- Đà phục hồi của giá dầu có thể kéo dài dựa trên diễn biến trong tuần vừa qua.
- Giá vàng có thể tiếp tục tăng lên ngưỡng 1.800 USD trong trường hợp đồng USD và lợi suất trái phiếu suy giảm.
Trong tuần trước, giá dầu WTI tương lai giao tháng 9 tăng 4,1%, lên 98,3 USD/thùng. Giá dầu Brent tương lai chốt tuần tăng 5,7% lên 104 USD/thùng.
Dù tăng trong phần lớn thời gian trong tuần, giá dầu WTI vẫn ở dưới ngưỡng 100 USD/thùng và có tháng giảm thứ hai liên tiếp. Giá dầu Brent tuy vẫn duy trì ở trên ngưỡng 100 USD/thùng nhưng cũng giảm trong tháng 7.
Khép lại tháng vừa qua, giá dầu Brent giảm khoảng 4,5%, giá dầu WTI giảm hơn 7%.
Tuần vừa qua tiếp tục là một tuần giao dịch đầy biến động của giá dầu thế giới. Đầu tuần, giá dầu đi lên trước thông tin tập đoàn Gazprom sẽ cắt giảm lưu lượng khí đốt qua hệ thống đường ống Nord Stream 1 giảm khoảng 20%, tương đương với 33 triệu m3/ngày, kể từ thời điểm từ 4h00 giờ GMT ngày 27/7. Điều đó buộc các quốc gia châu Âu phải sử dụng nhiều dầu hơn để bù đắp lượng thiếu hụt khí đột này.
Nhưng chỉ một ngày sau đó, giá dầu đi xuống sau khi chính phủ Mỹ dự kiến bán ra thêm 20 triệu thùng dầu từ Kho Dự trữ chiến lược quốc gia (SPR). Trước đó, từ cuối tháng 3, Mỹ quyết định bán ra khoảng 1 triệu thùng/ngày từ SPR trong vòng 6 tháng tiếp theo.
Giá dầu quay lại đà tăng sau khi báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) được công bố, qua đó cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ sụt giảm mạnh do xuất khẩu tăng đột biến. Bên cạnh đó, nhu cầu nhiên liệu của người dân Mỹ tăng trưởng trở lại giúp xoa dịu quan ngại nhu cầu sụt giảm trong thời gian tới, đặc biệt sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng mạnh lãi suất thêm 0,75%.
Đà tăng của giá dầu nhanh chóng bị chặn đứng sau khi Mỹ công bố dữ liệu GDP giảm trong 2 quý liên tiếp, đồng nghĩa với một cuộc suy thoái kỹ thuật. Theo đó, GDP quý II của Mỹ giảm 0,9% sau khi giảm 1,6% trong quý I. Điều này làm gia tăng quan ngại suy thoái, “cơn ác mộng” đối với nhu cầu dầu mỏ toàn cầu, giống như những gì đã từng xảy ra trong năm 2020.
Tuy nhiên, đà giảm điểm không thể kéo dài trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu tăng điểm và đồng USD xuống giá, giúp giá dầu WTI và Brent tăng hơn 2% trong phiên giao dịch cuối tuần.
Nhà đầu tư cũng dành sự quan tâm cho cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh, hay còn gọi là OPEC+. Theo một số nguồn thạo tin, tổ chức này khả năng cao sẽ tiếp tục giữ nguyên kế hoạch hoặc chỉ tăng nhẹ sản lượng trong tháng 9.
Các chuyên gia phân tích nhận định OPEC+ sẽ khó lòng gia tăng công suất trong bối cảnh nhiều quốc gia chưa thể hoàn thành được hạn ngạch phân bổ trong kế hoạch sản lượng hiện tại. Hiện, sản lượng dầu của OPEC+ thấp hơn 2,84 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ tháng 6.
Đà phục hồi của giá dầu có thể kéo dài dựa trên diễn biến trong tuần vừa qua, ít nhất là về mặt kỹ thuật, theo Sunil Kumar Dixit, Giám đốc chiến lược kỹ thuật tại skcharting.com. “Trong trường hợp duy trì trên ngưỡng trung bình động EMA 50 tuần 93,08 USD, giá dầu WTI có thể kiểm chứng lại mốc 101,87 USD/thùng”, ông nhận định.
Tuy nhiên, khi nhìn vào mức giảm của dầu WTI trong tháng 7, ông cho biết vẫn tồn tại những rủi ro giá dầu đi xuống. Nếu như thủng mốc 93,08 USD/thùng, lực bán sẽ gia tăng và đẩy giá dầu WTI về ngưỡng 90,58 USD/thùng.
Kim loại quý
Giá vàng tương lai giao tháng 8 trên sàn Comex, New York chốt tuần tăng 2,1% lên 1,762,9 USD/ounce. Đây là tuần giá vàng tăng mạnh nhất kể từ cuối tháng 2.
Giá vàng liên tục đi lên sau khi Bộ Thương mại Mỹ công bố dữ liệu tăng trưởng của nền kinh tế số một thế giới. Theo đó, GDP quý II của Mỹ giảm 0,9% sau khi giảm 1,6% trong quý trước đó. Việc GDP của Mỹ giảm hai quý liên tiếp đồng nghĩa với một cuộc suy thoái kỹ thuật. Đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ liên tục sụt giảm khi nhà đầu tư dự báo Fed sẽ sớm “đạp phanh” quá trình siết chính sách tiền tệ.
Giá vàng có thể tiếp tục tăng lên ngưỡng 1.800 USD trong trường hợp đồng USD và lợi suất trái phiếu suy giảm, theo Ed Moya, Chuyên gia phân tích tới từ OANDA.
Tuy nhiên, chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE), một thước đo lạm phát ưa thích của Fed, tăng kỷ lục 6,8% trong tháng 6, có thể buộc cơ quan này trở nên quyết liệt hơn trong cuộc chiến chống lạm phát của mình.
Trong tuần tới, một số dữ liệu quan trọng sẽ được công bố, trong đó có dữ liệu thị trường lao động Mỹ và chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của Viện quản lý cung ứng ISM. Tất cả những dữ liệu trên được dự báo phản ánh tốc độ tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế số một thế giới, làm gia tăng rủi ro về một cuộc suy thoái. Giá vàng vì thế có thể nối dài đà tăng.
Giá vàng giảm mạnh kể từ đầu tháng 3 nhưng bắt đầu hồi phục trong vài tuần gần đây sau khi không thủng ngưỡng sàn kỹ thuật trong khoảng 1.675-1.690 USD/ounce.
Nếu như đà tăng tiếp tục được duy trì trong những ngày tới, ngưỡng kháng cự tiếp theo sẽ là 1.785 USD/ounce và 1.835 USD/ounce. Nếu thành công vượt qua các mốc trên, giá vàng có thể tiếp tục tăng lên ngưỡng 1.880 USD/ounce.
Ở chiều ngược lại, nếu đà bán tháo gia tăng, mức hỗ trợ đầu tiên tiếp tục là dải 1.675-1.690 USD/ounce. Thủng ngưỡng này, giá vàng có thể giảm tiếp về mốc 1.615 USD/ounce.
Theo NDH