Dưới đây là đánh giá về thị trường dầu thô, vàng tuần trước và nhận định cho tuần này.
Mỹ và Trung Quốc ngày 15/1 ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 tại Nhà Trắng, góp phần hạ nhiệt căng thẳng thương mại song phương. Theo thỏa thuận, Trung Quốc cam kết mua 52 tỷ USD dầu thô cùng các mặt hàng năng lượng khác của Mỹ. Tuy nhiên, thị trường hoài nghi khả năng thỏa thuận được thực hiện đầy đủ, khiến giá dầu giảm ngay phiên cùng ngày.
“Kỳ vọng chung là nếu thỏa thuận được tôn trọng, nhập khẩu dầu thô từ Mỹ của Trung Quốc sẽ tăng từ 0 hồi tháng 10/2019 lên ít nhất 500.000 thùng/ngày”, Olivier Jakob, nhà sáng lập công ty tư vấn rủi ro dầu Petromatrix, Thụy Sĩ, nói. “Tuy nhiên, ở thời điểm này, Trung Quốc khó có thể làm được với những thuế quan đang áp dụng. Phải thay đổi điều gì đó”.
Theo Jakob, nếu Trung Quốc tăng mua năng lượng Mỹ, dầu thô Mỹ sẽ chiếm toàn bộ tăng trưởng nhập khẩu dầu của Trung Quốc trong 12 tháng tới, “gây thiệt hại cho OPEC và đồng minh, tức OPEC+, và Biển Bắc, cửa ngõ sản xuất dầu Brent”.
Cây viết bình luận về dầu của Refinitiv, Clyde Russell, cũng có chung quan điểm với Jakob.
“Rắc rối của thị trường năng lượng không phải Trung Quốc có thể thực hiện được cam kết hay không mà là chuyện gì sẽ xảy ra nếu Bắc Kinh thử và thành công?”, Russell viết. Ông cho biết Trung Quốc cần mua 18,5 tỷ USD hàng hóa năng lượng Mỹ trong năm 2020, 33,9 tỷ USD hàng hóa năng lượng Mỹ trong năm 2021.
“Cần theo dõi các nhà cung ứng dầu hiện tại của Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào khi mất thị phần tại quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới?”.
Ngoài năng lượng, giới phân tích còn hoài nghi về cam kết mua 32 tỷ USD nông sản Mỹ của Trung Quốc. Ngân hàng Rabobank của Hà Lan ước tính lượng đậu tương và ngô, hai nông sản thường được nhắc đến trong thương chiến Mỹ – Trung, mà Trung Quốc nhập khẩu chỉ chiếm khoảng nửa thỏa thuận.
Trung Quốc sẽ cần mua thêm nhiều thứ khác như thịt, hải sản, sữa và bông, theo Rabobank. “Để đáp ứng điều này, phần lớn thuế đáp trả của Trung Quốc sẽ sớm bị dỡ bỏ”.
Số liệu từ Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 10/1 giảm 2,5 triệu thùng. Tuy nhiên, tồn kho xăng lại cao nhất kể từ tháng 2/2019, sản lượng lên kỷ lục 13 triệu thùng/ngày.
Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần tăng 14 giàn khoan dầu lên 673, lần tăng đầu tiên trong 4 tuần, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes.
Dưới đây làm một số sự kiện có thể ảnh hưởng giá dầu trong tuần.
Ngày 21/1
- Viện dầu mỏ Mỹ ước tính số liệu tồn kho hàng tuần.
Ngày 23/1
- EIA cập nhật số liệu tồn kho dầu thô hàng tuần.
Ngày 24/1
- Baker Hughes cập nhật số lượng giàn khoan dầu Mỹ hoạt động.
Kim loại quý
Giá vàng ban đầu giảm do ảnh hưởng từ việc Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Tuy nhiên, qua từng ngày, khi giới phân tích hoài nghi về khả năng thành công của thỏa thuận, giá kim loại quý này lại tăng.
“Cùng với kỳ vọng tăng trưởng, kéo theo lạm phát, và nếu Fed không hành động, lãi suất thực tế sẽ giảm”, TD Securities nhận định.
Fed đã hạ lãi suất 3 lần liên tiếp trong năm 2019 và dừng xu hướng này vào tháng 12.
Theo NDH