Dưới đây là đánh giá về thị trường dầu thô, vàng tuần trước và nhận định cho tuần này.
Thị trường năng lượng tuần trước đi lên với giá dầu WTI vượt mốc 41 USD/thùng lần đầu tiên sau 3,5 tháng. Cụ thể, chốt phiên 24/7, giá dầu Brent tương lai tăng 3 cent lên 43,34 USD/thùng, chốt tuần tăng 0,5%. Giá dầu WTI tương lai tăng 22 cent lên 41,29 USD/thùng, chốt tuần tăng 1,7%, theo Reuters.
“Rủi ro trên thị trường đang nghiêng về bên giảm. Mọi đợt tăng không phải nhờ thiếu cung có thể không tồn tại lâu”, Ed Moya, nhà phân tích tại nền tảng giao dịch trực tuyến OANDA, nói.
“WTI khả năng cao không còn biến động với biên độ hẹp nữa bởi diễn biến gần đây trên thị trường trái phiếu có thể châm ngòi một đợt tái phân bổ với mọi loại tài sản”.
Đợt tăng gần đây của giá dầu chủ yếu nhờ kỳ vọng nhu cầu năng lượng phục hồi khi các lệnh phong tỏa để ứng phó Covid-19 được dỡ bỏ hồi tháng 5, bất chấp nguy cơ tái đóng cửa vì một làn sóng dịch bệnh thứ hai.
OPEC cùng đồng minh, tức OPEC+, tuần trước quyết định nới lỏng thỏa thuận hạn chế sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày duy trì từ tháng 5. Theo đó, OPEC+ sẽ chỉ giảm sản lượng 7,7 triệu thùng/ngày kể từ tháng 8.
Tồn kho dầu thô tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 17/7 tăng 4,9 triệu thùng lên 536,6 triệu thùng, trái ngược dự báo giảm 2,1 triệu thùng từ Reuters. Sản lượng tăng 100.000 thùng/ngày lên 11,1 triệu thùng/ngày.
“Nhìn chung, điều này cho thấy đà phục hồi lực cầu chúng ta chứng kiến có vẻ đang khựng lại”, theo Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao tại Price Futures Group, Chicago, bang Illinois.
Tổng số giàn khoan dầu và khí đốt của các công ty năng lượng Mỹ trong tuần trước giảm 2, xuống còn 251, thấp kỷ lục, theo số liệu từ công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes. Tuy nhiên, số giàn khoan dầu tăng 1, tuần tăng đầu tiên kể từ tháng 3.
Căng thẳng Mỹ – Trung gia tăng sau khi Bắc Kinh yêu cầu Washington đóng cửa lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. Đây là động thái đáp trả việc Washington yêu cầu Bắc Kinh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, bang Texas.
“Các mối quan hệ thương mại quốc tế cần trơn tru để lực cầu dầu không bị gián đoạn trong dài hạn và căng thẳng Mỹ – Trung chưa bao giờ là tín hiệu tốt”, Bjornal Tonhaugen, trưởng bộ phận thị trường dầu tại Rystad Energy, nhận định.
Dưới đây là một số sự kiện có thể ảnh hưởng giá dầu trong tuần.
Ngày 28/7
- Viện dầu mỏ Mỹ ước tính số liệu tồn kho hàng tuần.
Ngày 29/7
- EIA cập nhật số liệu tồn kho dầu thô, xăng, sản phẩm tinh chế hàng tuần.
Ngày 31/7
- Baker Hughes cập nhật số lượng giàn khoan dầu Mỹ hoạt động.
Kim loại quý
Vàng là tiêu điểm trên thị trường hàng hóa tuần trước khi cả giá vàng giao ngay và giá tương lai đều vượt 1.900 USD/ounce.
Chốt phiên 24/7, giá vàng giao ngay tại sàn New York tăng 14,7 USD lên 1.901,3 USD/ounce, trong phiên có lúc chạm 1.905,99 USD/ounce, cao nhất kể từ tháng 9/2011. Giá vàng tương lai có lúc chạm 1.911,6 USD/ounce.
Với diễn biến này, giới phân tích cho biết khả năng giá vàng cán mốc 2.000 USD/ounce đang cao hơn bao giờ hết.
“Chúng ta chắc chắn sẽ vượt đỉnh năm 2011 trong ngày 27/7, tôi nghĩ vậy”, theo Eli Tesfaye, chiến lược gia kim loại quý tại RJO Futures, Chicago, bang Illinois, nói. “Nếu điều đó xảy ra, đợt tăng tiếp theo sẽ hướng đến 2.000 USD/ounce”.
Đợt tăng diễn ra trong bối cảnh lãi suất thấp và chính phủ, ngân hàng trung ương các nước đã bơm hàng nghìn tỷ USD để hỗ trợ thị trường, gia tăng lo ngại lạm phát, thúc đẩy nhà đầu tư tăng phòng hộ bằng vàng.
Riêng năm nay, Mỹ đã triển khai 3 gói kích thích trị giá 3.300 tỷ USD, đang thảo luận gói thứ tư với giá trị hơn 1.000 tỷ USD. Fed cũng có chương trình cho vay trị giá hàng trăm tỷ USD. Trong khi đó, các lãnh đạo EU trong tuần đã nhất trí gói kích thích lịch sử trị giá 750 tỷ euro.
Đà tăng của vàng còn được thúc đẩy bởi xu hướng mất giá từ USD. Chỉ số USD, đo sức mạnh đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền lớn, đã giảm từ đỉnh 17 năm 103,96 điểm hồi tháng 3 xuống dưới 95, thấp nhất gần hai năm.
“USD sẽ không sớm dừng mất giá bởi lãi suất thực tại Mỹ đang âm”, theo Ed Moya.
Vàng không phải hàng hóa duy nhất hưởng lợi từ việc USD suy yếu. Giá bạc trong tuần trước cũng tăng đáng kể, dù giảm 0,2% xuống 22,67 USD/ounce trong phiên 24/7 nhưng chốt tuần vẫn tăng 17%, tuần tăng mạnh nhất kể từ năm 1987.
“Tôi nghĩ bạc cũng có tiềm năng tăng giá mạnh, mạnh hơn nhiều nếu vàng chạm mốc 2.000 USD/ounce”, Tesfaye nhận định. “Giá bạc từng gần 44 USD/ounce hồi tháng 9/2011, khi vàng lập đỉnh lịch sử. Bạn có thể thấy bạc đang bị định giá thấp thế nào”.
Theo NDH