7/4 công bố biên bản cuộc họp chính sách hôm 16 – 17/3. Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ phát biểu ngày 8/4 tại Hội thảo trực tuyến của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Từ khía cạnh kỹ thuật, giá vàng đang tốt hơn. “Vị thế đang xoay chuyển, với tiềm năng tăng giá lớn”, Melek nêu rõ. Ông vẫn nhận thấy vàng có thể chạm 1.900 USD/ounce vào cuối năm do lạm phát đi lên.

Theo NDH

Tin liên quan

Đang tải....