Dưới đây là đánh giá về thị trường dầu thô, vàng tuần trước và nhận định cho tuần này.
Giá dầu tăng trong phiên 13/12 cho thấy nhà đầu tư bắt đầu cảm thấy tự tin rằng áp lực từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đè lên thị trường năng lượng suốt gần 18 tháng qua cuối cùng cũng giảm bớt.
Mỹ và Trung Quốc tuần trước thông báo nhất trí nội dung thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Theo đó, Mỹ sẽ hủy kế hoạch áp thuế 15% với 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 15/12. Với thuế hiện hành, Mỹ giữ nguyên mức 25% lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và giảm từ 15% xuống 7,5% với 120 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Đổi lại, Bắc Kinh cam kết mua thêm lượng lớn nông sản từ Washington.
Với diễn biến trên, giá dầu Brent và WTI đều đạt đỉnh gần 3 tháng, lần lượt vượt hai mốc quan trọng là 65 USD/thùng và 60 USD/thùng trong phiên 13/12.
Tuy nhiên, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vẫn chưa được ký nên không có cách nào xác định Trung Quốc có thực sự đồng ý hay không hay họ chỉ câu giờ bởi yếu tố chính trị dường như có hiện diện.
Tổng thống Donald Trump mong muốn tái cử trong 11 tháng tới trong khi phe Dân chủ đối lập tại quốc hội lại tìm cách luận tội ông vì lạm quyền. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chịu áp lực phải ngăn có thêm thuế áp lên nền kinh tế số hai thế giới.
“Với nhiều chuyện đã xảy ra trong 17 tháng qua, thị trường kỳ vọng có thông tin chi tiết về thỏa thuận để xác định tỷ lệ thành công của các cuộc đàm phán tương lai”, theo Adam Sarhan, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành công ty tư vấn đầu tư 50 Park Investment, bang Florida.
Fawad Razaqzada, nhà phân tích tại forex.com, chuyên về vàng và tiền tệ, tán thành.
“Đàm phán thỏa thuận giai đoạn 2 sẽ phụ thuộc quá trình thực thi thỏa thuận giai đoạn 1”, Razaqzada nói. “Đây có thể là quá trình dài, nhiều thăng trầm, khiến nhà đầu tư thận trọng”.
Trung Quốc cũng không sẵn lòng nhượng bộ quá nhiều bởi họ có thể gặp thuận lợi hơn nếu một tổng thống Mỹ khác lên nắm quyền vào năm 2021.
Theo ông Trump, đàm phán thỏa thuận giai đoạn 2 sẽ bắt đầu ngay lâp tức thay vì chờ tới sau bầu cử vào tháng 11/2020. Hai bên vẫn chưa ấn định ngày cụ thể.
“Vẫn có rủi ro bởi phong cách ngoại giao khó đoán của Trump cùng bất ổn xuất hiện trong trường hợp ông thất cử nhiệm kỳ 2”, Richard Anderson Falk, giáo sư luật, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Princeton, nhận định.
Ngoài tình hình Mỹ – Trung, thị trường còn một vấn đề khác chú ý là chiến thắng áp đảo của Thủ tướng Boris Johnson cùng đảng Bảo thủ sẽ thực sự mở đường cho Brexit.
Tồn kho dầu thô tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 6/12 bất ngờ tăng 822.000 thùng, trái ngược dự báo giảm 2,8 triệu thùng từ giới phân tích. Tổng lượng tồn kho hiện là 447,9 triệu thùng, cao hơn 4% so với mức trung bình cùng kỳ 5 năm, theo cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA).
Các công ty năng lượng Mỹ tuần trước tăng 4 giàn khoan hoạt động lên 667, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes. Đây là lần tăng đầu tiên trong 8 tuần, bất chấp việc các công ty năng lượng có kế hoạch giảm chi tiêu.
Dưới đây là một số sự kiện có thể ảnh hưởng giá dầu trong tuần.
Ngày 17/12
- Viện dầu mỏ Mỹ (API) ước tính tồn kho dầu Mỹ.
Ngày 18/12
- EIA cập nhật số liệu tồn kho dầu Mỹ.
Ngày 20/12
- Baker Hughes cập nhật số lượng giàn khoan hàng tuần.
Kim loại quý
Bất chấp thị trường năng lượng tăng trong phiên 13/12, thị trường kim loại quý vẫn không bị bán do nhiều nhà đầu tư vẫn tin thỏa thuận giai đoạn 1 sẽ không tạo ra điều gì thần kỳ.
“Những người ủng hộ vàng tin thỏa thuận còn ẩn chứa nhiều điều chưa biết và đó là lý do giá kim loại quý này không giảm nhiều dù căng thẳng Mỹ – Trung diễn biến tích cực”, theo Sarhan.
Theo NDH