Dưới đây là đánh giá về thị trường dầu thô, vàng tuần trước và nhận định cho tuần này.
Thị trường dầu thô
Căng thẳng tại Trung Đông giữa Mỹ và Iran đang ngày càng gia tăng, trở thành rủi ro không thể phớt lờ.
Cơ quan quản lý hàng không Mỹ (FAA) đã yêu cầu các hãng hàng không của nước này tránh khỏi không phận Iran và khả năng cao các quốc gia khác cũng sẽ hành động tương tự.
Olivier Jakob, nhà sáng lập công ty tư vấn năng lượng Thụy Sĩ PetroMatrix lưu ý việc Tổng thống Donald Trump cuối tuần trước cảnh báo Iran đang “phạm một sai lầm rất lớn” khi bắn hạ UAV quân sự Mỹ trước khi đổ lỗi cho một viên tướng Iran “hành động tùy tiện và ngớ ngẩn”.
“Trump rõ ràng không muốn vướng vào một cuộc chiến ở Trung Đông nhưng Nhà Trắng sẽ ngày càng khó hơn trong việc không đáp trả”.
Giá dầu thô có thể tiếp tục tăng nếu Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố số liệu tích cực về tồn kho xăng và dầu thô trong tuần kết thúc ngày 21/6.
Tuần này cũng là thời gian cuối cùng chính sách hạn chế sản lượng của OPEC cùng đồng minh, tức OPEC+, còn hiệu lực. OPEC+ sẽ họp vào ngày 1 – 2/7 để quyết định có gia hạn cho chính sách trên thêm 6 tháng nữa hay không.
Một sự kiện đáng chú ý nữa là hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản, vào cuối tuần, với tiêu điểm là cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Thị trường chờ xem phái đoàn hai bên có nối lại đàm phán thương mại trước G20 hay không.
Dưới đây là những sự kiện có thể ảnh hưởng giá dầu trong tuần.
Ngày 25/6
- Viện dầu mỏ Mỹ ra báo cáo hàng tuần về tồn kho dầu.
Ngày 26/6
- EIA cập nhật tồn kho dầu Mỹ.
Ngày 28/6
- Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cập nhật số lượng giàn khoan Mỹ.
Kim loại quý
Giá vàng giữ xu thế đi lên kể từ đầu tháng 6 với kỳ vọng Mỹ hạ lãi suất. Ngày 19/6, Fed để ngỏ phương án hạ lãi suất, khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống dưới 2% – ngưỡng tâm lý quan trọng – lần đầu tiên kể từ tháng 11/2016.
Công cụ theo dõi lãi suất của Investing.com dự báo lãi suất giảm khi Fed họp vào ngày 30 – 31/7.
Lãi suất giảm đồng nghĩa những tài sản an toàn như vàng – vốn không sinh lợi suất – trở nên hấp dẫn nhà đầu tư hơn, gây sức ép lên USD.
“Phân tích của tôi cho thấy giá vàng tương lai sẽ tăng lên 1.420 USD/ounce, tiếp đó là 1.445 – 1.450 USD/ounce”, theo Mike Paulenoff, nhà bình luận về vàng tại MPTrader.com.
“Các đỉnh trong nhiều năm có thể xuất hiện nhờ hàng loạt yếu tố như Fed mềm mỏng hơn, USD suy yếu, căng thẳng địa chính trị tăng…”.
Giá vàng giao ngay ngày 21/6 đã có lúc chạm 1.411,72 USD/ounce, cao nhất kể từ tháng 9/2013. Chốt tuần, giá vàng tăng 4,4% và tăng 9,7% kể từ đầu tháng 6.
“1.500 USD/ounce có thể là mục tiêu tiếp theo”, Philip Streible, chiến lược gia cấp cao về kim loại quý tại RJO Futures, Chicago, nói. “Tất nhiên là cần nhiều yếu tố hỗ trợ”.
Dưới đây là một số sự kiện có thể ảnh hưởng giá vàng trong tuần.
Ngày 24/6
- Viện Ifo ra báo cáo về môi trường kinh doanh Đức.
Ngày 25/6
- Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu.
- Mỹ ra số liệu về doanh số bán nhà, chỉ số giá nhà ở tháng 5.
Ngày 26/6
- Mỹ công bố số liệu thương mại, số đơn đặt hàng dài hạn tháng 5.
Ngày 27/6
- Mỹ công bố số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu.
Ngày 28/6
- Eurozone ra CPI tháng 6.
Theo NDH