30 C
Hanoi
08/05/2024
Image default
Phân tích Phân tích - Chiến lược Tin mới nhất

Triển vọng giá dầu, vàng tuần 25 – 29/7

Đánh giá về thị trường dầu thô, vàng tuần trước và nhận định cho tuần này.

Trong tuần trước, giá dầu WTI giảm khoảng 3% xuống ngưỡng 95,09 USD/thùng. Tính trong ba tuần gần nhất, WTI giảm gần 13%.

Giá dầu Brent chốt tuần ở ngưỡng 103,61 USD/thùng, tăng 2,2%, kết thúc chuỗi tuần giảm liên tiếp kéo giá dầu Brent giảm tới 17%. Trong tuần trước nữa, có thời điểm giá dầu Brent xuống ngưỡng thấp nhất 5 tháng 95,42 USD/thùng.

Tuần qua tiếp tục là một tuần biến động đối với giá dầu thế giới, khi liên tục giằng co giữa tăng và giảm.

Đầu tuần, giá dầu tăng mạnh do nhà đầu tư nhận định Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ không tăng lãi suất cao hơn dự báo trong cuộc họp cuối tháng 7, kéo đồng USD đi xuống.

Kể từ khi dữ liệu lạm phát tháng 6 được công bố, nhiều người nhận định Fed có thể tăng mạnh lãi suất lên tới 1% thay vì 0,75% như dự báo trước đó. Tuy nhiên, kỳ vọng lạm phát của người dân Mỹ giảm xuống trong tháng 7 sau một thời gian dài giá xăng tại đây đi xuống, một tín hiệu cho thấy Fed sẽ không cần phải tăng quá mạnh lãi suất trong kỳ họp tuần này.

Giá dầu tiếp tục có một tuần giao dịch giằng co. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu gặp phải một vật cản lớn: Quan ngại suy thoái. Trong ngày 21/7, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) lần đầu tiên tăng lãi suất sâu 11 năm nhằm đối phó với tình trạng lạm phát dù kinh tế lục địa già đang có dấu hiệu suy yếu.

Đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 dừng hoạt động khiến cho không ít quốc gia châu Âu như ngồi trên lửa trước quan ngại Nga có thể tận dụng cơ hội này để cắt đứt hoàn toàn nguồn cung khí đốt tới lục địa già, châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng, đặc biệt trong thời điểm châu Âu đang phải hứng chịu các đợt nắng nóng kỷ lục.

Nền kinh tế số một thế giới cũng cho thấy những dấu hiệu suy yếu. Số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp của người dân Mỹ tăng lên ngưỡng cao nhất 5 tháng. Trong khi đó, doanh số nhà ở tại quốc gia này giảm trong năm tháng liên tiếp, số lượng các công trình nhà ở cũng tụt xuống ngưỡng thấp nhất 9 tháng. Đó là những dấu hiệu cho thấy khó khăn bắt đầu bủa vây các thị trường việc làm và bất động sản, những tác nhân góp phần đẩy lạm phát lên cao tại Mỹ trong suốt thời gian qua, bên cạnh giá năng lượng.

Nhu cầu nhiên liệu của người dân Mỹ bất ngờ sụt giảm, thấp hơn 7,6% so với cùng kỳ năm trước, dù đang ở giữa mùa cao điểm lái xe.

Và quan trọng hơn hết, Fed có thể sẽ tăng lãi suất thêm 0,75% trong cuộc họp tuần này lên ngưỡng 2,25-2,5%. Với ba cuộc họp sau đó trong năm 2022, các quan chức của Fed phát đi tín hiệu cho thấy lãi suất có thể tăng lên ngưỡng 3,5% hoặc thậm chí là 4%. Tuy nhiên, thị trường cũng bắt đầu dự báo quá trình tăng lãi suất của Fed sẽ dừng lại trong năm 2023, vì những hệ quả kinh tế mà nó mang lại đối với nước Mỹ là quá lớn.

Một số thông tin tích cực trong tuần qua đó là Lybia đã chính thức tái khởi động hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ, với sản lượng khoảng 800.000 thùng/ngày sau giai đoạn gián đoạn vì xung đột chính trị. Đường ông Nord Stream 1 hoạt động trở lại sau khoảng 10 ngày khóa van bảo trì.

Trong tuần này, giá dầu WTI có thể tiếp tục đối diện với áp lực bán tháo, theo Sunil Kumar Dixit, Giám đốc chiến lược kỹ thuật tới từ skcharting.com.

Nếu như vượt qua ngưỡng 101 USD/thùng, giá dầu WTI có thể tiếp tục bứt phá lên ngưỡng 105 USD/thùng và 107,5 USD/thùng, dải Bollinger trung bình hàng tuần. Tuy nhiên, nếu thủng ngưỡng EMA trung bình 50 tuần 92,88 USD, giá dầu WTI có thể tiến sát ngưỡng thấp nhất 5 tháng 90,58 USD, ông cảnh báo”.

Khi đó, giá dầu sẽ tiếp tục đà giảm xuống 88 USD/thùng và các ngưỡng hỗ trợ 85 USD/thùng và 83 USD/thùng. Nếu áp lực bán tiếp tục tăng lên, giá dầu WTI có thể rơi xuống ngưỡng dải Bollinger trung bình hàng tháng 78,5 USD/thùng”, ông nhận định.

Kim loại quý

Giá vàng tương lai giao tháng 8 trên sàn Comex (Mỹ) chốt tuần ở ngưỡng 1.725,3 USD/ounce, tăng 1,4%, cắt đứt chuỗi năm tuần giảm liên tiếp, với mức giảm lên tới 9%, tương đương 172 USD.

Đồng USD suy yếu là thông tin tác động tới giá vàng nhiều nhất. Đồng bạc xanh liên tục đi xuống kể từ khi ECB tăng lãi suất sau 11 năm.

Trong tuần này, giá vàng cần vượt qua ngưỡng 1.745 USD/ounce để có thể kiểm chứng lại mốc EMA trung bình 5 tuần 1.756 USD/ounce, theo Dixit.

“Chuỗi giảm kéo dài năm tuần đã bị cắt đứt do vùng giá 1.680 USD/ounce hấp dẫn nhà đầu tư là tiền đề giúp giá vàng hồi phục”, ông nói.

Tình trạng quá bán của vàng tương lai giao tháng 8 tiếp tục được thể hiện qua chỉ dấu stochastic 14/7 đồng nghĩa với việc giá vàng vẫn còn dư địa đi lên.

“Nếu như lực mua gia tăng, giá vàng có thể nới rộng đà hồi phục lên các mốc 1.770-1.780-1.800-1.815 USD/ounce”, Dixit nhận định.

Tuy nhiên, ông cảnh báo, áp lực giảm điểm vẫn còn tồn tại. “Nếu không thể duy trì ở ngưỡng 1.750-1.760 USD/ounce, giá vàng có thể điều chỉnh về ngưỡng 1.700-1.680 USD/ounce, hoặc ngưỡng EMA trung bình 50 tháng 1.668 USD/ounce và SMA trung bình 200 tuần 1.655 USD/ounce.

Theo NDH

Tin liên quan

Đang tải....