Dưới đây là đánh giá về thị trường dầu thô, vàng tuần trước và nhận định cho tuần này.
Chốt phiên 9/10, giá dầu Brent tương lai giảm 49 cent, tương đương 1,1%, xuống 42,85 USD/thùng, giá dầu WTI tương lai giảm 59 cent, tương đương 1,4%, xuống 40,6 USD/thùng. Chốt tuần, giá dầu WTI tăng 9,6%, giá dầu Brent tăng 9,1%, tuần tăng đầu tiên trong ba tuần và là tuần tăng nhiều nhất của Brent kể từ tháng 6.
Giá dầu phiên 9/10 giảm dù số liệu từ chính phủ Mỹ cho thấy gần 92% sản lượng dầu, khoảng 62% sản lượng khí tại vịnh Mexico phải tạm dừng khai thác để đề phòng bão Delta.
Tổng thống Donald Trump cùng ngày kêu gọi quốc hội Mỹ đàm phán về một gói hỗ trợ kinh tế lớn mới, đánh dấu sự thay đổi hoàn toàn so với thông báo hoãn thương lượng cho tới sau bầu cử của ông hôm 6/10. Tuy nhiên, lo ngại liên quan tình hình đại dịch Covid-19 ở nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng như những nơi khác vẫn đè nặng lên thị trường.
Một biến số khó lường nữa là kết quả bầu cử Mỹ ngày 3/11, khi ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump cạnh tranh với đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden.
“Xu hướng vị thế trên thị trường đang nghiêng về bán và có thể xấu hơn nếu Covid-19 diễn biến theo chiều hướng tồi tệ”, Scott Shelton, nhà môi giới năng lượng tương lại tại ICAP, Durham, bang North Carolina, nói.
“Bầu cử Mỹ đang dần biến thành một sự kiện tùy hứng và thành thật mà nói, các yếu tố cơ bản của thị trường dầu khá xấu”.
Tồn kho tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 2/10 tăng mạnh hơn ước tính, cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết. Cụ thể, tồn kho dầu thô tăng 501.000 thùng, gấp gần hai lần so với dự đoán tăng 294.000 thùng từ Reuters.
Tồn kho xăng giảm 1,4 triệu thùng xuống còn 226,8 triệu thùng, thấp nhất kể từ tháng 11/2019, so với kỳ vọng giảm 471.000 thùng. Tồn kho sản phẩm tinh chế giảm 962.000 thùng như ước tính.
Các công ty năng lượng Mỹ tuần trước triển khai thêm 4 giàn khoan dầu, nâng tổng số giàn khoan hoạt động lên 193 – cao nhất kể từ đầu tháng 6, trong khi số giàn khoan khí giảm 1 xuống còn 73, công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết. Đây là tuần tăng thứ 4 liên tiếp, dài nhất kể từ tháng 6/2018.
Áp lực nguồn cung có xu hướng tăng khi các công ty dầu Na Uy đã đạt thỏa thuận lương với đại diện công đoàn ngày 9/10, chấm dứt 10 ngày đình công của công nhân từng đe dọa giảm tới 25% sản lượng của nước này.
JPMorgan nhận định triển vọng lực cầu thế giới có xu hướng xấu đi do số ca nhiễm Covid-19 nguy cơ tăng trong mùa đông sẽ khiến OPEC điều chỉnh kế hoạch nới lỏng hạn chế sản lượng trong năm 2021.
Dưới đây là một số sự kiện có thể ảnh hưởng giá dầu trong tuần.
Ngày 14/10
- Viện dầu mỏ Mỹ ước tính số liệu tồn kho hàng tuần.
Ngày 15/10
- EIA cập nhật số liệu tồn kho dầu thô, xăng, sản phẩm tinh chế hàng tuần.
Ngày 16/10
- Baker Hughes cập nhật số lượng giàn khoan dầu Mỹ hoạt động.
Kim loại quý
Chốt phiên 9/10, giá vàng giao ngay tại sàn New York tăng 36,7 USD lên 1.930,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai tăng 1,6% lên 1.925 USD/ounce. Chốt tuần, giá vàng giao ngay tăng khoảng 1% còn giá vàng tương lai tăng 1,6%.
Việc Tổng thống Trump thông báo về một gói hỗ trợ kinh tế lớn đang được thương lượng với quốc hội Mỹ là yếu tố tích cực với vàng bởi thị trường lo ngại lạm phát sẽ tăng theo. Đây là lực đẩy rất quan trọng để giá vàng lấy lại mốc 2.000 USD/ounce.
“Giá vàng bùng nổ… sau khi Nhà Trắng chịu nhường trong thế bế tắc đàm phán”, Ed Moya, nhà phân tích tại OANDA, New York, nhận định. “Giá vàng dường như sẽ hưởng lợi từ một gói hỗ trợ kinh tế trước bầu cử Mỹ. Hiện chưa rõ phe Dân chủ có đón nhận đề xuất mới nhất hay không nhưng dường như Nhà Trắng quyết tâm đạt được điều gì đó”.
Theo NDH