Dưới đây là đánh giá về thị trường dầu thô, vàng tuần trước và nhận định cho tuần này.
hị trường năng lượng tiếp tục trải qua một tuần không mấy sáng sủa, bất chấp việc Arab Saudi và Nga đánh tín hiệu sẵn sàng giảm sản lượng hơn nữa. Giá dầu WTI lại quay về ngưỡng dưới 20 USD/thùng thường thấy gần đây.
Cụ thể, giá dầu Brent tương lai ngày 17/4 tăng 0,9% nhưng vẫn chốt tuần giảm 10,8%. Giá dầu WTI giao tháng 5, đáo hạn ngày 21/4, cùng ngày giảm hơn 8%, chốt tuần giảm 19,7%. Giá dầu WTI giao tháng 6 giảm 2%.
OPEC cùng các đồng minh, tức OPEC+, hôm 12/4 đạt thỏa thuận giảm sản lượng gần 10 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và 6 nhưng thị trường năng lượng tiếp tục đi xuống bởi lực cầu thế giới có thể giảm tới 30 triệu thùng/ngày.
“Dầu thô tháng 5 chuẩn bị được giao trong khi OPEC+ chưa bắt đầu hạ sản lượng và sản lượng giảm không đủ nhanh khi thị trường vẫn dư cung”, theo Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group, Chicago, bang Illinois. “Tuy nhiên, giá dầu WTI có xu hướng tốt hơn”.
Giá dầu WTI giao tháng 6 có thể nhảy vọt trong tuần sau khi số liệu từ công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho thấy các công ty năng lượng Mỹ trong tuần trước giảm 66 giàn khoan dầu, tuần giảm mạnh nhất kể từ năm 2015, đưa tổng số giàn khoan dầu hoạt động xuống còn 438, thấp nhất kể từ tháng 10/2016.
Tổng số giàn khoan giảm trong 5 tuần gần đây là 245, đồng nghĩa sản lượng dầu WTI giảm vì giá dầu lao dốc.
Nhà Trắng ngày 16/4 công bố hướng dẫn ba bước để 50 bang tại Mỹ có thể tái mở cửa dần nền kinh tế, đã bị phong tỏa 4 tuần trong nỗ lực kiểm soát đại dịch Covid-19. Tính đến ngày 19/4, số ca tử vong và nhiễm virus corona tại nền kinh tế số một thế giới là hơn 39.000 và gần 740.000.
Nga và Arab Saudi “sẽ tiếp tục theo dõi sát sao thị trường dầu và sẵn sàng có thêm biện pháp nếu cần”, theo thông báo chung của bộ trưởng năng lượng hai nước.
Tồn kho tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 10/4 tăng 19 triệu thùng, mức cao kỷ lục, theo cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Trong khi đó, các cơ sở lọc dầu hạ công suất xuống thấp nhất từ năm 2008 do lực cầu bị ảnh hưởng vì các biện pháp ứng phó đại dịch Covid-19.
Các cơ sở trữ dầu tại Mỹ lại đang đầy lên nhanh chóng. Tính đến ngày 10/4, tồn kho tại Cushing, bang Oklahoma, cửa ngõ giao dầu WTI, đạt 71% tổng sức chứa, tăng 15% trong 2 tuần. Với tốc độ tồn kho tăng như hiện nay, gần 50 triệu thùng trong 3 tuần, giới phân tích dự báo kho Cushing sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 5 hoặc đầu tháng 6.
“Ngành dầu Mỹ sẽ bị xóa sổ nếu không tiến hành giảm sản lượng”, Scott Sheffield, CEO công ty dầu Pioneer, cảnh báo. “Chúng ta sẽ phải chứng kiến giá dầu ở 3 – 10 USD/thùng trong nửa cuối năm”.
Tổng sản lượng của Mỹ tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước, ở 12,3 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 10/4, giảm so với đỉnh 13,1 triệu thùng/ngày hồi tháng 3.
Dưới đây là một số sự kiện có thể ảnh hưởng giá dầu trong tuần.
Ngày 21/4
- Viện dầu mỏ Mỹ ước tính số liệu tồn kho hàng tuần.
Ngày 22/4
- EIA cập nhật số liệu tồn kho dầu thô hàng tuần.
Ngày 24/4
- Baker Hughes cập nhật số lượng giàn khoan dầu Mỹ hoạt động.
Kim loại quý
Giá vàng quay lại vùng dưới 1.700 USD/ounce do tâm lý trên Phố Wall được cải thiện sau khi chính quyền Mỹ ra hướng dẫn mở cửa lại nền kinh tế cùng xu hướng chốt lời.
Cụ thể, giá vàng giao tháng 6 trên sàn New York hôm 17/4 giảm gần 2%, xuống 1.698,8 USD/ounce, chốt tuần giảm 3,5%. Hôm 14/4, giá vàng lên đỉnh 7 năm 1.788,75 USD/ounce.
Giá vàng giao ngay ngày 17/4 giảm 2%, chốt tuần giảm 0,3%.
Tuy nhiên, giới phân tích vẫn lạc quan về khả năng vàng tăng giá, kiểm tra mốc 1.800 USD/ounce, thậm chí là lên 1.900 USD/ounce.
Theo NDH