Dưới đây là đánh giá về thị trường dầu thô, vàng tuần trước và nhận định cho tuần này.
Giá dầu thô tăng hơn 1% trong phiên 10/7 sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nâng dự báo lực cầu năng lượng trong năm 2020, giúp thị trường phục hồi sau phiên giảm sâu trước đó. Cụ thể, giá dầu Brent tương lai tăng 2% lên 43,24 USD/thùng, chốt tuần tăng 1%. Giá dầu WTI tương lai tăng 2,4% lên 40,55 USD/thùng, chốt tuần tăng 0,7%.
IEA, trụ sở Pháp, nâng dự báo lực cầu lên 92,1 triệu thùng/ngày, tăng 400.000 thùng/ngày so với con số đưa ra tháng trước. Trong khi đó, số ca nhiễm mới Covid-19 tại Mỹ ngày 9/7 vượt 60.500, cao kỷ lục.
Thị trường năng lượng còn nhận lực đẩy từ thông tin về số giàn khoan dầu hoạt động tại Mỹ. Theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, các công ty năng lượng Mỹ trong tuần giảm 4 giàn khoan dầu hoạt động xuống còn 181, thấp nhất kể từ tháng 6/2009. Số giàn khoan khí đốt giảm 1 xuống còn 75, về lại đáy kỷ lục kể từ năm 1987.
Về vắc xin phòng Covid-19, Gilead Sciences ngày 10/7 công bố dữ liệu cho thấy loại thuốc kháng virus remdesivir của công ty giúp giảm 62% nguy cơ tử vong của bệnh nhân nguy kịch so với chăm sóc tiêu chuẩn.
Biontech cũng có thông tin tích cực trong cuộc đua sản xuất vắc xin. CEO Ugur Sahin nói công ty có thể đưa ra biên pháp điều trị để nhà chức trách phê duyệt vào tháng 12, theo Wall Street Journal.
Một thông tin cho rằng các nước sản xuất dầu thô, dẫn đầu bởi Arab Saudi, đang thúc đẩy OPEC cùng các bên liên quan tăng sản lượng từ tháng 8. Tâm lý này xuất hiện trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu cho thấy lực cầu năng lượng sắp trở lại mức bình thường.
OPEC và đồng minh, tức OPEC+ dự kiện họp trực tuyến vào ngày 15/7 để thảo luận về sản lượng hiện tại và tương lai của khối.
Hồi tháng 4, Arab Saudi đi đầu trong việc lập thỏa thuận giảm sản lượng lên tới 9,7 triệu thùng/ngày, khi đại dịch Covid-19 khiến lực cầu sụp đổ. Theo đề xuất mới của Riyadh, OPEC+ sẽ nới lỏng hạn chế, chỉ còn giảm sản lượng 7,7 triệu thùng/ngày.
Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, gần đây ghi nhận nhiều ngày có số ca nhiễm mới Covid-19 cao kỷ lục, dấy lên lo ngại về kế hoạch tái mở cửa trường học vào mùa thu.
Trong khi đó, tồn kho dầu thô tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 3/7 tăng 5,7 triệu thùng, trái với dự báo giảm 3,1 triệu thùng từ giới phân tích, nhưng vẫn thấp hơn khoảng 3% so với mức đỉnh 540,7 triệu thùng hôm 19/6, theo số liệu từ cơ quan thông tin năng lượng (EIA). Tồn kho xăng tại Mỹ giảm 4,8 triệu thùng nhờ lực cầu tăng lên 8,8 triệu thùng/ngày, cao nhất kể từ ngày 20/3.
Dưới đây là một số sự kiện có thể ảnh hưởng giá dầu trong tuần.
Ngày 14/7
- Viện dầu mỏ Mỹ ước tính số liệu tồn kho hàng tuần.
Ngày 15/7
- EIA cập nhật số liệu tồn kho dầu thô, xăng, sản phẩm tinh chế hàng tuần.
Ngày 17/7
- Baker Hughes cập nhật số lượng giàn khoan dầu Mỹ hoạt động.
Kim loại quý
Giá vàng ngày 10/7 giảm nhưng không thể ngăn kim loại quý này có tuần tăng thứ 5 liên tiếp, nhờ lực đẩy từ các biện pháp kích thích của Mỹ để ứng phó Covid-19 và số ca nhiễm mới trên thế giới tăng.
Giá vàng tương lai chạm 1.829,8 USD/ounce hôm 8/7, cao nhất kể từ tháng 9/2011. Giá vàng giao ngay chạm 1.809,22 USD hôm 9/7, cũng cao nhất kể từ tháng 9/2011.
“Triển vọng giá vàng ngắn hạn vẫn rất tích cực bởi căng thẳng Mỹ – Trung dự kiến gia tăng trong tuần này, nhà đầu tư tại Mỹ chuẩn bị đón nhận các báo cáo kết quả kinh doanh quý II từ ngân hàng, Covid-19 tiếp tục lây lan ở Mỹ và Mỹ Latinh, chưa có dấu hiệu đạt đỉnh”, theo Ed Moya, nhà phân tích tại OANDA, New York.
Tổng thư ký Liên Hơp Quốc Antonio Guterres ngày 9/7 dự báo GDP năm nay của Mỹ Latinh giảm 9,1%, “nhiều nhất 100 năm”.
Một số nhà phân tích như Georgette Boele của ABN AMRO kỳ vọng giá vàng vượt 1.900 USD/ounce, dự báo giá vàng ở khoảng 2.000 USD/ounce trong năm 2021.
Theo NDH