Dưới đây là đánh giá về thị trường dầu thô, vàng tuần trước và nhận định cho tuần này.
Giá dầu vừa có tuần tăng thứ hai liên tiếp, với mức tăng 2 chữ số, sau khi số giàn khoan dầu Mỹ đang hoạt động xuống thấp kỷ lục. Cụ thể, chốt phiên 8/5, giá dầu Brent tương lai tăng 5,1% lên 30,97 USD/thùng, chốt tuần tăng 18%. Giá dầu WTI tương lai tăng 5% lên 24,74 USD/thùng, chốt tuần tăng 33%.
Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần giảm 33 giàn khoan dầu đang hoạt động xuống thấp nhất hơn 10 năm, còn 292 giàn khoan, theo công ty dịch vụ năng lượng Mỹ Baker Hughes. Số giàn khoan dầu hoạt động tại Mỹ chưa bao giờ xuống dưới 300 kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 – 2009. Mức thấp nhất từng ghi nhận là 92 hồi tháng 11/2002.
Tổng số giàn khoan dầu và khí đốt hoạt động trong tuần trước là 34 xuống còn 374, thấp nhất kể từ năm 1940.
Một số nhà phân tích cho rằng lực cầu tăng từ việc Mỹ tái mở cửa nền kinh tế không đủ để giữ giá dầu ở trên 30 USD/thùng.
“Điều chúng ta đang chứng kiến là ‘bứt phá giả’ trước khi khối lượng dầu thô gia tăng, đẩy sức chứa tại các kho lên cực hạn và giá dầu xuống đáy mới”, Art Berman, tài khoản Twitter chuyên về dầu và khí đốt với hơn 22.000 người theo dõi, viết.
Berman liệt kê 5 đợt tăng giá bất thành của thị trường năng lượng kể từ giữa năm 2018 đến năm nay. Đó là Iran xuất khẩu dầu cho các bên được miễn trừ hồi tháng 10/2018, các vụ tấn công vào các tàu ở vùng Vịnh hồi tháng 4/2019, OPEC+ tăng cắt giảm sản lượng hồi tháng 7/2019, vụ tấn công vào cơ sở lọc dầu của Arab Saudi tháng 9/2019 và loạt sự kiện liên tiếp OPEC+ gia hạn cắt giảm sản lượng, Mỹ – Trung đạt thỏa thuận thương mại, tướng Qassem Soleimani của Iran bị Mỹ tiêu diệt.
“Các khả năng của đợt tăng số 6 này thế nào?”, Berman đặt câu hỏi. Ông dự đoán giá dầu WTI sẽ lên khoảng 35 USD/thùng rồi “vòng lại xuống dưới 20 USD/thùng”.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa giá dầu sẽ không tăng trở lại. Số giàn khoan dầu tại Mỹ giảm mạnh đồng nghĩa chênh lệch cung cầu có thể được xóa bỏ như Morgan Stanley nhận định. Vấn đề của thị trường hiện nay là nguồn cung vẫn quá lớn, bất chấp đà giảm của sản lượng.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang nỗ lực đưa thêm dầu WTI vào Dự trữ Dầu Chiến lược (SPR) nhưng đồng thời, nhiều nguồn dầu bên ngoài cũng đang chờ cập cảng Mỹ. Khoảng 28 tàu chở dầu đang vận chuyển 43 triệu thùng tới Mỹ. Washington chịu áp lực áp thuế hoặc có biện pháp trừng phạt để tránh tình trạng dư cung tại nền kinh tế số một thế giới thêm trầm trọng.
Trong khi đó, tồn kho tại Mỹ tăng tuần thứ 15 liên tiếp với mức tăng 4,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 1/5, theo cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), thấp hơn ước tính tăng 7,8 triệu thùng của giới phân tích. Tồn kho sản phẩm tinh chế tăng.
“Tồn kho tăng ít hơn dự kiến là yếu tố tích cực nhưng đồng thời cũng mang đến lo ngại cho thị trường”, John Kilduff, nhà phân tích tại Again Capital, New York, nhận định. “Tồn kho sản phẩm tinh chế tăng mạnh phản ánh ảnh hưởng từ hoạt động hàng không và đường bộ, cho thấy nền kinh tế và lực cầu không tốt”.
Dưới đây là một số sự kiện có thể ảnh hưởng giá dầu trong tuần.
Ngày 12/5
- Viện dầu mỏ Mỹ ước tính số liệu tồn kho hàng tuần.
Ngày 13/5
- EIA cập nhật số liệu tồn kho dầu thô hàng tuần.
Ngày 15/5
- Baker Hughes cập nhật số lượng giàn khoan dầu Mỹ hoạt động.
Kim loại quý
Giá vàng được dự báo tiếp tục hướng về 1.750 USD/ounce nhưng khó đạt mốc này. Ngay cả khi thất nghiệp tại Mỹ cao kỷ lục, nhu cầu mua tài sản an toàn cũng không tăng nhiều.
Chốt phiên 8/5, giá vàng giao ngay tại sàn New York giảm 15,1 USD xuống 1.702,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giảm 0,7% xuống 1.713,9 USD/ounce.
“Giá vàng tiếp tục dao động quanh 1.700 USD/ounce để tìm hướng đi”, Craig Erlam, chiến lược gia tại OANDA, New York, nhận định.
Theo NDH