Theo dự báo dài hạn mới của Ngân hàng Standard Chartered, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030.
Top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030 theo dự báo của Standard Chartered lần lượt là: Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Ai Cập, Nga, Nhật Bản và Đức.
Trong số 10 nền kinh tế được dự báo lớn nhất thế giới vào năm 2030, có 7 nền kinh tế hiện đang là các thị trường mới nổi.
Dự báo của Standard Chartered cho thấy, xếp hạng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của thế giới sẽ có sự thay đổi lớn trong những năm sắp tới. Trong đó, Trung Quốc được cho là sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất vào năm 2030, dựa trên tỷ giá hối đoái đồng giá sức mua và GDP danh nghĩa.
Trong khi đó, Ấn Độ có khả năng sẽ vượt qua Mỹ, còn Indonesia sẽ lọt vào top 5 nền kinh tế toàn cầu.
“Dự báo tăng trưởng kinh tế dài hạn của chúng tôi dựa trên một nguyên tắc cốt lõi: tỷ trọng của các quốc gia trong GDP của thế giới sẽ đến lúc tương đồng với tỷ trọng của các quốc gia trong dân số thế giới, bởi các nền kinh tế phát triển và mới nổi sẽ đến lúc tương đồng về GDP bình quân đầu người”, báo cáo của Standard Chartered cho hay.
Standard Chartered dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế xu hướng của Ấn Độ sẽ đạt mức 7,8% trong thập niên 2020, Trong khi đó, Trung Quốc sẽ đạt mức 5% vào năm 2030, phản ánh sự giảm tốc tự nhiên xét đến quy mô của nền kinh tế.
Tỷ trọng của châu Á đối với GDP toàn cầu có khả năng đạt mức 35% vào năm 2030, tức là tương đương tỷ trọng của khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Mỹ cộng lại.
Theo DNVN