24 C
Hanoi
28/03/2024
Image default
Phân tích Phân tích - Chiến lược Tin mới nhất

Triển vọng giá dầu, vàng tuần 18 – 23/7

Đánh giá về thị trường dầu thô, vàng tuần trước và nhận định cho tuần này.

Trong tuần trước, giá dầu WTI giảm tổng cộng 6,9%, trong khi giá dầu Brent giảm 5,5%. Tính từ đầu tháng 7, giá dầu WTT giảm 8,1%, giá dầu Brent giảm 7,4%.

Giá dầu Brent giảm trong tuần thứ năm liên tiếp, với mức giảm lên tới 17%. Giá dầu WTI cũng có tuần giảm thứ tư trong năm tuần gần nhất, mất khoảng 19%.

Giá dầu tiếp tục xu hướng giảm trong tuần qua trong bối cảnh sức mạnh của đồng USD lấn át kỳ vọng kết quả khả quan thu được từ chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Chuyến đi của ông Biden trên thực tế không mang lại nhiều kết quả khả quan khi không một cam kết tăng sản lượng cụ thể nào được phía Arab Saudi đưa ra.

Đồng USD chạm đỉnh hai thập kỷ sau khi dữ liệu lạm phát tháng 6 tại Mỹ được công bố, khiến không ít chuyên gia và nhà đầu tư nhận định Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất tới 1% trong kỳ họp tới.

Tổng thống Joe Biden có chuyến công du Trung Đông nhằm thuyết phục Arab Saudi tăng sản lượng dầu mỏ. Ảnh: Reuters.

Tác nhân tác động lên giá dầu thời gian gần đây không chỉ còn là quan ngại thiếu hụt nguồn cung.

Tại Mỹ, giá xăng đang trong xu hướng giảm sau khi đạt đỉnh hơn 5 USD/gallon hồi giữa tháng 6.

Theo đó, giá xăng trung bình tại Mỹ giảm trong bốn tuần liên tiếp xuống ngưỡng 4,65 USD/gallon tính tới tuần kết thúc vào ngày 11/7, theo dữ liệu từ Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng (EIA).

Cũng theo EIA, trong tuần kết thúc vào ngày 8/7, tiêu thụ xăng tại Mỹ giảm 9,7% xuống 8,73 triệu thùng/ngày. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất tính từ đầu năm 2022.

Một số chuyên gia giải thích người dân Mỹ đang tìm mọi cách để kéo giảm chi phí nhiên liệu. Họ có thể lái ít hơn, hủy bỏ những chuyến đi không cần thiết, di chuyển với khoảng cách gần, sử dụng các loại phương tiện tối ưu nhiên liệu…

Chủ đề được nhiều người quan tâm ở thời điểm hiện tại là một cuộc suy thoái, điều mà Fed nói nỗ lực khiến nó không xảy ra trong khi các ngân hàng đầu tư lớn như Deutsche Bank, JPMorgan Chase & Co. và Morgan Stanley lên tiếng khẳng định một cuộc suy thoái là không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, những bàn tán liên quan tới suy thoái và sức ảnh hưởng của nó tới thị trường dầu mỏ dường như bị thổi phồng khi thực tế thị trường dầu mỏ toàn cầu vẫn “khỏe mạnh”.

Dù đối diện với rủi ro suy thoái toàn cầu, những lệnh cấm vận mới đối với dầu Nga, bên cạnh đó là tình trạng đứt gãy nguồn cung từ Libya hoặc Nigeria vẫn là những yếu tố thúc đẩy giá dầu đi lên.

Và dù dầu Brent và WTI bị bán tháo trong khoảng thời gian gần đây, giá dầu giao sớm đang cao hơn so với giá dầu giao chậm. Với 4 USD/thùng, mức chênh lệch giữa giá dầu giao trong tháng sau và tháng sau đó, tiệm cận ngưỡng cao nhất từng được ghi nhận. Điều này trái ngược với thời điểm năm 2008 khi giá dầu giao ngay thấp hơn giá dầu tương lai, một dấu hiệu cho thấy thị trường dầu mỏ đang ở trạng thái dư cung.

Trong một tuần được dự báo có nhiều biến động phía trước, nếu không thủng ngưỡng thấp nhất của tuần trước 90,58 USD/thùng và có thể duy trì trên ngưỡng 92 USD/thùng, giá dầu WTI có thể được đẩy lên ngưỡng dải Bollinger trung bình hàng ngày 104,30 USD/thùng, theo Sunil Kumar Dixit, Giám đốc chiến lược kỹ thuật tại skcharting.com.

“Nếu như WTI vượt qua mốc 105 USD/thùng, đà hồi phục có thể tiếp tục được nới rộng lên ngưỡng trung bình động EMA 50 ngày 106,8 USD/thùng và trung bình động SMA 100 ngày 107,4 USD/thùng, cũng như là dải Bollinger trung bình hàng tuần 108,5 USD/thùng”, ông Dixit nói.

Tuy nhiên, Giám đốc chiến lược kỹ thuật tại skcharting.com cảnh báo rằng nếu như không thể vượt qua ngưỡng 105 USD/thùng, giá dầu WTI có thể điều chỉnh về ngưỡng 94-92-90 USD/thùng.

“Và nếu thủng mốc 90 USD/thùng, giá dầu WTI có thể tiếp tục rơi xuống ngưỡng 88 – 85 – 83 USD/thùng”, Dixit bổ sung.

Kim loại quý

Trong tuần trước, giá vàng giảm 2,2%. Trong tuần, có thời điểm giá vàng tụt xuống ngưỡng thấp nhất hơn hai năm 1.695 USD/ounce.

Giá vàng giảm năm tuần liên tiếp với mức giảm khoảng 9%. Tính từ đầu năm, giá vàng giảm 7%.

Giá vàng giảm tuần thứ năm liên tiếp. Ảnh: Reuters.

Kể từ khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Mỹ được công bố, nhiều người dự báo Fed sẽ tăng lãi suất thêm 1% trong kỳ họp tới thay vì chỉ tăng 0,75% như nhận định trước đó.

Giá vàng tương đối nhạy cảm với môi trường lãi suất cao khi nó là một loại hình tài sản phi lợi suất. Bên cạnh đó, đồng USD liên tục lên giá cũng ảnh hưởng tiêu cực đối với giá vàng.

“Các chỉ báo đều cho thấy vàng đã rơi vào vùng quá bán. Do đó, vàng có thể sẽ hồi phục trong ngắn hạn, và khả năng kim loại quý này quay trở lại ngưỡng 1.745 USD/ounce là rất cao”, Dixit nhận định.

Ông cũng cho biết rằng nếu giá vàng có thể vượt qua ngưỡng 1.745 USD/ounce, đà hồi phục có thể tiếp tục đưa giá vàng lên các mốc 1.770-1.800-1.815 USD/ounce.

“Dù là một loại hình đầu tư an toàn trong bối cảnh kinh tế bất ổn, vàng vẫn đối diện với rủi ro giảm giá. Không loại trừ giá vàng thủng mốc 1.700 USD/ounce một lần nữa, và nếu điều đó xảy ra, giá vàng có thể tụt về các mốc 1.683-1.666-1.652 USD/ounce”, Dixit bổ sung.

Theo NDH

Tin liên quan

Đang tải....