Dưới đây là đánh giá về thị trường dầu thô, vàng tuần trước và nhận định cho tuần này.
Nhà đầu tư dầu và kim loại quý vừa có một tuần căng thẳng. Ngày 31/10, Bloomberg đưa tin có trở ngại mới trong đàm phán thương mại Mỹ – Trung, chỉ một ngày sau khi cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn kho tại Mỹ tăng mạnh trong tuần kết thúc ngày 25/10. Cụ thể, tồn kho dầu thô, không bao gồm dầu dự trữ chiến lược (SPR) tăng 5,7 triệu thùng, vượt xa dự báo tăng 494.000 thùng từ giới phân tích.
Tình hình đảo chiều sau đó, khi thị trường ngày 1/11 phản ứng tích cực với số liệu việc làm tại Mỹ trong tháng 10 và Trung Quốc thông báo đạt đồng thuận với Nhà Trắng về các vấn đề cốt lõi trong cuộc chiến thương mại giữa hai nước.
Theo EIA, sản lượng của Mỹ vẫn cao kỷ lục 12,6 triệu thùng.ngày trong 4 tuần liền, bất chấp số giàn khoan hoạt động đã giảm xuống đáy 30 tháng.
Trong khi đó, tăng trưởng GDP Mỹ chỉ là 1,9% trong quý III. Dù vượt kỳ vọng từ Phố Wall, con số này vẫn làm dấy lên lo ngại về đầu tư và tăng trưởng khi sự kích thích từ việc cắt giảm thuế biến mất.
Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) hạ triển vọng nhu cầu năng lượng cho năm nay và năm 2020 xuống lần lượt là 1 triệu thùng/ngày và 1,2 triệu thùng/ngày.
Dưới đây là một số sự kiện có thể ảnh hưởng giá dầu trong tuần.
Ngày 5/11
- Viện dầu mỏ Mỹ ra báo cáo hàng tuần về tồn kho dầu.
Ngày 6/11
- EIA cập nhật số liệu tồn kho dầu.
Ngày 8/11
- Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cập nhật số giàn khoan đang hoạt động.
Kim loại quý
Với số liệu việc làm tại Mỹ tích cực và tiến triển trong đám phán thương mại Mỹ – Trung, nhà đầu tư không còn đổ xô sang tài sản an toàn nữa. Tuy nhiên, giá vàng vẫn giữ được mốc 1.500 USD/ounce.
TD Securities cho biết có nhiều nhà đầu tư vẫn chọn giữ vàng để phòng ngừa rủi ro và khả năng Fed hạ lãi suất trong năm 2020.
“Chúng tôi dự báo giá vàng sẽ biến động quanh 1.500 USD/ounce cho đến khi số liệu kém xuất hiện, dẫn đến hạ lãi suất”, công ty môi giới này nhận định.
Theo NĐH