Dưới đây là đánh giá về thị trường dầu thô, vàng tuần trước và nhận định cho tuần này.
Giá dầu tăng trong phiên 13/3 nhưng vẫn chốt tuần bằng đợt giảm mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008. Cụ thể, giá dầu Brent tương lai tăng 1,9%, chốt tuần giảm 25%. Giá dầu WTI tương lai tăng 0,7%, chốt tuần giảm 23%.
Tập đoàn CME, đơn vị quản lý sàn NYMEX – nơi giao dịch dầu WTI, cùng ngày xác nhận không thể biết chắc cuộc khủng hoảng dầu mỏ sẽ kéo dài bao lâu nữa do cuộc cạnh tranh thị phần giữa Nga và Arab Saudi, Mỹ.
“Các cường quốc dầu mỏ Nga, Arab Saudi và Mỹ đang trải qua bài kiểm tra kinh tế”, CME cho biết. “Chúng ta sẽ chờ xem bên nào thất thế trước”.
Trong khi đó, Phố Wall liên tục tăng rồi giảm. Italia phong tỏa toàn bộ lãnh thổ, tiếp đó là Pháp và Tây Ban Nha, Mỹ cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì virus corona.
Giá dầu đang trên đà đi xuống, bất kể chính quyền Tổng thống Donald Trump muốn mua dầu đầy kho Dự trữ Dầu Chiến lược (SPR).
Sức chứa tối đa của SPR là 713,5 triệu thùng nhưng tính đến cuối tuần kết thúc ngày 6/3, quy mô dự trữ đã đạt 650 triệu thùng. Như vậy, ông Trump chỉ có thể mua thêm 63,5 triệu thùng nữa. Nếu quá trình mua kéo dài đến cuối năm, sức mua của Mỹ sẽ là 219.000 thùng/ngày, kể từ ngày 16/3.
“Con số trên còn không bằng nửa mức cắt giảm đề xuất ban đầu của OPEC và đồng minh, tức OPEC+, trước khi hai ngày họp hồi đầu tháng 3 đổ bể. Và thị trường đang phải đối mặt với nguy cơ dư cung 4 triệu thùng/ngày”, Scott Carpenter, chuyên gia về năng lượng tại Forbes, nói, nhắc đến kế hoạch tăng sản lượng của Arab Saudi trong tháng 4. Nga cũng có thể hành động tương tự.
Trong khi đó, việc đi lại trên thế giới có xu hướng bị hạn chế do ảnh hưởng từ virus corona. Công ty tư vấn Rystad Energy dự báo di chuyển hàng không thế giới sẽ giảm 16% hoặc hơn trong năm 2020.
Tồn kho tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 6/3 tăng 7,7 triệu thùng, theo cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Ngân hàng trung ương các nước đang triển khai các biện pháp để củng cố nền kinh tế trước ảnh hưởng từ virus corona.
Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần triển khai thêm 1 giàn khoan, nâng tổng số giàn khoan lên 683, công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết.
Dưới đây là một số sự kiện có thể ảnh hưởng giá dầu trong tuần.
Ngày 17/3
- Viện dầu mỏ Mỹ ước tính số liệu tồn kho hàng tuần.
Ngày 18/3
- EIA cập nhật số liệu tồn kho dầu thô hàng tuần.
Ngày 20/3
- Baker Hughes cập nhật số lượng giàn khoan dầu Mỹ hoạt động.
Kim loại quý
Dù tình hình có lợi cho tài sản an toàn, giá vàng lại không tăng như kỳ vọng. Giá vàng ngày 9/3 vượt mốc 1.700 USD/ounce, lên đỉnh 7 năm, nhưng xu hướng bán ra lại tăng bởi nhà đầu tư cần tiền để xử lý lệnh gọi ký quỹ cho các tài sản khác, như cổ phiếu. Giá vàng giảm dần sau đó.
Cụ thể, giá vàng ngày 13/3 giảm 3%, chốt tuần giảm 9%.
Ole Hansen, trường bộ phận chiến lược hàng hóa tại Saxobank, tin giá vàng sẽ phục hồi trong tuần.
“Vàng mới chỉ trong giai đoạn khởi đầu của một đợt tăng giá”, theo Ed Moya, nhà phân tích tại OANDA. “Trong cuộc đua giành ngôi vua tài sản an toàn, giá vàng dễ dàng vượt mốc 2.000 USD hơn là lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm về 0”.
Theo NDH