Dưới đây là đánh giá về thị trường dầu thô, vàng tuần trước và nhận định cho tuần này.
Giá dầu Brent và WTI trong tuần trước đều chạm đỉnh hơn một năm nhưng chốt tuần lại trái chiều. Cụ thế, kết thúc phiên 19/2, giá dầu Brent tương lai giảm 1,02 USD, tương đương 1,6%, xuống 62,91 USD/thùng, chốt tuần tăng 0,5%.
Giá dầu WTI tương lai giảm 1,28 USD, tương đương 2,1%, xuống 59,24 USD/thùng, chốt tuần giảm 0,7%.
Các công ty năng lượng ở bang Texas, Mỹ, đang chuẩn bị sản xuất dầu và khí đốt trở lại sau nhiều ngày bị gián đoạn vì bão mùa đông gây mất điện, nước, đóng băng các giếng dầu. Sản lượng của Mỹ có lúc giảm tới 40%. Hiện chưa rõ cần bao lâu để khôi phục hoàn toàn sản lượng nhưng các nhà giao dịch và giám đốc điều hành trong ngành dự báo “chỉ vài ngày” nhờ thời tiết ấm lên.
“Giai đoạn tồi tệ nhất đã qua và các điều kiện sắp bình thường trở lại”, theo đơn vị dự báo NatGasWeather.
Giới phân tích tại Citigroup cho biết các cơ sở lọc dầu tại Mỹ có thể giảm công suất khoảng 500.000 thùng/ngày vì hoạt động bảo dưỡng trong tháng 3, trước cao điểm đi lại mùa hè.
Giá dầu ngày 19/2 chịu áp lực khi ngoại trưởng Iran khẳng định Tehran sẽ “lập tức đảo chiều” chương trình hạt nhân khi các lệnh trừng phạt của Mỹ được gỡ bỏ, đáp lại đề xuất từ chính quyền Tổng thống Joe Biden về nối lại đàm phán thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
“Xu hướng bán xuất hiện sau thông tin trên”, Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group, Chicago, bang Illinois, nói.
Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 được Iran ký với nhóm P5 + 1 (gồm các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc – Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc – và Đức) dưới thời tổng thống Mỹ Barack Obama nhưng bị người kế nhiệm Donald Trump từ bỏ 3 năm trước.
Iran có thời điểm sản xuất 4 triệu thùng/ngày và xuất khẩu ít nhất nửa số này trước khi bị chính quyền Trump áp trừng phạt.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định ảnh hưởng từ Iran sẽ bị giảm thiểu bởi chính sách giảm cung từ Arab Saudi cùng các thành viên khác trong OPEC.
Tồn kho dầu thô tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 12/2 giảm 5,8 triệu thùng xuống còn 468 triệu thùng, vượt dự báo giảm 2,4 triệu thùng từ giới phân tích, viện dầu mỏ Mỹ (API) ước tính. Số liệu chính thức sẽ được cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố ngày 18/2.
Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần giữ nguyên số giàn khoan dầu và khí đang hoạt động ở 397, theo công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes. Cụ thể, số giàn khoan dầu giảm 1 xuống 305, số giàn khoan khí tăng 1 lên 91 và một giàn khoan dự phòng.
Dưới đây là một số sự kiện có thể ảnh hưởng giá dầu trong tuần.
Ngày 23/2
- Viện dầu mỏ Mỹ dự báo về tồn kho dầu thô hàng tuần.
Ngày 24/2
- EIA cập nhật số liệu hàng tuần về tồn kho dầu thô, xăng và sản phẩm tinh chế.
Ngày 26/2
- Baker Hughes cập nhật số liệu về giàn khoan dầu Mỹ.
Kim loại quý
Giá vàng ngày 19/2 tăng, thoát đáy hơn 7 tháng, nhờ USD suy yếu nhưng vẫn có tuần giảm nhiều nhất kể từ đầu tháng 1. Giá vàng giao ngay tại sàn New York tăng 9,3 USD lên 1.784,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai tăng 0,1% lên 1.777,4 USD/ounce.
“Vàng đang có một khoảng thời gian tồi tệ”, Craig Erlam, chiến lược gia thị trường tại OANDA, New York, nói.
Quan điểm vàng là công cụ phòng hộ lạm phát trước các vấn đề kinh tế và chính trị suy yếu trong vài tháng qua, kể từ khi có đột phá về vaccine Covid-19, đẩy kim loại quý này khỏi đỉnh gần 2.090 USD/ounce hồi tháng 8.
Fawad Razaqzada, nhà phân tích tại Think Markets, cùng quan điểm với Erlam rằng mọi thứ đã và có vẻ vẫn không tốt cho vàng.
Peter Hug, giám đốc giao dịch toàn cầu tại Kitco, cho rằng giá vàng cần vượt 1.800 USD/ounce, sau đó là 1.825 USD/ounce trước khi quay lại xu hướng tăng giá, tiến đến 1.900 USD/ounce.
Theo NDH