Dưới đây là đánh giá về thị trường dầu thô, vàng tuần trước và nhận định cho tuần này.
Dầu thô
Câu hỏi đặt ra trong tuần này là việc tồn kho tại Mỹ bất ngờ tăng trong tuần kết thúc ngày 2/8 chỉ là nhất thời hay khởi đầu cho xu hướng mới. Trong khi đó, OPEC tuyên bố sẽ khôi phục lại tâm lý thị trường, sau khi giá dầu chạm đáy 7 tháng, rơi vào thị trường giá xuống vì lo ngại liên quan chiến tranh thương mại gia tăng.
Một nguồn tin Arab Saudi khẳng định nước này không chấp nhận giá dầu lao dốc như năm 2018. Điều này giúp giá dầu phục hồi phần nào trong hai phiên 8 và 9/6.
Số liệu từ Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho tại Mỹ tăng 2,4 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 2/8, trái ngược dự báo giảm 2,8 triệu thùng từ giới phân tích.
Nhà đầu tư trong tuần sẽ theo dõi liệu EIA có công bố số liệu mang tính tiêu cực, và Trung Quốc tiếp tục trả đũa Mỹ hay không. Nếu thông tin Trung Quốc dừng mua dầu từ Mỹ được CNBC đăng là thật, giá dầu WTI sẽ chịu áp lực giảm.
Iran đang xuất khẩu khoảng 100.000 thùng/ngày, thấp hơn nhiều so với con số 2,5 triệu thùng/ngày khoảng 2 năm trước. Trong trường hợp Trung Quốc chuyển sang mua dầu từ Iran, sản lượng của quốc gia Trung Đông này có thể tăng trở lại, không chỉ tạo ra rắc rối chính trị cho Tổng thống Donald Trump mà còn cả áp lực nghiêm trọng cho thị trường dầu.
Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần trước tiếp tục giảm 6 giàn khoan hoạt động về còn 764, thấp nhất kể từ tháng 2/2018. Đây là tuần giảm thứ 6 liên tiếp, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes
Dưới đây là một số sự kiện có thể ảnh hưởng giá dầu trong tuần.
Ngày 13/8
- Viện dầu mỏ Mỹ ra báo cáo hàng tuần về tồn kho dầu.
Ngày 14/8
- EIA cập nhật số liệu tồn kho dầu Mỹ.
Ngày 16/8
- Baker Hughes cập nhật số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động.
Kim loại quý
Xu hướng ngân hàng trung ương các nước nới lỏng chính sách tiền tệ để bảo vệ nền kinh tế trước sự mất giá của nhân dân tệ giúp vàng vừa có một tuần diễn biến tốt.
Giá vàng giao ngay ngày 7/8 vượt mốc 1.500 USD/ounce, lần đầu tiên kể từ tháng 5/2013 trước khi giảm nhẹ vào cuối tuần. Chốt tuần trước, giá vàng giao ngay tăng 4%, giá vàng tương lai tăng 3,5%, mạnh nhất trong 7 tuần.
Trong tuần này, nhà đầu tư vàng tiếp tục theo dõi những tín hiệu từ Fed cùng ngân hàng trung ương các nước khác xem liệu họ có mạnh tay nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa hay không.
“Ngoài số liệu từ Mỹ, một số chỉ số vĩ mô quan trọng từ Trung Quốc, Đức và eurozone cũng đáng chú ý”, theo Fawad Razaqzada, nhà phân tích tại forex.com.
Dưới đây là một số sự kiện có thể ảnh hưởng giá vàng trong tuần.
Ngày 12/8
- Thị trường Nhật Bản nghỉ lễ.
Ngày 13/8
- Anh ra báo cáo việc làm tháng 6.
- Mỹ cập nhật chỉ số giá nhà sản xuất (CPI) tháng 6.
- Viện ZEW ra báo cáo về tâm lý kinh tế Đức tháng 8.
Ngày 14/8
- Trung Quốc ra số liệu sản xuất công nghiệp, doanh số bán lẻ và đầu tư tài sản cố định tháng 7.
- Anh ra CPI tháng 7.
- Đức, eurozone công bố GDP sơ bộ tháng 7.
Ngày 15/8
- Mỹ công bố doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp tháng 7, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu.
Ngày 16/8
- Mỹ cập nhật số giấy phép xây dựng tháng 7, tâm lý người tiêu dùng Michigan tháng 8.
Theo NDH