Dưới đây là đánh giá về thị trường dầu thô, vàng tuần trước và nhận định cho tuần này.
Sau 6 tuần tăng liên tiếp, bất ổn bắt đầu xuất hiện trở lại trên thị trường năng lượng với giá dầu Brent, WTI diễn biến trái chiều. Cụ thể, giá dầu Brent chốt phiên 12/6 ở 38,73 USD/thùng, giảm 8,4% so với đầu tuần. Giá dầu WTI chốt phiên 12/6 ở 36,26 USD/thùng, chốt tuần giảm 8,3%. Đây là tuần giảm đầu tiên kể từ đáy hồi tháng 4.
“Tôi nghĩ một số CTA tham gia thị trường năng lượng trong vài tuần trước có thể đã rút lui trong ngày 13/6”, Scott Shelton, nhà môi giới năng lượng tương lai tại ICAP, Durham, bang North Carolina, nói, nhắc đến các quỹ phòng hộ. “Nếu giá dầu tiếp tục suy yếu, tôi kỳ vọng chứng kiến xu hướng ‘bắt đáy’”.
Trước đó, giá dầu ngày 11/6 giảm tới 8% trong bối cảnh lo ngại gia tăng về đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ hai tại Mỹ, khi tổng số ca nhiễm ở nền kinh tế số một thế giới đã vượt 2 triệu.
“Tôi nghĩ thị trường có xu hướng chốt lời”, Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao tại nền tảng giao dịch trực tuyến OANDA, New York, nhận định. “Chúng ta cần chấp nhận điều này khi một loại tài sản tăng tốt so với số khác trong vài tháng qua. 40 USD/thùng vẫn là ngưỡng kháng cự đối với WTI”.
Trong khi đó, kết thúc cuộc họp chính sách dài hai ngày 9 – 10/6, chủ tịch Fed Jerome Powell nói ngân hàng trung ương Mỹ có thể duy trì lãi suất cận 0 cho đến cuối năm 2022. Biện pháp kích thích được duy trì lâu hơn là điều tích cực với thị trường nhưng cũng phản ánh quá trình phục hồi hậu Covid-19 có thể lâu hơn dự kiến.
Báo cáo việc làm hàng tháng cho thấy có thêm 2,5 triệu việc làm được tạo ra trong tháng 5, sau khi giảm 20 triệu việc làm trong hai tháng trước đó. Phố Wall ngày 11/6 cũng lao dốc, Dow Jones mất gần 1.900 điểm, chốt tuần tệ nhất kể từ giữa tháng 3.
Theo cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 5/6 tăng 5,7 triệu thùng lên 538,1 triệu thùng. Tồn kho tại Mỹ tăng vượt dự báo từ giới phân tích và là tuần tăng thứ 3 liên tiếp do lượng dầu nhập khẩu từ Arab Saudi lên tới 1,5 triệu thùng/ngày. Trong cuộc chiến giá với Nga hồi tháng 3 và 4, Riyadh đã đẩy mạnh xuất khẩu dầu thô.
“Tổng tồn kho dầu thương mại Mỹ đã vượt con số hồi đầu năm 2017 và đang cao nhất kể từ năm 1982”, ING nhận định.
Một số bên vẫn giữ quan điểm tích cực về thị trường năng lượng. Goldman Sachs cho rằng nhu cầu xăng đang dần tăng. “Chúng tôi dự báo xu hướng này tiếp tục khi Mỹ dần tái mở cửa nền kinh tế”.
Theo công ty dịch vụ năng lượng Mỹ Baker Hughes, các công ty năng lượng Mỹ trong tuần giảm 7 giàn khoan dầu hoạt động xuống còn 199 giàn khoan.
Dưới đây là một số sự kiện có thể ảnh hưởng giá dầu trong tuần.
Ngày 16/6
- Viện dầu mỏ Mỹ ước tính số liệu tồn kho hàng tuần.
Ngày 17/6
- EIA cập nhật số liệu tồn kho dầu thô, xăng, sản phẩm tinh chế hàng tuần.
Ngày 19/6
- Baker Hughes cập nhật số lượng giàn khoan dầu Mỹ hoạt động.
Kim loại quý
Một tuần sau khi chịu sức ép từ báo cáo việc làm tại Mỹ tốt nhất 3 tháng, đà tăng trên thị trường vàng trở lại do lo ngại về đợt bùng phát Covid-19 thứ hai tại nền kinh tế số một thế giới thúc đẩy nhu cầu mua tài sản an toàn.
Giá vàng giao ngay và tương lai lần lượt tăng 2,7% và 3,1% trong tuần trước, lấy lại những gì đã mất trong tuần kết thúc ngày 5/6.
“Thị trường biến động mang lại cơ hội để vàng vượt mốc 1.750 USD/ounce”, theo Ed Moya, nhà phân tích tại OANDA. “Trong tuần tới, vàng có thể hướng đến 1.800 USD/ounce nhờ lực đẩy từ lo ngại liên quan Covid-19, căng thẳng Mỹ – Trung”.
Theo NDH